Wednesday, July 4, 2007

Ðại Hội Nhà Báo nhà nước : Tôi cũng là hội viên hội nhà báo nhưng tôi không quan tâm mấy

Ðại Hội Nhà Báo nhà nước :
Tôi cũng là hội viên hội nhà báo nhưng tôi không quan tâm mấy
RFA phỏng vấn cựu Tổng Biên Tập Phạm Quế Dương

2005.08.12 - 2100
Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Ô Phạm Quế Dương


Giới Thiệu: Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội. Chủ tịch nhà báo Hồng Vinh đã đưa ra 4 tiêu chí là đoàn kết, dân chủ, đổi mới và trí tuệ. Phát biểu của ông Hồng Vinh được dư luận đánh giá ra sao?

Trong cuộc trao đổi giữa Việt Hùng với đại tá Phạm Quế Dương, sử gia quân đội và từng là tổng biên tập nhiều tờ báo tại Việt Nam, ông đã có nhận xét như sau:


Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi xử dụng.

Ô Phạm Quế Dương: Thật ra mà nói thì tôi là cán bộ chỉ huy, dầu sao chăng nữa tôi cũng được học ở báo chí và đồng thời có văn hóa, do đó khi tình hình hết chiến tranh thì tôi về làm báo, tôi làm tổng biên tập mấy tờ báo cơ. Nhưng đối với đại hội nhà báo là tôi không quan tâm lắm.Ví dụ như thế này,nhà báo, ngòi bút của nó rất là quan trọng, nhưng ngòi bút lại luôn luôn bị kiểm tra, bị kiểm soát, thậm chí nó bị bẽ cong đi.

Việt Hùng: Trước khi bước vào đại hội, chủ tịch nhà báo ông Hồng Vinh có nói rằng đại hội này là đại hội của đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ. Thì liệu rằng nó có thật sự đúng theo tin thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ không?

Ô Phạm Quế Dương: Tôi không tin, vì bản thân ông ấy là phó ban văn hóa kiêm chủ tịch hội nhà báo. Dưới một cơ chế như vậy, tất cả các báo chí xuất bản ở trong nước đều bị ban Tư tưởng văn hóa trung ương khống chế hết. Do đó các nhà báo không có được tự do đâu. Bản thân tôi đây khi đại tướng Hoàng Văn Thái mất tôi viết một bài khóc ông ấy. Thương tiếc một người anh đã trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội. Báo đã in lên rồi mà tôi còn bị ở trên ra lệnh bắt bóc, không cho đăng bài đó.

Việt Hùng: Đó là những kinh nghiệm trong thời gian từng làm tổng biên tập của nhiều tờ báo là của thế kỷ 20. Thế nhưng bây giờ bước sang thế kỷ 21 và trong chiều hướng mới của Việt Nam trên con đường hội nhập, tinh thần của người làm báo cũng như lương tâm của người cầm bút với cái nhìn của ông thì nó có gì thay đổi so với thời gian ông còn làm tổng biên tập hay không ạ?

Ô Phạm Quế Dương: Thực ra mà nói bảo là nó không có thay đổi thì cũng không phải. Trong tình hình mới có thay đổi nhưng cơ chế của đất nước mình là cơ chế do đảng lãnh đạo mà đảng lại là độc quyền, đảng là thống trị, đảng là ngồi lên trên đầu tất cả. Ví thế ở trên thế giới người ta cho báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư, thậm chí tổng thống, thậm chí những người đứng đầu của nhà nước có chuyện gì báo chí nó phanh phui ra một cái, như vụ Watergate chẳng hạn các vị là có chuyện ngay. Nhưng báo chí ở Việt Nam mình như các ông ấy càng to thì càng tham nhũng, chống tham nhũng thì chống làm sao. Báo chí nào mà viết đụng đến là Ban tư tưởng văn hóa người ta đã có ý kiến rồi.

Việt Hùng: So với thời gian trước đây, trong những năm vừa qua những người làm báo ở Việt Nam họ bắt đầu chú ý đến lương tâm của người cầm bút. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng trong bối cảnh mới những người làm báo ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước những khó khăn. Tức là những cái họ muốn viết là những vấn đề xã hội quan tâm, nhưng mà họ không được thực hiện nghĩa vụ của người làm báo mà họ lại phải làm những gì mà ban tư tưởng văn hóa trung ương muốn.

Ô Phạm Quế Dương: Thực ra rất nhiều nhà báo có lương tâm và dám nói dám viết. Ví dụ như trường hợp của Trần Đình Bá chẳng hạn. Trần Đình Bá đánh vụ ông Tô Duy. Gần đây có bài của ông đấu tranh vấn đề liên quan đến những ông Nguyễn Khoa Điềm, đến ban tư tưởng văn hóa đấy. Những nhà báo như Trần Đình Bá rất là đáng quý, nhưng cũng có một số nhà báo nữa cũng rất là tốt. Nhưng tỷ lệ đó trong nước mình rất thấp, bởi vì nó bị khống chế ở trong cơ chế

Việt Hùng: Ông nói là tỷ lệ đó thấp. Tức là vì họ chưa có cơ hội nhưng họ vẫn có lương tâm của người làm báo chứ đâu phải là, trong bối cảnh chịu sự kiểm soát như vậy thì họ phải lèo lái để làm sao đưa vấn đề đó ra để cho dư luận của xã hội áp lực thì mới có thể trở thành vấn đề cho xã hội quan tâm.

Ô Phạm Quế Dương: Đúng như thế, do đó họ chưa dám viết một cách thành thật, chưa dám viết thật. Vấn đề cũng khó viết thật, sự kiện cũng khó viết thật là bởi vì nếu như càng đụng đến các ông to thì càng khó. Cho nên với đại hội nhà báo này thật sự tôi có nói là tôi vốn gốc cũng là hội viên hội nhà báo nhưng tôi cũng chẳng quan tâm đâu.

Việt Hùng: Từ trước đến nay trong đại hội của các hội thì chỉ có hội nhà văn là thường hay có vấn đề, nhưng trong vòng một hai năm đổ lại đây thì không phải vấn đề chỉ nằm trong đại hội của hội nhà văn mà bây giời đại hội hội nhà báo cũng là một điểm nóng để gây sự chú ý cho dư luận. Với các sự kiện như chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương tuyên bố trước khi đại hội khai mạc là kêu gọi mỗi nhà báo hãy là ngọn lửa của tâm, rồi ông phó ban tư tưởng là ông Đào Duy Quát thì nói rằng ở ta thì đảng trực tiếp lãnh đạo báo chí nên đảng ủy quyền cho ban tư tưởng văn hóa trung ương định hướng chính trị, tư tưởng cho báo chí.
Trong bối cảnh như vậy thì những người làm báo ở Việt Nam bước vào đại hội lần thứ 8 của hội nhà báo lần này, họ phải đứng trước những thử thách gì?

Ô Phạm Quế Dương: Như vậy là nhà báo của Việt Nam vốn đã từng đứng trước những sự thử thách nhiều rồi chứ không phải là bây giờ. Nhưng bây giờ tình hình xã hội phát triển rồi, các vấn đề mâu thuẩn của xã hội càng ngày càng được bộc lộ ra. Người dân này người ta nói về bộ máy lãnh đạo của đảng và nhà nước càng ngày người ta càng nói một cách rõ ràng và quyết liệt hơn. Nhưng giới báo chí, với cây bút của họ là người ta cũng không có quyền, không được phép làm như vậy. Tất cả báo chí là báo chí của đảng cơ mà. Báo chí là tiếng nói của đảng thôi mà....

Việt Hùng: Trước khi đại hội nhà báo lần thứ 8 diễn ra thì dư luận có được biết tới một cái thư của nhà báo Trần Đình Bá gởi đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 8. Trong đó ông có đề cập đến một vài vấn đề liên hệ đến ông chủ tịch nhà báo Hồng Vinh, rồi đến những nhân vật tạm gọi là tay to mặt lớn, chẳng hạn như là thứ trưởng bộ văn hóa, một thời đã từng là tổng biên tập tờ Quân Đội Nhân Dân... những chuyện như vậy, ông ghi nhận phản ứng của anh em trong làng báo Việt Nam?

Ô Phạm Quế Dương: Chúng tôi đánh giá rất cao Trần Đình Bá, Trần Đình Bá là một nhà báo có trình độ, có lương tâm và dám nói và dám chịu trách nhiệm trước dư luận. Cho nên bức thư gởi đại hội nhà báo đó tôi có đọc và nhiều người cũng đọc, dân nhà báo cũng đọc...

Việt Hùng: Với tư cách là người từng làm báo, từng làm tổng biên tập của nhiều tờ báo. Trong bối cảnh mới trước sự hội nhập vào trong trào lưu chung của thế giới bước sang thế kỷ 21, ông có chia sẻ điều gì với những thế hệ cầm bút hiện nay.

Ô Phạm Quế Dương: Tôi rất thông cảm với các nhà báo. Tôi biết có rất nhiều nhà báo người ta cũng mang những cái rất gần với xã hội, người ta rất biết những vấn đề của xã hội. Cho nên tôi rất quý và tôi rất thông cảm với các nhà báo đó. Nhưng thực sự ra, tình hình thực tế ở trong đất nước mình, ở trong một cái cơ chế mà tôi nói đi nói lại, đó là cơ chế của đảng lãnh đạo, thống trị và độc quyền như thế này. Do đó cho nên cơ quan ngôn luận báo chí nó không được tự do. Mà đã không được tự do thì không được viết theo đúng lương tâm của mình mặc dầu anh có lương tâm.

Việt Hùng: Trước khi chấm dứt câu chuyện thì ông tuyên đoán rằng đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 8 lần này liệu có phát huy đúng tinh thần "do dân, vì dân, và của dân" không ạ?

Ô Phạm Quế Dương: Ở trong nước có một từ rất là vui là Nguyễn Như Vân tức là Vẫn Như Nguyên... văn bản đại hội thì có thể là tôi đọc, nhưng nó vẫn là Nguyễn Như Vân.

***

Gần 400 đại biểu của giới làm báo đã qui tụ tại Hà Nội để tham gia đại hội nhà báo Việt Nam, ban tổ chức cho biết đây là cơ hội tiến tới đổi mới hoạt động trong hàng ngũ những người làm báo góp phần xây dựng đất nước và phát triển xã hội.

Để ghi nhận ý kiến của bạn đọc trong và ngoài nước đối với vai trò của báo chí, chúng tôi mời quý vị nghe một số phát biểu như sau:

Trước hết, chị Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn là nhân vật bất đồng chính kiến đang ngồi tù vì ông đã gởi bài viết vận động cho dân chủ trên internet.

Trong câu chuyện giữa đài chúng tôi, chị nói là chị không mấy tin tưởng vào những điều mà báo chí trong nước loan tãi đối với trường hợp cũa bác sĩ Sơn, vì chị hàng ngày đều theo dõi tin tức trên các báo:



Chị Vũ Thúy Hà: Về trường hợp của bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi được đăng lên các báo ở trong nước thì tôi cũng rất lấy làm buồn là những thông tin đăng trên các báo đấy, rất là nhiều, phần lớn là những thông tin đấy không được chính xác, không được trung thực đúng như thông tin chính thức của nó. Cũng đã không ít lần tôi và gia đình đã phải lên tiếng đề nghị cải chính những thông tin sai lệch và những thông tin không trung thực đã được nêu trong các báo. Đấy là chuyện đáng buồn với gia đình chúng tôi mà hôm nay tôi cũng phải thành thật mà nói như vậy.

Nói lên những suy nghĩ của mình đối với sinh hoạt cuả làng báo hiện giờ trong nước, chị Vũ Thúy Hà cho biết tiếp:



Chị Vũ Thúy Hà: Thành thật mà nói thì tôi cũng nhận thấy là ít nhiều cũng có sự cởi mở, những bước phát triển của những người làm báo so với những năm trước đây. Tôi thì với tư cách là một người phụ nữ rất là đơn thuần thôi, tôi dành nhiều thời gian cho công việc gia đình con cái, nhưng mà tôi cũng thường xuyên đọc báo thì với nhãn quan của một người phụ nữ đơn thuần như vậy thì tôi cũng có nhận thấy là qua báo chí hiện nay chúng tôi được biết rất nhiều những thông tin mà trước đây qua báo chí chúng tôi không được biết. Thì tôi cũng nghĩ rằng ít nhiều nó cũng có sự cởi mở, một sự phát triển. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu như được phát triển tốt hơn, nhiều hơn nữa thì nó cũng sẽ có nhiều những cải thiện tốt hơn cho cuộc sống nhân sinh ở trong nước và những người dân như chúng tôi.



Khi được hỏi về các sinh hoạt của các mạng lưới thông tin toàn cầu internet trong nước hiện giờ thì chị Vũ Thúy Hà nhấn mạnh như sau:

Chị Vũ Thúy Hà: Tôi cũng chỉ có thể nói với nhãn quan của cá nhân tôi hoặc là của một số người rất là gần tôi thôi. Còn về tình hình chung của những người khác ở trong nước thì tôi cũng không thể có điều kiện để nói một cách chính xác. Theo tôi thì trước sự bùng nổ của internet thì những người dân như chúng tôi có điều kiện để truy cập vào một cái kho thông tin đa dạng, mà đấy là kho tàng của cả nhân loại. Đấy là bước tiến rất lớn của thông tin, và tôi cũng rất mong muốn việc phát triển internet ngày càng được cải thiện hơn nữa để cho chúng tôi có được những phương tiện để thỏa mãn được những nhu cầu phát triển của cuộc sống.

Chúng tôi có hỏi ý kiến của một số bạn đọc trong và ngoài nước về sinh hoạt báo chí ở Việt Nam, bà Ngọc Thanh, một người Việt định cư tại Hoa Kỳ về thăm gia đình và mới trở lại Mỹ nói rất thích xem báo hàng ngày, nhưng bà biết chắc rằng có rất nhiều chuyện báo chí không nói tới:


Bà Ngọc Thanh: Tôi mới ở Việt Nam về đây, mỗi ngày thì theo tôi biết thì một số cán bộ bắt buộc phải đọc báo, còn như người dân, những gia đình khác thì tôi không biết, còn gia đình tôi thì sáng nào tôi cũng đón mua báo để mà đọc để biết tin tức những gì mới lạ của nhà nước. Nhiều tin thì cũng có đăng trên báo chí, còn những tin mà nhiều khi người ta nói ra mà không có đăng trên báo chí thì những tin đó mình cũng không biết được. Còn chẳng hạn như tham nhũng hay là này kia thì có. Chẳng hạn như mấy cô ca sĩ như Yến Vy thì cũng có đăng trên báo chí bên đó, đủ hết những tin tức để mình biết. Phát thanh thi tôi không nghe phát thanh. Tôi chỉ nghe tin tức cuả đài truyền hình thôi.Truyền hình thì cũng cho biết tin tức đại khái vậy thôi chứ sâu rộng hơn thì cũng thấy ít nói. Cái gì cũng nới rộng được một chút nhưng mà không biết là có đúng vậy không. Mình về mình cũng phải kỹ lưỡng một chút. Thấy nhà nước cũng không có nói Việt kiều về mà làm ăn thì nghe nói được. nhưng sau đó tôi cũng nghe một số những người Việt Kiều về làm ăn thì cũng bị rắc rối một tí. Mình cũng không biết vấn đề nội bộ của những người đó ra làm sao. Bênn nhà nNói là không có đóng thuế này kia rồi tịch thu tài sản của người ta. Mấy cái đó thì thấy cũng có đó. Nhưng không biết tại sao.

Trong khi đó, bà Hồng Anh cũng vừa trở về Mỹ sau chuyến thăm gia đình thì nói rằng, theo bà các cơ quan truyền thông đều do nhà nước quản lý và kiểm soát chặt chẽ:

Bà Hồng Anh: Tôi đã về Việt Nam và tôi đã sống ở Việt Nam rất là nhiều năm. Tôi thấy rằng tất cả các báo chí, cơ quan ngôn luận ở trong nước là đều dưới quyền kiểm soát của ĐCSVN và những người cầm bút họ không có được quyền tự do ngôn luận, tức là họ không thể nói những gì họ nghĩ hay là viết những gì mà họ nhìn thấy được về thực trạng xã hội. Tình trạng kiểm soát báo chí trong nước rất là gắt gao. Cho dù là đảng Cộng sản có nói rằng có cởi mở hay là mở rộng thì đó cũng là vấn đề mà họ tuyên truyền mà thôi. Ngoài ra thì tất cả những gì mà người ta muốn nói về sự thật thì đã bị bưng bít che đậy hết. Cái đó là chính sách của đảng Cộng sản đưa ra, nó chỉ một phần nào xoa diu làn sóng tự do dân chủ đang dâng cao ở trong nước mà thôi. Thưa ông.

***

"Phải hình thành những tập đoàn báo chí tự sống, tự phát triển..."
12/08/2005 07:19

Hội nhà báo sẽ làm gì? "Quản lý" nhà báo thế nào? Bảo vệ họ ra sao? Và cuối cùng, những người nhận tiền hội phí sẽ phải nói gì trước các nhà báo, trước bạn đọc, trước xã hội?

Tiến sĩ Đào Duy Quát, TBT Website Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Ban tư tưởng văn hóa trung ương: "Phải hình thành những tập đoàn báo chí tự sống, tự phát triển chứ không chờ bao cấp".

- Theo ông, ĐH nhà báo lần này sẽ có gì khác những lần trước?

- Chắc chắn sẽ có bước tiến mới. Phương châm, tư tưởng chỉ đạo là đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, bám chắc tôn chỉ của hội. Hội là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, phải sáng tạo trên cả ba phương diện. Và phải rất dân chủ, đoàn kết mới có thể sáng tạo được. Dựa trên trí tuệ của các chi hội nhà báo gửi về ĐH (dưới dạng tham luận), chắc chắn Ban chấp hành mới sẽ tìm ra những khâu để đột phá, để sáng tạo, thực hiện thật tốt chức năng.

- Về góc độ nghề nghiệp của Hội, đâu là điểm chúng ta phải có đột phá để tạo nên sự sáng tạo?

- Chưa bao giờ các loại hình báo chí phát triển mạnh như hiện nay, trong từng loại hình đều có những bước phát triển rất mạnh, từ báo viết, báo truyền hình (với truyền hình cáp, kỹ thuật số), đài phát thanh cũng có hình thức mới, phóng viên là bình luận viên, đối thoại trực tiếp với bạn đọc, phản ánh hiện thực, định hướng bạn đọc.

Báo điện tử là sự bùng nổ mới mà chúng ta chưa thể hình dung hết được, đóng góp rất tích cực, mỗi báo một vẻ.

Sau ĐH 8 lần này, Hội phải thay đổi để có cách bao quát mới theo kịp sự phát triển của báo chí trên cả 4 loại hình. Trước đây nghĩ đến báo chí, ta chỉ nghĩ đến báo viết, như thế chưa đủ. Phải bảo đảm cả ba chức năng, về chính trị, xã hội, nghề nghiệp.

- Không thể bắt những tờ báo chính thống như Nhân dân, website Đảng Cộng sản, Quân đội Nhân dân... phải làm kinh tế. Nhưng Trung Quốc đã đóng cửa một số tờ báo của đoàn thể, bộ ngành không hiệu quả. Nhà nước không thể bao cấp mãi, truyền thông phải là kinh tế chứ không thể chỉ làm nhiệm vụ chính trị. Truyền thông làm kinh tế - ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi đã định đóng góp với Hội, với tư cách là một cán bộ của Ban tư tưởng văn hóa trung ương khi triển khai Nghị quyết trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Gần đây là Nghị quyết trung ương 9 đưa ra luận điểm về ba trụ cột của sự phát triển đất nước nhạnh, mạnh và bền vững: gắn chặt kinh tế với xây dựng Đảng và văn hóa. Văn hóa phải gắn chặt với kinh tế. Có một vấn đề mới đặt ra là kinh tế báo chí.

Báo chí không thể bao cấp mãi mà phải tự nuôi và phát triển lành mạnh. Báo chí không thể đi ép quảng cáo, tống tiền, đánh hội đồng. Gắn kinh tế với báo chí để báo chí phát triển thực sự là một vấn đề lớn. Đừng nhầm lẫn "thương mại hóa" theo kiểu giật gân, câu khách rẻ tiền. Còn tất nhiên, đã làm báo thì phải để bán chứ không để bao cấp. Chúng tôi sẽ có hội thảo về kinh tế báo chí. Phải hình thành những tập đoàn báo chí tự sống, tự phát triển chứ không chờ bao cấp.

- Từ trước đến nay, người ta hay lẫn lộn giữa chức năng quản lý của Bộ Văn hóa thông tin và Hội nhà báo. Ông có thể nói lại về sự khác nhau cơ bản giữa hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý báo chí?

- Đạo đức là trụ cột của sự phát triển đất nước, vì thế từ Đảng đến Nhà nước, đến Hội đều phải lo giáo dục và rèn luyện đạo đức. Ở ta thì Đảng trực tiếp lãnh đạo báo chí, nên Đảng ủy quyền cho Ban tư tưởng văn hóa trung ương định hướng chính trị tư tưởng cho báo chí. Nhà nước là cơ quan quản lý pháp luật cho báo chí, theo đúng luật.

Còn Hội là tổ chức tập hợp các hội viên, giáo dục và hướng dẫn hội viên, đoàn kết hội viên để thực hiện chức năng của hội. Chức năng giáo dục, trong đó có chức năng giáo dục đạo đức, của Hội là rất quan trọng. Giáo dục ở đây có thể từ tấm gương của một người lãnh đạo báo, từ việc chỉ đạo cho một tin bài, mà giáo dục sẽ nâng lương tâm con người. Không quy định nào bằng được lương tâm. Vì thế, chức năng của hội sẽ là quan trọng nhất.

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT Tuổi trẻ TP.HCM: "Tôi chờ đợi tham luận của những người sống nhờ vào hội phí của hội viên"

Tôi chờ đợi những tham luận về Hội của những người tự nguyện, sống nhờ vào hội phí của hội viên. Tất nhiên, Hội của những người tự nguyện sẽ có lợi ích và số phận của những người làm báo tự nguyện tham gia và chi trả cho sự sống của Hội.

Hướng đến một Hội có tương lai như vậy thi mới mong có được một tổ chức biết bảo vệ trên thực tế quyền được thông tin, trách nhiệm phải trả lời của các cơ quan hay cá nhân có trách nhiệm phát ngôn, điều kiện và môi trường rộng mở cho hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

Nhà báo Đoàn Công Huynh, Quyền TBT Báo Sinh viên Việt Nam: "... Phải là nơi truyền đi cảm hứng cho công cuộc đổi mới của đất nước"

- Là một hội viên của Hội nhà báo, ông mong chờ gì ở Hội của mình?

- Nếu thực hiện cho đúng và thực hiện cho hết Điều lệ Hội thì Hội Nhà báo Việt Nam luôn là niềm hy vọng to lớn của các nhà quản lý đất nước, là niềm mong đợi của dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam. Giai đoạn lịch sử trước mắt lại càng như thế. Vì sao? Đất nước này phải phát triển. Đó không chỉ là đạo lý, là trách nhiệm lãnh đạo. Phát triển còn có nghĩa là tồn tại.

Hội nghị lần thứ 12 Trung ương Đảng đã chỉ rõ, đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, sớm đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển chính là tư tưởng chỉ đạo của trước mắt và nhiều năm tới. Mà Đổi mới vốn là một sự nghiệp khó khăn, một công việc “dò đá qua sông”, dò đá trên cạn đã khổ, dò đá dưới sông càng thiên nan vạn nan. Trong công cuộc khó khăn đó, đòi hỏi phải có những con người lớn lao, phải có dũng khí lớn lao trong suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, đột phá, và phải có những con người dám dũng cảm thực hiện.

Vậy thì, hội Nhà báo Việt Nam, trong yếu tố Hội nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam phải là nơi phát nguồn động viên to lớn qua hệ thống truyền thông xã hội, truyền đi một cảm hứng to lớn cho công cuộc đổi mới xã hội. Có như thế mới hoàn thành nhiệm vụ “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” như kỳ vọng của đất nước này, trong đó có tôi.

- Ông hy vọng gì ở Đại hội lần này?

- Mọi sự khởi đầu bao giờ cũng khấp khởi hy vọng. Phím F5 vì thế mà được tin yêu trên bàn phím. Hội Nhà báo, hội của những người có thể tác động và tạo nên niềm hưng phấn xã hội lớn lao, tràn trề cảm hứng tích cực trong đổi mới xây dựng đất nước. Đại hội nào tôi cũng chỉ mong mỏi một điều như vậy.

- Trong hình dung của ông thì sự khác nhau rõ nhất về chức năng cơ bản giữa Hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý là gì ?

- Trong trường hợp Hội Nhà báo Việt Nam, nói cho chính xác, đó là tổ chức chính trị - xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Nói như vậy, Hội nghề nhiệp chỉ là một yếu tố. Nhiệm vụ của Hội có ghi rõ: (Hội) góp phần tham gia việc chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí. Tư vấn và phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc quản lý hoạt động báo chí theo hướng đổi mới thông tin và không ngừng nâng cao chất lượng báo chí.

Như vậy là Hội Nhà báo có bao hàm chức năng quản lý, nhưng “nhẹ” hơn cùng chức năng này ở Ban và Bộ. Trong Chỉ thị 37 của Ban Bí thư mới đây có nêu rõ Hội cần “chủ động tham gia công tác chỉ đạo, quản lý báo chí”.

Hy vọng Hội phải tự nhắc nhở mình nhiều hơn để không quên mối quan hệ trực tiếp với Hội viên, là tế bào, là quan hệ đối ứng tạo nên tổ chức Hội: Hội của những người làm báo chứ không phải Hội của những cơ quan báo!

Theo Vietnam Net

---
http://www.doi-thoai.com/baimoi0805_80.html

No comments: