Tuesday, July 24, 2007

Báo chí quốc doanh với chuyện công an đàn áp dân oan từ Hollywood đến Lê Văn Tám

Báo chí quốc doanh với chuyện công an đàn áp dân oan từ Hollywood đến Lê Văn Tám

Lê Minh - Úc

Cuộc biểu tình lịch sử của dân oan miền Tây đi khiếu kiện tại Sài Gòn đã bị kết thúc bằng bạo lực, sau khi nhà cầm quyền CSVN sử dụng lực lượng công an, xã hội đen cùng với các phương tiện vũ trang chống bạo động đàn áp vào đêm Thứ Tư 18/7/07.

Cuộc biểu tình này kéo dài 27 ngày, khởi đầu với sự tham gia của 100 người dân oan đến từ tỉnh Tiền Giang, rồi lên đến trên 1000 và thậm chí có lúc lên đến gần 2000 người . Họ phần lớn đến từ 18 tỉnh thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt truyền thông thông tin thì sự kiện này không phải là nhỏ, nếu không muốn nói là nghiêm trọng, và đặc biệt nó lại xảy ra ngay trước cửa của văn phòng đại diện cho cơ quan lập pháp của Việt Nam, với danh xưng chính thức là Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội (còn gọi là Quốc hội 2), thế nhưng hơn 600 tờ báo và các đài truyền thanh, truyền hình trong nước không hề đề cập đến, dù chỉ là một bản tin ngắn, trong khi đó các loại tin tức thuộc kiểu xe cán chó, chó cán xe như mãi dâm, thuốc lắc, đâm chém, đánh ghen, thày giáo hãm học trò gái… thì đầy dẫy và được đăng hàng ngày trên các tờ báo quốc doanh. Phải chăng ÐCSVN đã chỉ thị cho các báo đài trong nước phải im lặng như vậy? Hỏi tức là trả lời.

Nhưng đùng một cái, ngay sau khi công an ra quân vào ban đêm để dập tắt cuộc biểu tình của đoàn dân oan, thì các bài báo "đầu voi đuôi chuột, cắt đít xẻ đầu" bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo Sài Gòn Giải Phóng, rồi Tuổi Trẻ,...

Riêng tờ Sài Gòn Giải Phóng thì đã nhận chỉ thị để dàn dựng một kịch bản "Người dân đã về địa phương trong trật tự và an toàn", mà trong đó, tờ báo này qua một “nhân chứng” đã mô tả là “sau khi có loa phóng thanh giải thích các chính sách pháp luật về khiếu kiện, người có trách nhiệm của chính quyền đã lịch sự mời bà con lên xe, xe được bố trí theo từng địa phương” và “bà con ở địa phương nào thì lên xe của địa phương đó, không khí diễn ra rất trật tự an toàn”, chứ chẳng hề có chuyện gì ầm ĩ xảy ra.

Diễn viên chính của vở kịch “Người dân đã về địa phương trong trật tự và an toàn” [ http://www.sggp.org.vn/anninhtrattu/2007/7/111259/ ] do tờ báo Sài Gòn Giải Phóng dàn dựng là “nhân chứng” Phạm Ngọc Thọ, cư ngụ tại số nhà 3A Hồ Văn Huê, Phú Nhuận (số điện thoại: 08-8423282), là căn nhà “gần sát với trụ sở Văn phòng 2 Quốc hội”. Trong khi các cơ quan truyền thông ở hải ngoại, tường thuật lại những lời của dân oan là nhà nước CSVN đã sử dụng công an, đầu gấu xã hội đen xâm mình, cộng với roi điện, vòi rồng, hơi cay, ... để đàn áp, giải tán dân oan, thì “nhân chứng” Phạm Ngọc Thọ “chứng kiến toàn bộ diễn tiến sự việc vào tối 18-7” khẳng định trên báo SGGP là “Không hề có xô xát xảy ra và cũng không có chuyện công an dùng hơi cay, vòi rồng xịt nước vào dân, ép bà con lên xe (như một số báo xuất bản ở nước ngoài đưa tin). Chỉ có các bạn thanh niên tình nguyện giúp đỡ những người già thu dọn tư trang hành lý. Kể cả băng rôn, biểu ngữ chính quyền cũng không tịch thu”.

Qua một cuộc điện đàm viễn liên (xin nghe audio đính kèm), mặc dầu đóng kịch rất khéo nhưng “nhân chứng” Phạm Ngọc Thọ đã để lộ ra một vài kẽ hở, thí dụ như lúc đầu thì ông Thọ nói “họ về như thế nào thì tôi không biết” nhưng lúc sau thì “tôi là người chứng kiến từ đầu tới cuối, tôi thấy sao nói vậy” . Chứng kiến từ đầu tới cuối mà không biết dân oan họ về như thế nào thì có phải là dấu đầu lòi đuôi không? Khi được hỏi về vài chi tiết xảy ra trong những ngày dân oan đang biểu tình thì ông Thọ nói rằng ông ta là người “hàng ngày lo làm ăn cho nên không để ý những chuyện đó”, tức là ông Thọ là một người thuộc loại mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà nấy rạng nhưng khi nhà nước CSVN đưa công an đến dẹp đoàn biểu tình thì ông ta lại chịu khó “chứng kiến từ đầu đến cuối” mà theo báo Tuổi Trẻ thì tức là “ từ 22g30 đêm 18-7 đến 1g sáng hôm sau”, tức là hơn 2 tiếng đồng hồ rồi để sau đó tình nguyện tường thuật lại cho phóng viên báo SGGP để viết bài đăng báo.

Trong khi “Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ, trong đó có cả thành viên ban biên tập, đã có mặt tại hiện trường từ 22g30 đêm 18-7 đến 1g sáng hôm sau.”, thì phóng viên báo SGGP ở đâu mà không một ai đến để chứng kiến săn tin mà phải dùng “nhân chứng” Phạm Ngọc Thọ kể lại câu chuyện, để làm ra vẻ như là có “dân cư ngụ xung quanh chứng kiến” để làm cho có vẻ khách quan ?! Rõ ràng đây là một kịch bản rất tồi được báo SGGP dàn dựng đạo diễn với diễn viên Phạm Ngọc Thọ ở nhà số 3A đường Hồ Văn Huê.

Anh Trần Văn Hải, là một nhân chứng trong cái đêm oan nghiệt 18/7 đã thuật lại qua một lá thư loan truyền trên mạng Internet như sau: “Lúc 23:45, cuộc đàn áp bắt đầu với lựu đạn cay. Dân oan 19 tỉnh thành và 6 quận Tp.HCM chạy dạt vào khuôn viên tòa nhà Quốc Hội. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tiến lên giật hết tất cả các băng rôn, biểu ngữ, giật cả cờ Đảng, cờ nước, cả ảnh Hồ Chí Minh, bằng Tổ quốc ghi công, chiếu, võng... của dân oan vứt lên xe rác đậu sẵn tại hiện trường..., một số bà con quyết liệt chống cự. Một bà lão kêu gào: Tụi bay là đồ ăn cướp - một lũ du côn. Chồng tao 50 năm tuổi Đảng. Nhà tao gia đình cách mạng mà tụi bay còn ăn cướp của tao”.

Một phụ nữ tên Mai đã thuật lại với đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Họ đem công an lực lượng cơ động trong đó hình như ở trần mà có xâm mình khoảng trăm mấy chục người. Cái đó hình như là xã hội đen... Họ bao vây hai đầu khúc đường chỗ 194 và không cho xe chạy. Và hồi đêm hôm, khoảng 10 giờ tối giờ Việt Nam mình cho tới 2 giờ luôn là họ bắn súng cay. Bắn đâu trúng dân, là bắt đầu quay ngang họ khiêng lên xe, một người dân oan là bốn người khiêng thảy lên như heo vậy đó”.

Tiếp tay với tờ SGGP, ngay ngày hôm sau 21/7 báo Tuổi Trẻ (TT) đã tung ra một bài “hậu khiếu kiện”, loan tin cho biết các giới chức địa phương đã “Bắt đầu đối thoại với người khiếu kiện.” [ http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=211567&ChannelID=3]

Với luận điệu giống như tờ SGGP, báo Tuổi Trẻ đã ra sức bênh vực cho nhà nước CSVN, và cũng không quên chuyển hướng .... lên án các báo đài hải ngoại là “bịa đặt trắng trợn”. Các báo hải ngoại như Người Việt Online, CaliToday, và đài RFA được báo Tuổi Trẻ nêu đích danh là những kẻ “vẫn duy trì những thông tin bịa đặt trắng trợn về cái gọi là ‘cuộc đàn áp dã man những người dân đi khiếu kiện ở Sài Gòn đêm 18-7’ ”.

Theo báo Tuổi Trẻ thì “Không có tiếng súng, không có lựu đạn cay, không có vòi rồng và cũng không ai bị thương. Chỉ có vận động và thuyết phục đồng bào khiếu kiện trở về quê”. Ðây quả là một điều lạ lùng, vì suốt 26 ngày trời không một quan chức nào của chế độ đến tiếp xúc để thuyết phục dân oan, mà chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, trong một đêm tối trời, bắt đầu từ 22g30 khuya, báo Tuổi Trẻ cho biết “những người trực tiếp vận động bà con chính là hàng trăm phụ nữ, thanh niên tình nguyện ở TP.HCM và các tỉnh. Họ thuyết phục những người đồng hương về quê - nơi sẽ giải quyết nguyện vọng của bà con” và tất cả dân oan đều nghe theo răm rắp và xếp gói quay về điạ phương!. Không lẽ các đại biểu quốc hội và quan chức của đảng và nhà nước không được bà con tin tưởng nữa sao?



Một điều lạ lùng nữa là cả hai tờ SGGP và Tuổi Trẻ trong các bài báo nói trên, ngoài những luận điệu “cãi chày cãi cối”, đều không đưa ra được một tấm hình nào để chứng minh là những người dân oan được lịch sự mời lên xe, hoặc cảnh “các bạn thanh niên tình nguyện giúp đỡ những người già thu dọn tư trang hành lý” như “nhân chứng” Phạm Ngọc Thọ đã kể với báo SGGP, mặc dù là báo Tuổi Trẻ có “Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ, trong đó có cả thành viên ban biên tập, đã có mặt tại hiện trường từ 22g30 đêm 18-7 đến 1g sáng hôm sau”.

Nên nhớ là nhà nước CSVN không từ bỏ một cơ hội nào để tuyên truyền, nếu quả thật đã có những hình ảnh “diễn ra rất trật tự an toàn” thì các phóng viên quốc doanh đã không bỏ lỡ cơ hội để chụp và đưa lên mặt báo rồi.

Lại thêm một điều lạ lùng nữa là, tại sao nhà nước CSVN lại phải đợi đến ban đêm khi trời tối đen, bắt đầu lúc 22g30 khuya, khi người dân đã lên giường đi ngủ rồi mới mở cuộc “vận động và thuyết phục đồng bào khiếu kiện trở về quê” ? Có gì mà phải gấp rút vậy? Tại sao không đợi vào sáng hôm sau, và làm vào lúc ban ngày giữa thanh thiên bạch nhật như Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ và phái đoàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đến thăm viếng và nói chuyện cùng đồng bào dân oan. Có gì mờ ám đây mà phải lợi dụng lúc ban đêm tối trời mới ra tay ? Ðây chính là hành động của kẻ gian sợ ánh sáng mặt trời.

Có hai lý do khiến nhà nước CSVN phải hành động gấp rút vào đêm 18/7 là (1) hôm trước, sáng Thứ Ba 17/7/07, Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ đã đến thăm viếng dân oan và kêu gọi "Phải đòi hỏi một chế độ đa nguyên, đa đảng, đại diện đầy đủ cho 80 triệu dân. Chứ chỉ có một đảng thì không thể giải quyết được gì cho 80 triệu dân. Như thế đã là bất công rồi, 80 triệu dân mà sao chỉ có một đảng tạo ra bất công như thế này? Do đó cho nên cần phải có những đảng phái khác nữa để đại diện đủ mọi khuynh hướng cho 80 triệu dân, thì mới giải quyết được.” và (2) ngày Thứ Năm hôm sau 19/7/07 là ngày khai mạc Quốc hội bù nhìn khóa 12 vừa được “đảng cử dân bầu” vào ngày 20/5/07 vừa qua.

Như đã đề cập ở trên, và phải nhắc lại cho các phóng viên quốc doanh biết là tại sao suốt 26 ngày trời, gần 2000 người, một số lượng người đông đảo như thế, tụ họp tại một điạ điểm là ngay trước cửa văn phòng của một cơ quan quyền lực nhà nước, là văn phòng Quốc hội 2, ở ngay giữa thành phố Sài Gòn, thì các phóng viên quốc doanh này chui rúc ở nơi đâu mà không thấy đến để săn tin và ghi nhận hình ảnh để đưa lên mặt báo?

Nhân tiện đây xin được nhắc lại cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hôm 24/6/07 của đài CNN do phóng viên Wolf Blitzer thực hiện trong chương trình Late Edition, mà sau đó báo Nhân Dân điện tử đã “xào nấu” bài phỏng vấn, rồi dịch lại theo kiểu “bịt miệng” CNN và mớm lời cho Chủ tịch Triết để cho đọc giả trong nước xem hôm 4/7 vừa qua. Ai đã theo dõi chương trình này hoặc đọc bản lược ghi (transcript) của đài CNN trên trang nhà của họ, đều không khỏi giật mình khi nhận ra trong bản gốc của CNN chỉ có 15 mẫu đối thoại, và bản dịch của báo Nhân Dân lại có đến 20 mẫu đối thoại, tức là báo Nhân Dân đã tưởng tượng ra và nhét vào mồm Chủ tịch Triết thêm 5 mẫu đối thoại nữa, đó là chưa kể việc tờ báo để “làm công tác vệ sinh” này đã thay đổi một cách lố bịch và trắng trợn nội dung cuộc phỏng vấn. Báo Tuổi Trẻ cũng đã đăng lại bản dịch này. Ðài CNN là đài có uy tín và làm ăn đàng hoàng, bài vở phỏng vấn đều có bản quyền (copyright) mà tờ Nhân Dân còn dám lấy về tự biên tự diễn như vậy thì dưới chế độ độc quyền kiểm soát truyền thông báo chí của CSVN, các tờ báo quốc doanh phải viết bài đưa tin theo chỉ thị của Bộ chính trị là chuyện đương nhiên.

Báo Tuổi Trẻ đã kết luận rằng chuyện công an dùng bạo lực đàn áp dân oan “được mô tả trên các trang báo điện tử nói trên hoàn toàn là sản phẩm của một sự tưởng tượng rất Hollywood.” thì người viết bài này cũng kết luận rằng câu chuyện “Không có tiếng súng, không có lựu đạn cay, không có vòi rồng và cũng không ai bị thương. Chỉ có vận động và thuyết phục đồng bào khiếu kiện trở về quê. Và những người trực tiếp vận động bà con chính là hàng trăm phụ nữ, thanh niên tình nguyện ở TP.HCM và các tỉnh. Họ thuyết phục những người đồng hương về quê - nơi sẽ giải quyết nguyện vọng của bà con” hoàn toàn là sản phẩm của một sự tưởng tượng rất Lê Văn Tám.

Lê Minh Úc (24/7/2007)

Chú thích:

Lê Văn Tám là giai thoại về một em nhỏ tham gia lực lượng chống quân đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương được biết đến như là một biểu tượng về lòng yêu nước ở Việt Nam với chiến tích nổi bật là tự đốt mình để lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch.

Câu chuyện về Lê Văn Tám thường kể rằng có một cậu bé làm nghề bán đậu phộng rang, tuy nhỏ tuổi nhưng đã tham gia lực lượng kháng chiến chống Pháp. Vào đêm 1 tháng 1 năm 1946, cậu bé tìm cách lọt vào được kho xăng của Pháp ở Thị Nghè. Cậu đã tẩm dầu lên mình và đốt, rồi nhảy vào một thùng xăng gần nhất. Cả kho xăng đã bị phá hủy và cậu bé cũng hy sinh theo.

Câu chuyện này đã được tuyên truyền rộng rãi tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám", nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân... Câu chuyện này cũng được đưa vào sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam. Tên của Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, quỹ học bổng, tượng đài, công viên, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác ở Việt Nam.

Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì nhân vật Lê Văn Tám là không có thật, và được Trần Huy Liệu, lúc đó là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dựng lên.[1] Theo một nguồn khác thì nhân vật Lê Văn Tám vốn được đạo diễn phim Phan Vũ sáng tác cho một phim truyện nhưng sau đó được dùng cho mục đích tuyên truyền.[2] Hiện nay các thông tin này chưa được chính thức công nhận hay bác bỏ ở Việt Nam.

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_T%C3%A1m

Báo quốc nội:

[ http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=211567&ChannelID=3 ]


Sự bịa đặt trắng trợn!

Đến hôm qua, một số trang web Việt ngữ vẫn duy trì những thông tin bịa đặt trắng trợn về cái gọi là “cuộc đàn áp dã man những người dân đi khiếu kiện ở Sài Gòn đêm 18-7”. Tiêu biểu là tờ Người Việt Online và Calitoday.

Calitoday loan tin như sau: “Vào đêm 18-7, hàng trăm công an đã đưa hàng chục xe cây tới bao vây toàn bộ khu vực trước Văn phòng Quốc hội 2 tại Sài Gòn. Đến 10g05 khuya, công an CSVN đã dùng lựu đạn cay và vòi rồng để tấn công người biểu tình, giữa những tiếng la hét kêu cứu thảm thương... Tin tức cho biết hàng chục người nông dân khiếu kiện, kể cả cụ già, phụ nữ và trẻ em bị thương. Hàng trăm người khác bị hốt lên xe cây chở đi mất, không biết đi đâu và số phận thế nào”.

Còn Người Việt Online đã dẫn nguồn RFA (Đài châu Á tự do) để mô tả rất trời ơi đất hỡi rằng: “Công an, cảnh sát cơ động, dân phòng và cả “xã hội đen” đã dùng bạo lực để giải tán đoàn người khiếu kiện. Họ bắn súng cay từ 10g tối đến 2g sáng. Bắn trúng dân là khiêng thảy lên xe như heo vậy”. Bản tin của Người Việt Online còn tưởng tượng ra một chi tiết nhằm gây sốc cho người đọc: trong số lực lượng công an cơ động, có một trăm mấy chục người ở trần có xăm mình. Hình như là “xã hội đen”...

Vậy sự thật về diễn biến đêm 18-7 ở trụ sở Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội (đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM) là như thế nào?

Sự thật hoàn toàn ngược lại! Những thông tin do RFA, Calitoday và Người Việt Online loan tải là một sự bịa đặt đáng kinh ngạc! Không có tiếng súng, không có lựu đạn cay, không có vòi rồng và cũng không ai bị thương. Chỉ có vận động và thuyết phục đồng bào khiếu kiện trở về quê. Và những người trực tiếp vận động bà con chính là hàng trăm phụ nữ, thanh niên tình nguyện ở TP.HCM và các tỉnh. Họ thuyết phục những người đồng hương về quê - nơi sẽ giải quyết nguyện vọng của bà con.

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ, trong đó có cả thành viên ban biên tập, đã có mặt tại hiện trường từ 22g30 đêm 18-7 đến 1g sáng hôm sau. Với những gì quan sát được, chúng tôi cho rằng thông tin được mô tả trên các trang báo điện tử nói trên hoàn toàn là sản phẩm của một sự tưởng tượng rất Hollywood. Sự bịa đặt và dựng đứng đó nhằm gây sốc và kích động dư luận mà thôi.

B.T.

http://www.sggp.org.vn/anninhtrattu/2007/7/111259/


Việc tập trung khiếu kiện đông người ở Văn phòng 2 Quốc hội (TPHCM)

Người dân đã về địa phương trong trật tự và an toàn

SGGP:: Cập nhật ngày 19/07/2007 lúc 23:21'(GMT+7)

Trao đổi với PV Báo SGGP sáng qua (19-7), ông Lê Văn Vạn, Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội khẳng định: Toàn bộ hơn 500 người dân của 20 tỉnh, thành phía Nam tập trung khiếu kiện tại Văn phòng 2 Quốc hội từ ngày 22-6 đã được lãnh đạo các địa phương đưa về quê trong trật tự và an toàn vào tối 18-7.

Theo ông Vạn, đầu tiên chỉ là 93 người dân đến từ tỉnh Tiền Giang nhưng cho đến tối 18-7, có hơn 500 người đến từ 20 tỉnh thành phía Nam. Tỉnh có đông người nhất là Tiền Giang, tiếp theo là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Long An, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Thuận, Sóc Trăng… Nội dung khiếu kiện chủ yếu là giá cả đền bù khi nhà nước giải tỏa thu hồi đất, bất cập trong công tác bố trí tái định cư…

Dù Văn phòng Quốc hội đã nhiều lần giải thích việc giải quyết khiếu kiện là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Quốc hội sẽ giám sát. Vụ Công tác phía Nam không có chức năng tiếp xúc công dân, nhận đơn và khiếu kiện như vậy là không đúng luật. Nhưng theo ông Vạn, một số phần tử cơ hội, quá khích đã lợi dụng tình hình cung cấp tiền, thực phẩm cho bà con làm cho tình hình phức tạp thêm và người dân bám trụ dài ngày.

Về việc khiếu kiện đông người này, trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam và các cơ quan chức năng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương và cơ quan chức năng thực hiện ngay một số nội dung: Trước hết là rà soát, phân loại toàn bộ các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; xem xét lại việc giải quyết, việc nào đã giải quyết tốt thì công khai trên báo chí, việc nào giải quyết sai, chưa thấu tình đạt lý thì phải giải quyết lại.

Đối với các tổ chức, cá nhân làm sai dẫn đến khiếu kiện của người dân, phải kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn. Củng cố lại việc tuyên truyền, hướng dẫn luật pháp để người dân khiếu nại tố cáo đúng nơi, đúng chỗ và đúng pháp luật. Đối với những đối tượng lợi dụng khiếu nại tố cáo để làm việc xấu nếu tiếp tục tái phạm phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Thọ chủ nhà số 3 A Hồ Văn Huê (gần sát với trụ sở Văn phòng 2 Quốc hội) và nhiều người dân cư ngụ xung quanh chứng kiến toàn bộ diễn tiến sự việc vào tối 18-7 cho biết: sau khi có loa phóng thanh giải thích các chính sách pháp luật về khiếu kiện, người có trách nhiệm của chính quyền đã lịch sự mời bà con lên xe, xe được bố trí theo từng địa phương. Tức bà con ở địa phương nào thì lên xe của địa phương đó, không khí diễn ra rất trật tự an toàn.

“Không hề có xô xát xảy ra và cũng không có chuyện công an dùng hơi cay, vòi rồng xịt nước vào dân, ép bà con lên xe (như một số báo xuất bản ở nước ngoài đưa tin). Chỉ có các bạn thanh niên tình nguyện giúp đỡ những người già thu dọn tư trang hành lý. Kể cả băng rôn, biểu ngữ chính quyền cũng không tịch thu” – ông Thọ khẳng định.

Theo chứng kiến của ông Thọ, phần lớn bà con tự nguyện ra về sau khi có sự giải thích của cơ quan có chức năng, lãnh đạo các địa phương. Chỉ có một vài phần tử kích động kêu gọi người dân ở lại nhưng bà con không nghe và trật tự lên xe về địa phương với sự giúp đỡ của các bạn thanh niên tình nguyện.

Theo ông Trần Trung Tính, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, trước đó từ ngày 16-7, MTTQ TP đã trao đổi với các địa phương bạn để nắm yêu cầu của bà con. Sau đó, cán bộ của TP và các tỉnh đã đến từng hộ dân để giải thích về các chính sách pháp luật, hướng dẫn bà con đi khiếu nại đúng nơi đúng chỗ. Một số bà con thấy đúng đã tự nguyện trở về địa phương. Ông Lê Văn Vạn cho rằng: Ngay sau khi về địa phương, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp đối thoại với từng hộ dân để giải quyết tận gốc vấn đề.

TRẦN TOÀN

http://www.doi-thoai.com/baimoi0707_294.html

*
******************************************
*
Tham khảo:

- Về dân oan : Đối chiếu truyền thông hải ngoại - quốc nội : vc nói láo
(báo DT hải ngoại về sự ngược ngạo, vu cáo của báo VC)
- Dân oan: Bút Trẻ “đồng tình” với báo Tuổi Trẻ
- Luật báo chí VC và nghệ thuật/thủ đoạn tuyên truyền "có liều lượng"

No comments: