Tuesday, July 24, 2007

Vài nét về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Vài nét về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân
14.07.2007 13:20

Quy Trình Bầu Cử

Về mặt lý thuyết, Quốc hội là cơ quan lập pháp. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan có thẩm quyền đưa ra « các nghị quyết bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương », có nghĩa là giống như một bộ phận lập pháp nhưng ở cấp dưới, và bị chi phối bởi các điều luật đưa ra từ Quốc hội. Các nghị quyết này được thực thi bởi các Ủy ban Nhân dân, là bộ phận Hành pháp ở địa phương.


Vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Theo Hiến pháp 1992, các điều luật của Quốc hội và nghị quyết Hội đồng Nhân dân quyết định tất cả mọi mặt của Quốc gia: kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa – xã hội, giáo dục... Tiến trình bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức và giám sát bởi Mặt trận Tổ quốc – một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quy trình bầu cử

Tiến trình bầu cử dựa theo các tài liệu luật ở Việt Nam hiện nay (chủ yếu là luật bầu cử Quốc hội, các bạn có thể tham khảo cụ thể trên trang web của Mặt trận Tổ quốc http://www.mattran.org.vn )

Thành lập các bộ phận kiểm tra và xem xét danh sách giới thiệu ứng cử, gồm:

Hội đồng bầu cử: nhận, xem xét các danh sách ứng cử gửi từ các cơ quan Trung ương rồi chuyển cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc; Xác định kết quả bầu cử ở Ủy ban bầu cử; Giải quyết các khiếu nại từ các Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử.
Ủy ban bầu cử (địa phương): nhận, xem xét các danh sách gửi từ các tổ chức ở địa phương rồi chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Kiểm tra xác nhận kết quả bầu cử từ Ban bầu cử.
Ban bầu cử (địa phương): trực tiếp điều hành các hoạt động bầu cử, từ khâu chuẩn bị đến lúc bỏ phiếu và kiểm kết quả.

Thành lập danh sách ứng cử

Ở Trung ương: do các tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương thông qua qua Hội nghị cử tri của mỗi tổ chức ấy.

Ở địa phương: cũng do các tổ chức ấy nhưng ở cấp dưới.

Ứng cử tự do: hồ sơ của tất cả những người tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử được kiểm tra bởi Ủy ban bầu cử nếu ở cấp địa phương, và bởi Hội đồng bầu cử nếu được giới thiệu ứng cử (không có tự ứng cử) ở cấp Trung ương.


Hội nghị hiệp thương ứng cử đại biểu Quốc hội

Mục đích: xác định số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi tổ chức, cơ quan.

Hội nghị hiệp thương được tổ chức bởi Mặt trận Tổ quốc, và cũng chính Mặt trận Tổ quốc niêm yết danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.


Quy trình bầu cử có phù hợp với Hiến pháp và nhu cầu của cử tri?

Điều 6 Hiến pháp 1992 quy định: « nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân ».

Điều 7 Hiến pháp ghi rõ: « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín ».

Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan Nhà nước “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, tức là chỉ có nhân dân qua lá phiếu mới có quyền quyết định người đại diện cho mình. Bầu cử « phổ thông, bình đẳng » có nghĩa là nhân dân phải có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử. Chỉ một nhóm người quyết định việc ứng cử, bầu cử thì sao gọi là bình đẳng được ?

Nhưng, như đã trình bày ở trên, hệ thống “xem xét đi xem xét lại” hồ sơ ứng cử từ cơ quan, đến Ủy ban bầu cử rồi đến Mặt trận Tổ quốc khiến cho những quyền đó không thể được thực hiện, hay nói cách khác, khiến cho những quyền đó như thể không tồn tại.

Thông qua Mặt trận Tổ quốc, Đảng Cộng sản nắm quyền đã tự chọn những ứng cử viên có lợi cho họ. Việc chọn lựa, giới thiệu ứng cử cũng diễn ra tương tự đối với bầu cử Hội đồng Nhân dân (các bạn có thể tham khảo điều luật 2003, chương 1, về bầu cử Hội đồng Nhân dân). Như vậy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là những cơ quan đại diện cho « ý chí và nguyện vọng » của hơn 3 triệu đảng viên, một con số quá ít ỏi so với con số 84 triệu dân.

Phụ thuộc vào Đảng Cộng sản ở cơ chế bầu cử và cơ cấu đại biểu, hoạt động và quyết định của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì thế hoàn toàn chịu sự chi phối của một Đảng. Thế nhưng, sự phân hóa trong xã hội ngày một đa dạng và sâu sắc, sự tồn tại của một đảng phái không thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Báo chí trong nước thời gian này cũng đang lên tiếng về sự việc bất hợp lý này. Đặc biệt, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài trả lời phỏng vấn BBC gần đây cũng nói ông ủng hộ chuyện tự ứng cử và muốn người dân được « tự do lựa chọn ». Ông nhấn mạnh: « Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào ».

Cần trả lại cho nhân dân quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử để nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước.

Nguyễn Bảo Trâm
http://www.phiatruoc.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=18

*
***
*

Trò hề “bầu cử” đã mở màn
24/02/2007
Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên

Màn diễn đầu tiên là trò “hiệp thương”. Cần vạch rõ tính nguỵ trang dân chủ của cái trò này; nhưng đó là nội dung của bài tới.

Vài điều quái gở diễn lại:

- Điều quái dị đầu tiên dễ thấy là đảng ta chỉ có 3,5 triệu đảng viên mà chiếm tới 91% số đại biểu quốc hội, còn 81 triệu dân chỉ có 9% số đại diện. Nhờ ơn 14 ông vua trong bộ chính trị, lần bầu cử này số đại biểu là người ngoài đảng sẽ tăng lên... 10%, tức là cả thảy sẽ có 50 người trong quốc hội. Hỏi lại ông bà, liêuk một nước có thể có nhiều vua hay không, chúng tôi được biết thời hậu Ngô Quyền có hai anh em ruột cùng làm vua; còn trong chuyện Tề thiên Đại thánh thì dưới âm ty có 10 vua cùng điều hành công việc. Chẳng hoá ra nước cộng hoà XHCN VN là một “siêu âm phủ” hay sao?
- Nếu “công chức là đầy tớ dân”, như đảng vẫn nói, thì sinh viên chúng ta đều biết 2 tên đầy tớ trong ngành giáo dục là bác Mạc Kim Tôn (giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình) và bác Nguyễn Minh Hiển (bộ trưởng bộ GD-ĐT). Điều quái dị ở nước ta là hai bác này lại đồng thời là đại biểu quốc hội, tức là đại diện dân mà nghĩa vụ là hạch sách bọn đầy tớ khi chúng lộng hành. Điều chắc chắn là ông nghị Mạc Kim Tôn (dù cha nội bảo) không bao giờ dám mở miệng cật vấn tên đầy tớ Nguyễn Minh Hiển – là cấp trên trực tiếp của mình.

- Một quái dị không kém nữa: Việc chính của các vị đại diện dân là ban hành luật, vậy mà qua 11 khoá được dân nuôi béo mà các vị đại diện này vẫn không cụ thể hoá được các quyền tự do dân chủ đã ghi trong hiến pháp. Ví dụ, quyền tự do ứng cử (ai tự ứng cử thì đảng “diệt” ngay) và tự do bầu cử (ai không đi bầu cho một danh sách đảng cử, thì cứ “chết” với đảng).

- Còn có thể kể ra nhiều điều quái dị khác nữa...

Nhận định
Chúng tôi trao đổi trong nhóm để có thái độ và hành động “hưởng ứng” cái trò hề đã diễn diễn đi, diễn lại, tới 11 lần trong vòng 62 năm qua, mặc dù đây là lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp tỏ thái độ. Sau khi đã tương đối thống nhất ý kiến trong nhóm, mỗi người chúng tôi lại thăm dò ý kiến một số bạn “ngoài nhóm” để thăm dò tâm trạng chung của sinh viên chúng ta ra sao.

Trước hết, do nhà trường và đoàn thanh niên quản lý rất chặt chẽ, lại bị cán bộ phường xã “ốp” sát sao, chúng ta đành buộc phải đi bầu - nếu không sẽ bị trả thù, kể cả không cho lên lớp, không cho tốt nghiệp, thậm chí đuổi học.

Các bạn chớ ngây thơ mà hy vọng vào sự thay đổi kết quả bầu cử, vì đảng ta vẫn nắm chắc 3 khâu:

- Khâu tạo danh sách ứng cử, hiện đang được tiến hành bằng trò diễn “hiệp thương”. Cứ nhắm mắt nói bừa vẫn đúng: trong danh sách sẽ có vài vị được dùng làm “chất độn”, để các vị khác trúng cử với tỷ lệ phiếu cao ngất ngưởng, đúng như “ý đảng, lòng dân”;

- Khâu đôn đốc người đi bầu: với danh sách đã chọn thì càng nhiều người đi bầu, đảng càng được tiếng “dân chủ, hợp lòng dân” và những điều “tốt đẹp” nhảm nhí khác. Loa phưởng sẽ ra rả “kêu gọi, thúc bách” đi bầu, nhưng vẫn cho phép tha hồ bầu hộ. Lần bầu trước, một bạn trong nhóm tuy chưa đủ tuổi đi bầu vẫn có thể mang phiếu của cả nhà bỏ vào hòm phiếu. Đảng ta không ngu đến mức không biết rằng dân đã chán ngấy tận cổ kiểu bầu này, nhưng đảng ta thừa trơ trẽn và phi nghĩa để cứ làm theo ý riêng - trừ khi không thể làm nổi nữa.

- Và khâu kiểm phiếu: hơn hẳn mọi lần trước đây, lần này sẽ càng có sự gian lận khi kiểm phiếu, do vậy đảng vẫn nặn ra được kết quả bầu cử như ý muốn. Cố nhiên, sau đấy đảng ra lệnh cho báo chí “ca ngợi” kết quả bầu cử rùm beng và trơ tráo hơn những lần trước.

Nói khác, chớ hy vọng lông quạ sẽ trắng.

Giới trẻ nên làm gì?

Vậy trước và trong khi bầu, chúng ta có thể làm gì để tẩy chay cái trò hề trơ trẽn và quái dị này? Mong các bạn trao đổi rộng rãi và tham khảo thêm ý kiến của ông bà, cha mẹ, để qua đó gửi một thông điệp quyết liệt của giới trẻ đến đảng độc quyền? Ý kiến ban đầu của chúng tôi như sau: Dẫu sao, ở giai đoạn chuyển tiếp, chúng ta đảng chấp nhận mức quái dị 50%, Cụ thể là:

1) Tích cực tham gia các buổi “học tập” nhằm vạch ra tính chất giả dối, nguỵ trang dân chủ của bầu cử. Mục tiêu là “vạch mặt” hơn là thay đổi 3 khâu nói trên. Nhất thiết đòi các ứng cử viên phải tiếp xúc rộng rãi với dân, nghe dân chất vấn và đòi họ phải hứa với dân về hai điều căn bản:

a-làm các luật thực thi dân chủ, tự do; và
b- hạch sách bọn “đầy tớ” hạn chế quyền của ông chủ

2) Nếu có thể, tạo cớ chính đáng để không đi bầu.

3) Trong danh sách bầu, nếu đảng viên chiếm trên 50% thì gạch bớt để còn dưới 50%. Như vậy đã là quá ưu tiên cho 3,5 triệu đảng viên rồi. Khi gạch bớt đảng viên, trước hết là gạch tên những đảng viên cao cấp nhất trong danh sách vì chính họ tạo ra danh sách bầu.

4) Trong danh sách bầu, nếu không có người ứng cử tự do thì gạch bỏ 50% đảng viên có tên, trước hết là những đảng viên cao cấp nhất.

5) Cho phép 50% đầy tớ kiêm nhiệm “đại diện dân”. Nói khác, số đại biểu chuyên trách phải là 50%. Trong danh sách bầu, gạch bỏ những tên “đầy tớ” trà trộn vào hàng ngũ người đại diện ông chủ; trước hết là những đầy tớ cấp cao (ví dụ, bộ trưởng...) để chúng chỉ còn 50%.

Nhóm SV THT-HTĐX

*
***
*

Hiến pháp và bầu cử


Bùi Tín

Những đạo luật, quyết định vi hiến là vô giá trị

"...đã có quá nhiều điều luật, nghị quyết của chính quyền đi ngược lại lời văn và tinh thần của Hiến Pháp ..."


Mỗi quốc gia trưởng thành đều có Hiến Pháp và các đạo luật.

Hiến pháp chỉ có một, còn luật pháp thì có hàng trăm đạo luật. Ngoài những đạo luật còn những quyết định của nhà nước, nhằm điều hành công việc của quốc gia.

Hiến pháp là bản luật cơ bản, là luật gốc, đề ra những nguyên tắc cơ bản nhất, tên gọi của quốc qia, chế độ chính trị, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều những quyền hạn và trách nhiệm của công dân, hệ thống chính quyền gồm các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp…

Các nguyên tắc pháp lý phổ biến cũng như các giáo trình pháp lý tại các trường đại học ngành luật quốc tế đều ghi rõ mối quan hệ giữa Hiến pháp và luật pháp là: Hiến pháp soi đường, chỉ hướng cho pháp luật; pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, nhưng tuyệt đối pháp luật không được vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp, tuyệt đối không được trái với Hiến pháp, đi ngược lại với Hiến pháp. Mọi luật pháp hay quyết định nào trái với lời văn và tinh thần của Hiến pháp đều bị coi là vi hiến, vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật cơ bản của quốc gia, đều phải bị coi là phạm pháp nghiêm trọng, do đó không có giá trị, phải bị loại bỏ và kẻ đề ra phải bị xử trí nghiêm minh.

Một số giáo trình luật các nước dân chủ, như ở Pháp, Đức, Canada, để cho sinh viên dễ hiểu, gọi Hiến pháp là Luật Mẹ, pháp luật là luật Con. Do Luật Mẹ sinh ra và không được trái khoáy, ngược lại, hỗn hào với Luật Mẹ.

Trong trường hợp ấy, mọi công dân có quyền nêu lên công luận, tự mình coi là không bị ràng buộc chấp hành vì lẽ vi hiến và đòi hủy bỏ.

Ở nhiều nước, như ở Pháp - còn lập ra Viện Bảo Hiến gồm những nhân vật chính trị và luật gia có uy tín và trình độ cao nhất nước để bảo vệ Hiến pháp thật chặt chẽ, xem xét và kết luận kịp thời mọi vấn đề xuất hiện khi có dấu hiệu vi hiến, tuyên bố hủy bỏ mọi điều luật, quyết định, văn bản của mọi ngành, mọi cấp, mọi quan chức khi những văn kiện ấy trái với lời văn hoặc tinh thần của Hiến pháp.

Ở nước ta đang có không khí khá sôi nổi bàn về cuộc bầu cử quốc hội ngày 20/5/2007 sắp tới. Cái mới của năm nay là nhiều người gồm các nhà trí thức, luật gia, đảng viên cộng sản, cán bộ lão thành, tuổi trẻ, thành viên mặt trận Tổ quốc, đại biểu quốc hội đương nhiệm, nhà báo, nhà văn, trong nước, ngoài nước, trên báo, trên mạng, trong nhiều cuộc họp, ngay trong các buổi hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc… không ngừng lên tiếng với nhiều ý kiến ngay thẳng, phong phú.

Đây là dấu hiệu lành mạnh so với sự im lặng, sợ sệt, nhẫn nhục hay tiêu cực trước kia, biết là sai mà không dám nói, biết là trái với Hiến pháp, với luật pháp, với đạo lý mà cứ ngậm miệng. Trong thời mở cửa, khi nước ta đã vào WTO, làm quen dần với nếp công khai, minh bạch, đúng theo luật, trong trí thức, cán bộ nghiên cứu, nhà báo, luật gia…đã và đang nổi lên nhiều ý kiến mạnh dạn, có tầm sâu, có lập luận, sát với thời đại. Đối với cuộc bầu cử Quốc hội 20 tháng 5 sắp tới, họ đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề thiết thực và lý thú trứơc chính quyền và công luận, như:

- Số đại biểu quốc hội, cơ cấu và phân chia số lượng; số đảng viên chiếm 90% (450 trên 500) có thỏa đáng không? Hạ xuống là 80 % 400/500) đã thỏa đáng chưa? Có người yêu cầu hạ xuống là 2/3 (333/500); cũng có ý kiến đặt vấn đề số đảng viên là trên 2 triệu, tổng số cử tri là 50 triệu, chỉ bằng 4% cử tri mà chiếm tới 66% ghế thì có hợp lý không. Lại có ý kiến số đảng viên chỉ nên chiếm một nửa số đại biểu, hay 51% (255/500) là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Ý kiến này cho rằng trong số hơn 45 triệu cử tri ngoài đảng vẫn có thừa nhân tài đủ tiêu chuẩn để tham gia cùng 255 đại biểu là đảng viên. Vậy ai sẽ đứng ra giải quyết những con số và tỷ lệ như thế?


- Có người nêu vấn đề bao quát hơn là: đã đến lúc cần xác định quốc hội của ta là quốc hội của đảng hay là quốc hội của dân, nhằm phục vụ đảng hay phục vụ dân? Từ trước đến nay quốc hội là do đảng, của đảng, vì đảng; nay muốn quốc hội là của dân thì phải thay đổi hẳn cung cách bầu cử, để đông đảo cử tri thật sự tự do ứng cử, tự do tranh cử, có chương trình hành động rõ ràng và để cử tri thật sự tự do lựa chọn bằng lá phiếu tự do của mình. Chính nhà toán học Phan Đình Diệu nhận định công khai rằng "trên thực tế quyền ứng cử của công dân đã bị đảng thủ tiêu".- Có người hoài nghi vai trò của Mặt trận Tổ quốc vì là do đảng dựng lên, không đủ tư cách và trình độ để tuyển lựa nhân tài, tổ chức của mặt trận đầu to (ở trung ương), giữa bé, đuôi quắt lại (không có chân rết ở thôn xã) làm sao bao trùm tình thế quốc gia để đảm nhiệm công việc trọng đại như thế. Xưa nay, mặt trận đã giới thiệu được người nào ? hay vẫn là đảng chỉ tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội dơ tay, và dân trắng tay?


- Lại còn vấn đề cơ cấu, sao trong quốc hội có trách nhiệm lập pháp là chính lại đưa vào gần như toàn bộ chính phủ, từ thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng, cả đến tổng thanh tra chính phủ, chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát tối cao đều là "ông bà nghị’’ tuốt mo, vừa đá bóng vừa thổi còi, tự mình kiểm tra mình, xét xử mình, bênh vực mình để… hòa cả làng, chỉ có dân là thiệt đủ mọi đường.

- Cũng có nhà báo yêu cầu chấm dứt kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", tự nhiên có người không biết mô tê ra sao được đảng chọn "cho làm" cũng là "bắt làm" ông bà nghị, do đó không hề có ý muốn, không hề tự làm đơn ra ứng cử, để rồi làm nghị gật theo đúng nghĩa, và suốt nhiệm kỳ không phái biểu một câu nào, một ý nào, cũng không gặp riêng một cử tri nào để thu nhận nguyện vọng hay tìm hiểu tâm tư của cử tri. Mà có hàng mấy trăm ông bà nghị vô duyên như thế đó. Ông Mười Hương đảng viên cộng sản lão thành, hơn 60 tuổi đảng, than rằng "như thế này vẫn chỉ tạo nên những nghị gật"!

- Một số ý kiến nêu lên tình hình gay cấn hiện nay là kỳ bầu cử này diễn ra trong bối cảnh mới - nhận thức xã hội đã khác trước khá nhiều theo hướng dân chủ hóa, sức ép quốc tế cũng mạnh hơn trước theo hướng tự do hóa và yêu cầu phải thuận theo luât quốc tế, nên không thể làm như cũ được nữa. Nhưng nếu phải làm khác trước thì phải làm ra sao? Ai đứng ra gỉải quyết. Đảng vẫn bao biện làm thay dân ư? Quốc hội khóa 11 có còn họp một phiên cuối nữa không? Và chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày bầu cử rồi. Làm như cũ thì vẫn chỉ là quốc hội của đảng, do đảng, vì đảng, dân không còn chịu nổi, thế giới cũng không còn ngửi nổi, mà chuyển hẳn sang cách làm mới thì 2 tháng không thể chuyển nổi. Cứ làm ẩu cho xong thì đất nước lại sa lầy trong 5 năm nữa hay sao? Hay là đành phải hoãn 6 tháng hay 1 năm? Đâu là thượng sách đây?


Thế nhưng có một vấn đề cấp bách nhất liên quan đến Hiến pháp và bầu cử. Đó là cần hủy bỏ không chậm trễ những quyết định vi hiến.

Hiến pháp qui định mọi công dân có quyền tự do lập hội (lập đảng phái), tự do báo chí, thì luật và các quyết định của nhà nước chỉ được phép cụ thể hóa việc thực hiện các quyền ấy cho mọi công dân, chứ không được phép ngáng trở công dân thực hiện đầy đủ các quyền ấy.

Do đó việc thành lập các tổ chức, đảng, đoàn, liên minh, hiệp hội đều là hợp Hiến và phải được coi là hợp pháp như Đảng Nhân dân Hành động, Đảng Thăng tiến, Đảng Dân chủ Việt nam, Đảng Vì dân, Tập họp Thanh niên Dân chủ, Liên minh Dân chủ và Nhân quyền, Hội dân oan, Hội người yêu nước, Hiệp hội tù nhân chính trị, Công đoàn Việt nam Độc lập...cũng như các đảng từng chống thực dân Pháp như Quốc dân đảng do nhà ái quốc Nguyễn Thái Học thành lập, đảng Đại Việt, Đảng Duy Dân nay có yêu cầu hoạt động lại trong nước trên tinh thần dân tộc và yêu nước, bất bạo động, cùng ganh đua bình đẳng với đảng Cộng sản, cùng nhau phục vụ lợi ích của dân tộc và nhân dân.

Đảng Cộng Sản không hề được nhân dân bầu ra, tự vỗ ngực là có quyền môt mình cai trị mãi mãi đất nước, tự đặt ra Điều 4 trong Hiến Pháp không qua trưng cầu ý dân, là sự tham nhũng quyền lực trâng tráo, vi hiến, phạm pháp và trái đạo lý, một sự lộng hành quyền lực cần chấm dứt. Đây là hiện tượng bôi nhọ hình ảnh quốc gia, làm nhục nhân dân Việt Nam, làm cho Liên Hợp Quốc năm nào cũng xếp nước ta vào loại tận cùng của 192 nước về quyền dân chủ (VN không ở trong 97 nước dân chủ, cũng không ở trong 53 nước có ít nhiều tự do - partly free, mà ở trong hạng cuối của 42 nước độc đoán).

Vừa qua đã có quá nhiều điều luật, nghị quyết của chính quyền đi ngược lại lời văn và tinh thần của Hiến pháp đã khẳng định quyền lập hội và quyền tự do báo chí, do đó người dân có quyền coi đó là những văn kiện vi hiến, không hợp pháp, không có giá trị cưỡng chấp đối với xã hội.

Chính vì lẽ trên những người đứng ra thành lập và tham gia các tổ chức trên, cũng như những người tổ chức trên mạng, in ấn, phát hành và truyền nhau các tờ báo Tự do Ngôn luận, Tiếng nói Dân chủ, Tổ Quốc … cũng tự coi là việc làm hợp Hiến phải được chính quyền bảo vệ.

Ngay như quyết định và lời nói của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời trực tuyến không cho phép tư nhân ra báo và làm xuật bản cũng là quyết định vi Hiến, trái ngược với Hiến pháp, hỗn hào với Luật Mẹ, không xứng đáng với cương vị thủ tướng, người lẽ ra phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện Hiến pháp.


Hơn lúc nào hết, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và luật pháp, thượng tôn các Tuyên Ngôn Quốc tế và Công ước Quốc tế về Nhân quyền phải được toàn dân và trước hết là giới cầm quyền biểu hiện rõ ràng và triệt để mọi nơi mọi lúc. Mọi quyết định và hành động vi phạm quyền công dân phải được chấm dứt. Quốc Hội khóa 12 - ngay từ khi được thai nghén - phải biểu thị rõ rệt yêu cầu cháy bỏng ấy của đông đảo công dân nước ta, cũng là yêu cầu mạnh mẽ của bè bạn khắp nơi trên thế giới, - mà hầu hết là những nước theo chế độ dân chủ đa đảng, của các nước đầu tư và viện trợ lớn nhất, cũng đều là những nước dân chủ đa đảng .

Paris 8/3/2007.

No comments: