Ôi khoa học: Dễ thế sao!
18/07/2007 09:36 (GMT + 7)
Người viết bài này đã gặp một vài nhà khoa học và họ có một đề xuất vui vui: Làm một đề tài khoa học nghiên cứu tính khả thi của những đề tài khoa học. Nó là "khoa học của các khoa học"?
Vừa rồi rộ lên trên các phương tiện truyền thông về chuyện đề tài khoa học cấp bộ mà giống luận án Thạc sỹ đến 90% của Đại học Huế.
Lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ (Ảnh chỉ minh họa)
Nghe có vẻ lạ nhưng là sự thật.
Chuyện là thế này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Mác - Lênin làm chủ nhiệm một đề tài cấp bộ: “Vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo ở Thừa Thiên-Huế hiện nay”, với mã số B2005-07-11. Đề tài này đã được hội đồng nghiệm thu đề tài cấp bộ (do một GSTS thuộc Viện Triết học, chủ trì) thông qua ngày 23/11/2006, và đánh giá là: “đảm bảo yêu cầu của đề tài, hoàn thiện và nghiệm thu cấp bộ”.
Đùng một cái người ta phát hiện ra một luận văn Thạc sĩ Triết học cũng có tên là “Vấn đề bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế trong giai đoạn hiện nay”, mã số 60.22.80, cũng tại Trường ĐH Khoa học Huế giống đề tài trên đến 90%.
Nghe thông tin này người đọc vừa ngỡ ngàng lại vừa không. Ngỡ ngàng vì một công trình cấp bộ mà lại giống một đề tài Thạc sỹ. Không biết điều này nên buồn hay nên vui. Có thể phải vui chứ, vì cái cách đào tạo của ta đã được nâng lên. Một luận văn Thạc sỹ mà được đưa đi bảo vệ đề tài cấp bộ còn ngang tầm cơ mà.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì đề tài Thạc sỹ mới ở dạng…"em" của khoa học, nghĩa là nặng "trả bài", "tập làm khoa học" có rất ít sự "sáng tạo khoa học" trong đó. Chính vì vậy, có một thời người ta tranh luận tên của nó là luận án hay luận văn. Chưa nói luận án Tiến sỹ của ta có phải là khoa học hay không còn phải…một đề tài khác.
Cái lạ, cái ngỡ ngàng chính là ở chỗ đó. Đề tài Khoa học cấp bộ mà giống đến 90% một luận án Thạc sỹ thì kể ra Hội đồng khoa học nghiệm thu đó cũng nên được xem xét lại.
Còn chuyện không ngỡ ngàng thì việc "cóp" luận án không phải bây giờ mới có. Dư luận đã lên tiếng dài dài. Mới đây chúng tôi nhận được thông tin (và trên tạp chí Tia sáng đã có bài viết) một công trình khoa học của một vị có chức sắc ở ngành văn hóa cũng "cóp" từ những đề tài khác nhau. Không biết điều đó đúng đến đâu, xin các cơ quan chức năng xem xét.
Từ lâu đã có câu "nhà nhà làm khoa học, người người làm khoa học" trở thành câu cửa miệng. Nhà nước ta hàng năm đã bỏ rất nhiều kinh phí để các cơ quan, bộ, ngành nghiên cứu khoa học. Điều đó rất cần thiết cho những nước đang phát triển như chúng ta. Song làm khoa học phải tính đến hiệu quả, nhất là nước nghèo. Nhưng cái cách làm khoa học của ta rất…không khoa học. Người viết xin lỗi những công trình nghiêm túc, chân chính, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của khoa học nước nhà. Chẳng hạn như những công trình của ngành y, dược, nông nghiệp, công nghệ sinh học…là những đóng góp vô giá. Tuy nhiên những công trình như vậy có thể đếm được. Còn lại nhiều công trình bảo vệ xong được "niêm phong", "bảo mật" luôn.
Có một thực tế cũng đáng suy nghĩ, nhiều "nhà khoa học chân đất" của ta không có kinh phí nhưng qua thực tiễn họ đã nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều loại máy móc, công cụ khác nhau, rất thiết thực cho cuộc sống. Nên chăng khoa học phải đến được với sản xuất, phải là một "lực lượng sản xuất trực tiếp" là điều kiện bắt buộc?
Chúng tôi đã tham gia làm những đề tài khoa học. Một đề tài ra đời quả là rất khó khăn, phải làm rõ được tính cấp thiết, có như vậy mới tồn tại. Ngoài ra còn phải biết có những đề tài nào tương tự, liên quan đến đề tài của mình. Người đi sau không thể không biết người đi trước đã làm gì. Một đề tài mới phải dựa trên những nghiên cứu trước đó là điều tất nhiên, nhưng tuyệt nhiên không phải là sự tập hợp và càng không phải là sự sao chép.
Có một thực tế nhiều đề tài bảo vệ xong không thể áp dụng, không có tính thực tiễn, vì vậy sau khi ra đời nhanh chóng rơi vào "bảo mật" hoặc bị quên lãng. Còn một thực tế khác, nhiều nơi lấy đề tài làm nguồn sống cho cán bộ, công nhân viên, vì vậy đã nở rộ làm khoa học, điều đó rất nguy hiểm.
Tôi có gặp một vài nhà khoa học và họ có một đề xuất vui vui: Làm một đề tài khoa học nghiên cứu tính khả thi của những đề tài khoa học. Nó là "khoa học của các khoa học".
Nghe vậy thật buồn!
Nguyễn Đặng Hà Nội
http://www.tuanvietnam.net//vn/thongtindachieu/614/index.aspx
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: manhhung@yahoo.com
Cũng gọi là khoa học được, nhưng phải thêm vào là KHOA HỌC KIỂU VIỆT NAM, nó khác hẳn và tách hẳn với khoa học của thế giới. Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của VIệt Nam thì nhiều, nhưng có ai hỏi là bao nhiêu % trong các vị này có các kết quả ngang tầm thế giới không? thế giới có công nhận các công trình nghiên cứu của các vị này của Việt Nam không? Tôi thấy các ông làm hành chính, giám đốc các Sở của các tỉnh mà cũng làm tiến sĩ thì tôi chẳng biết nói gì về chất lượng tiến sĩ như thế nào??????
Họ và tên: Nguyễn Biểu
Địa chỉ: 62 Luong Khanh Thien, Tuong Mai, Ha Noi
Email: nguyenbieu_vn@yahoo.com
Bài viết trên đây rất hay và xin viết thêm. Mới đây tôi đi dự xét duỵệt một đề tài cấp Nhà nước về lập bản đồ địa chất Biển Đông tỷ lệ 1:1 000 000 ...mà thấy buồn cho khoa học nước nhà. Tìm hiểu mới biết là đề tài có chủ nhiệm, các thành viên xét tuyển chọn và xét duyệt là những người chưa bao giờ vẽ bản đồ loại này và chưa được tham khảo một bản đồ địa chất biển nước ngoài xuất bản. Các góp ý tại 1 cuộc Hội thảo về những việc cần làm tập thể tác giả không nghe vì đây là ý kiến của các vị đã về hưu, không cập nhật cái mới. Thế mà đề tài vẫn thông qua không cần sữa chữa và thuộc loại tốt và đã biên tập cho vào Atlas Quốc gia sắp cho xuất bản xem như là một sản phẩm trí tệ về địa chất biển của Việt Nam !
Họ và tên: QuangVõ
Địa chỉ: Hà Nội
Email: quevodl@yahoo.com
Lâu nay người ta thường hay bàn về chất lượng các công trình khoa học không có chất lượng.Nhưng chưa ai nói rõ nguyên nhân theo tôi trước tiên phải chấn chỉnh lại thầy (HĐKH)chấm các công trình KH, thầy dốt,hội đồng đẹp thì làm sao có chất lượng công trình KH. Là một cán bộ nghiên cứu ở 01 Viện tôi thấy tình trạng cơ quan tôi cũng vậy. HĐ do ông chủ tịch HĐKH cơ quan chỉ định vì vậy có một vài PGS.TS hầu như ngồi hết các hội đồng khoa học của cơ quan bất kể là chủ đề gì, kinh tế, tin học, môi trường, chính sách...và họ phát biểu như thật. Vấn đề HĐ đẹp trong NCKH cũng thường hay xẩy ra ở cơ quan tôi nên nhiều lúc chúng tôi biết đâu là sự thật của công trình KH có chất lượng nhưng biết làm thế nào khi ông chủ tịch HĐKH là người quyết định.
Địa chỉ email gửi : TBT@vietnamnetgroup.com
Wednesday, July 18, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment