Bình luận về lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
19.06.2007 18:46
Tổng thống George W.Bush và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết
Hôm nay VietnamNet đăng một bài rất hài hước về những lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Có rất nhiều điều cần bình luận trong bài phát biểu này.
Liên quan đến vấn đề bắt và xét xử một số nhân vật trong nước đang bị Mỹ chỉ trích về vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến.
"Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, ngay trong Đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau".
Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý nước nào cũng có pháp luật. "Những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam. Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được".
"Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để có hòa bình độc lập. Hơn ai hết, chúng ta là người muốn có hòa bình. Có hòa bình mới phát triển được. Và hơn ai hết, chúng ta hiểu giá trị của nhân quyền".
Chủ tịch kể: Năm ngoái tiếp xúc với Tổng thống Bush, tôi cũng nói vấn đề này. Trong những năm chiến tranh, bao nhiêu người Việt Nam đã bị bắt bớ, tra tấn, tù đày. Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập nhưng không hề có vũ khí, vậy mà cũng bị bắt bỏ tù.
Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử. Ông Bush trả lời: Vậy thì, Việt Nam phải giải thích để người ta hiểu".
Chuyện nhận tiền của nước ngoài thì những người lãnh đạo ĐCS VN rành nhất. Tiền viện trợ từ WB, UNDP, rồi các nguồn ODA, FDI,… rất dồi dào. Hơn nữa, trong các điều khoản luật của VN, chẳng có điều nào cấm công dân nhận tiền của kiều bào gửi về cả.
Còn chuyện lập đảng thì rõ ràng trong luật không hề cấm công dân thành lập các đảng phái chính trị. Thậm chí điều 69 Hiến pháp còn ghi rõ công dân có quyền tự do lập hội, và điều 3 Hiến pháp quy định « Nhà nước bảo đảm XH công bằng, dân chủ ». Vậy mà chỉ có đảng cộng sản được hoạt động, còn các đảng khác không đuợc hoạt động là sao ? Cái đó gọi là công bằng ?
Cần nhắc lại là ĐCS VN được thành lập vào ngày 3/2/1930 tại …Hồng Kông, nghĩa là tại hải ngoại, không phải trong nước. Trong suốt chiều dài tồn tại, ĐCS VN nhận tiền từ ĐCS TQ và ĐCS Liên Xô dài dài. Còn chủ nghĩa Mác Lênin thì du nhập từ phương Tây (nước Đức và nước Nga).Vậy mà bây giờ có người còn phân biệt « dân chủ phương Đông » và « dân chủ phương Tây ». Hình như họ quên rằng Nhà nước VN theo hình mẫu của Liên Xô, một quốc gia phương Tây ?!
Trong nước, tòa án Việt Nam xử các luật sư bảo vệ nhân quyền, khép họ vào điều 88 bộ luật hình sự là « tuyên truyền chống phá Nhà nước ». Vậy mà ở đây bác Triết nói khác hẳn. Các luật sư bị bắt vì … lập đảng, vì nhận tiền nước ngoài, vì lên kế hoạch lật đổ chế độ. Cũng may là bác Triết đã kịp cho người dân trong và ngoài nước hiểu rằng tòa án ở VN « xử dzậy mà không phải dzậy ». Có lẽ bác định chơi xỏ mấy ông quan tòa ở VN chăng ?
Câu nói « Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập nhưng không hề có vũ khí, vậy mà cũng bị bắt bỏ tù. » của bác Triết có thể đổi lại cho phù hợp với hoàn cảnh của những người bảo vệ dân chủ và nhân quyền ở VN hiện nay là : « Chúng tôi đấu tranh đòi dân tộc tôi có quyền được nói, có quyền được lựa chọn những người lãnh đạo xứng đáng, có quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật và được bảo vệ bởi pháp luật, vậy mà cũng bị [ĐCS VN] bắt bỏ tù. »
Buồn cười nhất là câu này của bác Triết : « Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. »
Không hiểu là bác « nỡ » thì sao mà « không nỡ » thì sao nhỉ ? Có điều luật nào chế tài không ? Vậy là nhân quyền ở VN chỉ tùy thuộc vào « nỡ » hay « không nỡ » từ người lãnh đạo chứ chẳng có luật pháp gì hết.
Bác đòi xử những người vi phạm luật pháp, vậy bác có nhớ ra rằng những người lãnh đạo ĐCS VN đang vi phạm Hiến pháp không nhỉ ? Chỉ lấy một ví dụ đơn giản là Hiến pháp khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thế nhưng bác Nguyễn Tấn Dũng lại kí chỉ thị cấm công dân không được ra báo. Vi phạm rành rành như vậy mà Quốc hội « 350 tỉ đồng » không lên tiếng, công an không điều tra ?
Cần nhấn mạnh rằng « quyền được nói » là quyền căn bản nhất của con người. Đó là quyền giúp phân biệt được một con người và một con thú. Vì con người có suy nghĩ và biết thể hiện suy nghĩ của mình qua lời nói, chữ viết. Chính cụ Hồ cũng đã khẳng định « Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra nói ». Một quyền căn bản và quan trọng như vậy nhưng bị chính quyền VN thủ tiêu, lại còn nói là « Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm » ?! Không hiểu bác Triết có nắm được các khái niệm đơn giản này không ?
Chuyện Năm Cam hay PMU18, cần phải thấy là Đảng ta, nhân dân ta chống tham nhũng mạnh thì những chuyện này mới được phanh phui, lôi ra ánh sáng. Những ai thấy tham nhũng ở trong nước mình còn nhiều thì góp phần đấu tranh, nhưng nên nghĩ như thế này: Dân mình là dân dám vào sinh ra tử, khi Tổ quốc cần thì chết cũng không sợ. Không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới".
Chuyện tham nhũng ở VN thì trở thành « chuyện thường ngày ở huyện » rồi. Mà mọi người ở VN cũng đâu cần « nghĩ » đâu. Chính các tổng bí thư cũng liên tục hô hào « tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm ». Các chỉ số tham nhũng do chính báo chí trong nước đăng đều khẳng định tham nhũng tại Việt Nam thuộc vào loại tồi tệ của thế giới. Có thể xem thêm tại đây :
http://www.thanhtra.gov.vn/PortletBlank.aspx/91AD98AC55464A6BB4A13938AF4523AC/View/Phong-chong-tham-nhung/CHI_SO_NHAN_THUC_THAM_NHUNG_TOAN_CAU_NAM_2006-VIET_NAM_DUNG_THU_111/?print=17709010
http://www.vnn.vn/chinhtri/skbl/2004/12/351556/ (tham nhung)
http://agu.homelinux.net:8080/dspace/handle/123456789/587
Kỳ bầu cử Quốc hội, một nhóm người kêu gọi phải tăng người ngoài Đảng vào Quốc hội, tôi nói Đảng, Nhà nước Việt Nam đâu có cấm, thực hiện đăng ký ứng cử công khai. Bà con cũng thấy rõ, ở Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện cũng chỉ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải là thành viên của một đảng nào khác. Bầu cử Quốc hội của mình dân chủ, tất nhiên phải qua bộ máy sàng lọc từ cơ sở, không thể để người phẩm chất kém ứng cử Quốc hội.
Đúng là VN đăng kí ứng cử công khai, nhưng có cái « bộ máy sàng lọc từ cơ sở ». Mà cái bộ máy này « do Đảng lãnh đạo ». Mà bầu cử các nước khác chẳng có ai bị « lọc từ cơ sở » cả. Chuyện « lọc từ cơ sở » này là việc vi phạm Hiến pháp vì điều 2 Hiến pháp khẳng định « Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước của dân, do dân, vì dân ». Mà đã là « của dân » thì phải do dân trực tiếp lựa chọn chứ không phải do Đảng sàng lọc và lựa chọn.
Bác cho rằng « không thể để người phẩm chất kém ứng cử Quốc hội ». Vậy chất lượng của Quốc hội hiện nay ra sao ? Chính bác Vũ Khoan đã nhận định là « hệ thống luật pháp ở VN chồng chéo và bất nhất ». Thành phần tinh hoa của dân tộc chỉ làm được như vậy thôi ư ?
Ở Mỹ có tới hàng chục đảng, trong đó có cả đảng cộng sản. Dường như bác Triết quên mất là đảng cộng sản Mỹ vừa tới thăm VN. Việc Lưỡng viện Quốc hội có đa số là đảng viên 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa là do người dân Mỹ tin tưởng vào 2 đảng này nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý bác Triết là cần có tối thiểu 2 đảng để người dân có sự lựa chọn. Còn một đảng như ở VN cũng ra vẻ tổ chức bầu cử để làm gì ? Người dân lựa chọn cái gì đây ?
Chính bác Lê Đăng Doanhcũng nhận định rằng : « Nghèo đói [ở VN] không phải chỉ là nghèo về vật chất mà còn là nghèo về quyền lợi chính trị, còn là sự thiệt thòi không có tiếng nói, không được bảo vệ đầy đủ bằng pháp luật. »
Bác Võ Văn Kiệt cũng nói "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ". Điều có nghĩa là người dân VN chưa được tự do ứng cử và tự do bầu cử. Bác Kiệt nghỉ hưu đã lâu mà còn hiểu tình hình VN như vậy. Không hiểu tại sao bác Triết còn đương chức mà dường như không nắm gì hết ?
Ước mơ « đi tắt đón đầu » các dân tộc khác trên thế giới có lẽ sẽ mãi là ước mơ nếu tiếp tục kiểu tư duy lãnh đạo như vậy !
Nguyễn Tiến Trung
http://www.thtndc.org/modules.php?name=News&op=viewst&sid=529
*
***
*
Chủ tịch nước: Miễn thị thực cho kiều bào kể từ 1/9/2007
10:02' 19/06/2007 (GMT+7)
(VietNamNet) - Sau hành trình 22 giờ bay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đã đến sân bay JKF, New York, Mỹ. Không hề nghỉ ngơi, đoàn Chủ tịch nước đã đến gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và đại diện bà con kiều bào Việt Nam tại Mỹ và Canada đang có mặt tại New York.
Tại buổi gặp gỡ phái đoàn Việt Nam tại LHQ và bà con kiều bào, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến bắt tay, thăm hỏi từng bà con Việt kiều. Chủ tịch vui mừng khi thấy chị Hương, một người đã rời Việt Nam 50 năm vẫn còn nói được tiếng Việt "sõi". Chủ tịch cũng bày tỏ sự băn khoăn khi tiếng Việt của bà con đang mai một, nhất là ở giới trẻ. Chủ tịch nhắc nhở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phải lưu ý tổ chức các hoạt động học tiếng Việt cho bà con.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ đại diện bà con Việt kiều tại LHQ. Ảnh: NATChủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã thông tin cho bà con về tình hình trong nước, về các chủ trương đường lối chính sách mới và mong muốn được trực tiếp lắng nghe các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào.
Liên quan đến vấn đề bắt và xét xử một số nhân vật trong nước đang bị Mỹ chỉ trích về vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến.
"Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, ngay trong Đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau".
Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý nước nào cũng có pháp luật. "Những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam. Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được".
"Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để có hòa bình độc lập. Hơn ai hết, chúng ta là người muốn có hòa bình. Có hòa bình mới phát triển được. Và hơn ai hết, chúng ta hiểu giá trị của nhân quyền".
Chủ tịch kể: Năm ngoái tiếp xúc với Tổng thống Bush, tôi cũng nói vấn đề này. Trong những năm chiến tranh, bao nhiêu người Việt Nam đã bị bắt bớ, tra tấn, tù đày. Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập nhưng không hề có vũ khí, vậy mà cũng bị bắt bỏ tù.
Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử. Ông Bush trả lời: Vậy thì, Việt Nam phải giải thích để người ta hiểu".
Thông tin đưa ra bên ngoài đôi lúc còn sai lệch
Chủ tịch thừa nhận: "Đúng là chúng ta giải thích chưa thật đầy đủ. Hiện nay, thông tin từ trong nước đưa ra nước ngoài còn hạn chế, nhiều khi sai lệch chẳng hạn như chỉ nói chuyện tham nhũng, vụ PMU18, Năm Cam,... còn đường lối, chủ trương chính sách thì không đến nơi, khiến kiều bào có cái nhìn chưa đúng về tình hình trong nước.
Chuyện Năm Cam hay PMU18, cần phải thấy là Đảng ta, nhân dân ta chống tham nhũng mạnh thì những chuyện này mới được phanh phui, lôi ra ánh sáng. Những ai thấy tham nhũng ở trong nước mình còn nhiều thì góp phần đấu tranh, nhưng nên nghĩ như thế này: Dân mình là dân dám vào sinh ra tử, khi Tổ quốc cần thì chết cũng không sợ. Không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới".
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cái khó của Việt Nam hiện nay là hạn chế trong kinh nghiệm quản lý. "Trong điều kiện mới, phải tăng cường giáo dục, rèn luyện và quản lý... Nhiều vấn đề phải giải quyết một lúc, không phải chỉ một vấn đề.
Dân chủ nhân quyền cũng vậy. Nước Mỹ mấy chục năm về trước cũng làm sao được như bây giờ. Điều kiện lịch sử, môi trường lúc đó khác. Hôm rồi tôi hỏi, ở Mỹ bang này bang khác vẫn còn áp dụng án tử hình, tại sao tôi không thấy Tổng thống Bush yêu cầu các bang dẹp bỏ án tử hình. Đó là do đặc điểm lịch sử mỗi nơi mỗi khác, không thể áp đặt.
Kỳ bầu cử Quốc hội, một nhóm người kêu gọi phải tăng người ngoài Đảng vào Quốc hội, tôi nói Đảng, Nhà nước Việt Nam đâu có cấm, thực hiện đăng ký ứng cử công khai. Bà con cũng thấy rõ, ở Mỹ, cả Thượng viện và Hạ viện cũng chỉ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, không phải là thành viên của một đảng nào khác. Bầu cử Quốc hội của mình dân chủ, tất nhiên phải qua bộ máy sàng lọc từ cơ sở, không thể để người phẩm chất kém ứng cử Quốc hội.
Quan trọng là lắng nghe dân
Chủ tịch kể tiếp: "Hôm rồi, nhà báo Mỹ Paul hỏi tôi rằng Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong tương lai, chúng ta có thực hiện đa đảng không? Tôi nói như ông thấy, bên Mỹ có hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Bên Pháp thì rất nhiều Đảng thay phiên nắm quyền. Vừa rồi qua Thụy Sỹ thấy nước này cũng nhiều đảng lắm.
Nhưng tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: "Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ hai đảng". Rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận. Nếu một đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân. Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể như công đoàn, hội nông dân, hội phụ nữ... Đó là những tiếng nói góp phần vận động xây dựng Đảng. Có một đảng nhưng vẫn lắng nghe được tiếng nói của nhân dân. Đảng là đại diện của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Điều kiện lịch sử cụ thể nên sự khác nhau là bình thường.
Chế độ chính trị của các nước cũng khác nhau. Ở Mỹ có tổng thống, không có thủ tướng. Ở Pháp có cả tổng thống lẫn thủ tướng. Qua Đức, thủ tướng lại có vai trò khác. Qua Anh lại có nữ hoàng... Chính trị thế giới muôn màu muôn vẻ, tại sao lại đòi Việt Nam phải theo một cái khuôn cố định nào đó. Đó là đòi hỏi hết sức vô lý. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn: "Bà con hướng về Tổ quốc với niềm tin vì Đảng này vì nhân dân, từ nhân dân mà ra, và nếu có vấn đề gì thì góp ý thẳng thắn, thật tình; mong bà con thường xuyên về lại với quê hương, Tổ quốc".
1/9 thực hiện miễn thị thực cho kiều bào
Cũng tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước đã thông báo một số chính sách mới của Nhà nước đến kiều bào.
Kể từ 1/9/2007, bà con kiều bào khi về nước sẽ được miễn thị thực.
Về vấn đề nghĩa trang của binh lính chế độ Sài Gòn cũ ở Bình Dương, Chủ tịch cho biết, gần đây, Nhà nước đã chuyển khu nghĩa trang này cho dân sự quản lý. Vì thế, bất cứ bà con nào có thân nhân ở đó đều có thể về thăm, tu sửa.
Nhà nước cũng đang có kế hoạch tạo điều kiện để bà con muốn về mua nhà cửa sẽ thuận lợi hơn. "Sẽ cố gắng làm để bà con có điều kiện về quê hương đất nước, xây dựng quê hương", Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Tuấn Nguyễn (từ New York)
http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2007/06/707924/
---
'Sắp bỏ visa cho kiều bào'
'Bất đồng chính kiến là bình thường'
---
'Bất đồng chính kiến là bình thường'
Ông Triết đã có cuộc gặp với đại diện Việt kiều ngay khi đặt chân tới New York
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, hiện đang ở thăm Hoa Kỳ, một lần nữa lên tiếng khẳng định chính phủ trong nước luôn "bảo vệ nhân quyền".
Ông Triết đã có cuộc tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và đại diện Việt kiều Mỹ và Canada ngay sau khi đặt chân tới New York hôm thứ Hai.
Báo chí Việt Nam có mặt trong cuộc gặp trích lời ông Triết nói:"Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, ngay trong Đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau".
Ông chủ tịch tuyên bố ở Việt Nam hoàn toàn không có chuyện bắt bớ và xét xử vì lý do bất đồng chính kiến. Ông nhắc lại lập luận mà Việt Nam luôn đưa ra, là những người bị bắt là do vi phạm pháp luật.
"Những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam."
Ông Triết được trích lời nói: "Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được".
Bất đồng chính kiến
Trong nửa đầu năm nay, chính quyền Việt Nam đã bắt và bỏ tù hàng loạt nhân vật đấu tranh dân chủ trong nước. Tuy nhiên, dưới áp lực của các nước, đặc biệt là Mỹ, Hà Nội cũng vừa trả tự do cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình và luật sư Lê Quốc Quân.
Đã có thông tin nói rằng việc thả các nhân vật này là điều kiện Mỹ đặt ra trước chuyến thăm của ông Triết.
Hoa Kỳ không ít lần chỉ trích Việt Nam về thành tích nhân quyền bị liệt vào dạng yếu kém.
Họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử.
Chủ tịch VN Nguyễn Minh Triết
Tin cho hay ông Nguyễn Minh Triết nói với các Việt kiều rằng ông đã từng chia sẻ với tổng thống George W Bush trong một cuộc gặp khi ông Bush thăm Việt Nam năm 2006, rằng Việt Nam đấu tranh đòi độc lập, tự do cũng vì giành quyền con người.
"Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử."
Ông cũng nói đặc điểm lịch sử của các nước khác nhau, không nên "áp đặt nhân quyền".
"Chế độ chính trị của các nước khác nhau. Chính trị thế giới muôn màu muôn vẻ, tại sao lại đòi Việt Nam phải theo một cái khuôn cố định nào đó?"
"Đó là đòi hỏi hết sức vô lý. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp."
Góp ý thật tình
Ông Nguyễn Minh Triết tuy vậy thừa nhận rằng thông tin từ trong nước ra bên ngoài còn yếu và thiếu, "nhiều khi sai lệch".
Ông Triết sẽ ở thăm Hoa Kỳ tới 23/6
Ông chê trách báo chí tuyên truyền không phản ánh đủ về đường lối chủ trương chính sách, thí dụ khi nói về các vụ tham nhũng lớn thì không làm bật lên được khía cạnh là "Đảng ta, nhân dân ta chống tham nhũng mạnh thì những chuyện này mới được phanh phui, lôi ra ánh sáng".
"Không nên nghĩ rằng cán bộ mình, dân mình tham nhũng nhất thế giới."
Nói về vấn đề đa đảng, ông Nguyễn Minh Triết dùng câu chuyện ông từng nói với một nhà báo Mỹ.
"Tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ hai đảng."
"Rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận. Nếu một đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân."
Ông cũng khuyến cáo Việt kiều "nếu có vấn đề gì thì góp ý thẳng thắn, thật tình" với nhà chức trách trong nước.
Việt Nam có dự định bỏ thị thực nhập cảnh đối với đối tượng Việt kiều bắt đầu từ 1/9/2007, với điều kiện chứng minh được nguồn gốc Việt Nam.
Thursday, June 21, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment