Friday, June 15, 2007

Dù đã khá hơn, nhưng...! (NTG)

Dù đã khá hơn, nhưng...!

Nguyễn Thanh Giang

Ngày 6 tháng 6 năm 2007 tôi nhận được bài viết sau đây gửi vào hòm thư điện tử của tôi :


“Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2007

Thân gửi: ông Nguyễn Thanh Giang nhân đọc cuốn “ Giữa Ðông và Tây ”
Vừa qua, tôi được một người bạn cho mượn cuốn “ Giữa Ðông và Tây ” đề tên tác giả là Nguyễn Thanh Giang trú ở số 6 khu tập thể địa vật lý, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Thấy tên sách khá lạ nên tôi đã tò mò đọc. Mặc dù cuốn sách chỉ là “ tủ sách gia đình ”, không xuất bản chính thức, nhưng thấy rằng có rất nhiều vấn đề cần phải nói nên tôi xin gửi ông Nguyễn Thanh Giang một vài suy nghĩ như sau:

Xét về hình thức, cuốn sách được trình bày khá cẩu thả, nhiều đoạn bị in lệch, cắt xén không gọn gàng điều đó cho thấy tác giả thiếu phong cách khoa học, không tôn trọng với chính “ đứa con tinh thần ” của chính mình và được hun đúc, suy ngẫm từ những năm 2000, hoàn toàn trái với những gì mà tác giả tự giới thiệu về bản thân là tiến sỹ, viện sỹ, đã có một số tác phẩm trước đó.

Nội dung xuyên suốt cuốn sách là bàn về chính sách ngoại giao, vai trò của Việt Nam đối với thế giới, sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đưa khuyến cáo là nên quan hệ với Mỹ. Ðiều này không có gì mới vì có rất nhiều bài viết trong nước, ngoài nước bàn về vấn đề này và sâu sắc hơn nhiều. Chính vì vậy, cuốn sách không đưa ra được những vấn đề mới, đơn thuần chỉ là sự tổng hợp những luận điểm đã xuất hiện trước đó.

Trong các bài viết, ông Nguyễn Thanh Giang còn nhiều lần kêu gọi, đề nghị cần phải có đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam như mô hình của các nước phương Tây, coi đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước. Ðây là nhận định hết sức chủ quan, sai lầm của ông Nguyễn Thanh Giang và làm cho cuốn sách “ Giữa Ðông và Tây ” trở thành vô giá trị. Trong bài viết “ Sự thịnh vượng phải là mục tiêu lớn nhất ” của Nguyễn Minh Hưng, sinh viên Trường Ðại học Meio, Nhật Bản trên báo Vietnam.net ngày 28/5/2007 đã khẳng định “ đa đảng hay một đảng thực chất không phải là mục tiêu hướng đến của một quốc gia mà sự thịnh vượng về đời sống vật chất và tinh thần của người dân mới là điều mà tất cả các quốc gia phải nghĩ đến. Ðiều này có nghĩa không nhất thiết phải đa nguyên, đa đảng vẫn có thể thịnh vượng như Singapore, hoặc không nhất thiết phải thực thi tự do hoàn toàn kiểu phương Tây mới thành cường quốc như Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỗi quốc gia có quá trình hình thành lịch sử lâu dài khác nhau, bản sắc văn hoá đặc thù đa dạng không tương đồng. Chính điều ấy mới cần phải hoà hợp sao cho có phát triển vẫn không mất gốc, có hiện đại vẫn giữ được giá trị truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia ”. Chính vì vậy, cuốn sách “Phẩm cách quốc gia” của Fujiwara Masahiko, giáo sư Trường Ðại học Ochanomizu, Nhật Bản đã nói mô hình phát triển kiểu phương Tây mang đến cho Nhật bản sự phát triển thần kỳ về kinh tế, nhưng đã làm băng hoại các giá trị đạo đức của xã hội truyền thống Nhật bản.

Trong bài viết “ Political Expectation and Democracy in the Philippines and Vietnam ” (Kỳ vọng chính trị và dân chủ ở Philippines và Việt Nam) đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học Chính trị Philippines số 26 (49) năm 2005, giáo sư Benedict J. Kerkvliet, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về vấn đề chính trị xã hội ở Philippines và Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam “ có trách nhiệm” với người dân hơn so với các chính quyền Philippines. Cụ thể tỉ lệ giảm đói nghèo, chỉ số phát triển con người đều tốt hơn Philippines. Trong khi đó, nền chính trị ở Philippinnes được coi là “ dân chủ” hơn so với Việt Nam dưới con mắt người phương Tây với những tổ chức chính trị, xã hội, các đảng phái chính trị thiết lập, vận hành, bầu cử chính trị có sự cạnh trạnh của các chính đảng. Giáo sư Kerkvliet cho rằng, một trong những lý do chính quyền Việt Nam là tốt hơn Philippnes là Ðảng cộng sản Việt Nam hoạt động dựa vào dân, gần dân nên dễ nắm bắt nguyện vọng của người dân ”.
Thiết nghĩ các chuyên gia nước ngoài, sinh viên Việt Nam trẻ tuổi đang du học ở những nước phát triển có được những tư duy như vậy mà ông Nguyễn Thanh Giang ở cái tuổi ngoài thất thập mà vẫn có suy nghĩ như trên thì quả thật đáng tiếc, đáng trách.

Về khả năng viết thì phải thẳng thắn nhìn nhận rằng khả năng phân tích, tổng hợp của ông Nguyễn Thanh Giang là chưa cao. Mặc dù đã có sự cố gắng đưa ra những luận điểm để phân tích, đánh giá, tổng hợp các nguồn thông tin, tài liệu để chứng minh cho luận điểm của mình, nhưng chưa đủ tầm để trở thành một nhà phân tích chính trị, xã hội. Nếu xét công bằng thì ngang tầm với những bài viết bình luận chính trị của một số tờ báo không chuyên ngành. Tuy nhiên, có thể thông cảm là ông Nguyễn Thanh Giang là dân kỹ thuật (chuyên ngành địa chất), việc viết chắc chỉ là sở thích, tay trái mà thôi.

Cuối cùng thành thật khuyên ông Nguyễn Thanh Giang rằng việc phân tích, bình luận chính trị, xã hội là một vấn đề rất quan trọng, rất khó, đòi hỏi người viết phải có nhãn quan chính trị sâu sắc, khả năng phân tích, tổng hợp cao, được đào tạo bài bản, có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin chính thống, chính xác, trong khi đó theo những gì thể hiện trong cuốn “ Giữa Ðông và Tây ” thì ông không có khả năng, điều kiện về vấn đề này. Do vậy, nếu ông Nguyễn Thanh Giang có điều kiện về thời gian, sức khoẻ thì nên làm những việc thuộc chuyên ngành nghiên cứu địa chất thì hợp lý, phát huy tối đa năng lực hơn.

Ðại tá Nguyễn Biên Cương - Phương Mai, Hà Nội ”

*
***
*

Tôi đã thưa lại như sau :

Thưa các ông

Trước hết, tôi xin cảm ơn đại tá Nguyễn Biên Cương đã cất công đọc cuốn sách “ Giữa Đông và Tây ” của tôi, lại bỏ thời giờ ngồi viết bài bình phẩm, cảm ơn ông Thanh Phúc đã tìm ra địa chỉ Email của tôi để chuyển bài của đại tá Biên Cương.

Tôi phải chân thành cảm ơn vì qua đây tôi nhận thấy đã có chút gì nhân ái hơn ( nói chính xác thì là có bớt tính thú vật hơn ) so với những hình thức trước đây tôi từng gánh chịu: đưa ra phường đấu tố; gửi công văn đi các nơi, đồng thời cho một loạt báo của Đảng bịa đặt, xuyên tạc để bôi bẩn, hạ nhục; gửi thư nặc danh đến nhà thóa mạ, dọa nạt, khủng bố tinh thần; tổ chức bọn tội phạm có thẻ thương binh xông vào nhà gây sự hành hung …

Sau đây tôi xin giãi bầy cùng các ông một số điểm :

Mở đầu, đại tá Biên Cương nhận xét tôi tỏ ra “ hoàn toàn trái với những gì mà tác giả tự giới thiệu về bản thân là tiến sỹ, viện sỹ, đã có một số tác phẩm trước đó ” chỉ vì, về hình thức, cuốn sách không được chỉn chu. Thực tế, khiếm khuyết này tồn tại bởi hai lẽ. Một là do sách phải ấn hành một cách chui lủi ( bản thân sách không đáng phải ấn hành chui, nhưng, cũng như ngày xưa, Nguyễn Ái Quốc không có tội mà cứ phải lẩn tránh bọn chó săn ). Hai là, do eo hẹp tài chánh. Nếu được Đảng ưu ái cho mở đề tài để ra được những tập tài liệu tương tự cuốn sách đó ở các viện, các hội đồng lý luận của Đảng thì sẽ được chi hàng tỷ bạc; ở đây, riêng cá nhân tôi phải bỏ khoản lương hưu còm cõi ra tự lo liệu hoàn toàn.

Chuyện này, chắc chắn các ông rất biết nhưng chê thì cứ chê. Không hạ nhục thì cũng cố hạ thấp được tý nào hay tý ấy. Tuy nhiên, như vậy lại thành ra các ông không biết tỏ ra hiểu logic. Các ông đã cho cuốn sách là “ vô giá trị ” thì hà tất phải xét đến hình thức của nó làm gì. Có chăng, người có nhãn quan nhân ái, có tinh thần khách quan mới thấy càng thương trái tim vàng mà phải núp dưới một mái lều tranh. Nhưng này, cuốn sách đã “ vô giá trị ” thì sao các ông lại tâng nó lên thành “ đứa con tinh thần … được hun đúc ? ” làm gì ? Quả thật, người không hiểu logic thì ý nọ cứ chống lại ý kia của chính họ.

Sở dĩ các ông cho cuốn sách là “ vô giá trị ” vì nó dám tuyên truyền đa nguyên đa đảng.

Đa nguyên đa đảng là vấn đề vừa mang tính chính trị-xã hội, vừa mang tính triết lý phức tạp đã được bàn thảo nhiều và sẽ còn được tranh luận không dứt. Những tưởng các ông thiên kinh vạn quyển hay lý luận sắc sảo, đồng thời đưa được những dẫn chứng thực tiễn đủ sức thuyết phục, đằng này các ông đưa ra ý kiến của một cháu du học sinh, và hai ông Tây, rồi kết luận: “ Thiết nghĩ các chuyên gia nước ngoài, sinh viên Việt Nam trẻ tuổi đang du học ở những nước phát triển có được những tư duy như vậy mà ông Nguyễn Thanh Giang ở cáí tuổi ngoài thất thập mà vẫn có suy nghĩ như trên thì quả thật đáng tiếc, đáng trách ”.

Sao các ông lại dễ dàng thần phục một cháu nhỏ chỉ vì cháu đang học ở Tây tư bản và hai ông Tây cũng ở nước tư bản thế nhỉ ! Chẳng những thế, cháu học sinh này còn chưa biết cách đặt vấn đề, cũng chưa biết cách giải quyết vấn đề. Không ai ngô nghê đặt vấn đề đa đảng hay độc đảng là mục tiêu cả, mà, vấn đề là ở chỗ để đạt mục tiêu dân mạnh, nước giầu, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì Việt Nam nên đa đảng hay độc đảng ? Người dân Việt Nam có quyền và cần trở trăn, suy nghĩ xem vì sao hơn nửa thế kỷ qua, đất nước lâm vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Hết đánh kẻ thù vừa vừa lại đánh kẻ thù cường quốc. Hết đánh bạn láng giềng nhỏ lại đánh bạn láng giềng to. Hết giết đồng bào (cải cách ruộng đất …), lại giết đồng chí ( Nhân văn Giai phẩm, Xét lại Chống Đảng … ).

Hơn nửa thế kỷ qua, số phận dân tộc này được định đoạt, được dắt dẫn bởi chỉ một Đảng thôi đấy !

Chưa xong, đã núi xương sông máu thế rồi mà đất nước cứ ngày càng tụt hậu xa so với thế giới.

Lại nữa, không chỉ nghèo nàn lạc hậu mà các chỉ số xấu đều cao. Lãng phí vào hàng nhất thế giới (đổ tiền đổ của vô tội vạ vào những dự án treo đằng đẵng, những dự án chưa hợp thời, không hợp lý: nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường mòn Hồ Chí Minh, đường dây tải điện 500 kilovon … ). Tham nhũng tràn lan và nặng nề nhất thế giới. Tai nạn giao thông trầm trọng nhất thế giới …

Để biện minh cho cái sự ưu việt của độc đảng, cháu nhỏ này noi gương tất cả các lý luận gia lão luyện khác, đưa ra được độc mỗi Singapore làm dẫn chứng hùng hồn ! Trong khi đó, ai cũng biết cái nước con con này chỉ bé bằng một tỉnh của Việt Nam. Sinh vật nhỏ có thể đơn bào, sinh vật to và phát triển không thể là đơn bào. Ta muốn làm rồng, làm hổ hay chỉ cần làm con giun, con amíp ?

Hết thần phục và bắt tôi cũng phải thần phục một cháu học sinh nhỏ non nớt lại muốn tôi phải cùng thần phục hai ông Tây tận nước nảo nước nào ngồi so sánh Việt Nam với Philippines, trong khi tôi đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt cùng nhân dân tôi, đất nước tôi và cũng đã từng đi đó đi đây tới họ.

Các ông còn tỏ ra thích thú dẫn lời: “ Fujiwara Masahiko, giáo sư Trường Ðại học Ochanomizu, Nhật Bản đã nói mô hình phát triển kiểu phương Tây mang đến cho Nhật bản sự phát triển thần kỳ về kinh tế, nhưng đã làm băng hoại các giá trị đạo đức của xã hội truyền thống Nhật bản ”, nhưng các ông liệu có tưởng tượng nổi vị giáo sư này còn đau lòng gấp bao nhiêu triệu lần khi biết đảng Cộng sản Việt Nam vì đưa chủ nghĩa Mác vào mà hàng loạt nhà thờ, đình chùa, miếu mạo bị phá tan hoang; còn vợ thì đốt râu chồng, con cái thì xỉa xói vào mặt cha đẻ mình trong các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất ?

Ai “ làm băng hoại các giá trị đạo đức của xã hội truyền thống ” Việt Nam khi đã xưng danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa rồi, chưa vào WTO để nhuốm mầu tư bản mà tỷ số gái điếm, tỷ số người tiêm chích …so với dân số đều cao hơn thời Pháp thuộc, thời “ Mỹ- Ngụy ” và được liệt vào hàng cao nhất thế giới ? Rồi … trên thì lừa dưới ( nói xã hội chủ nghĩa mà làm tư bản chủ nghĩa hoang dã), dưới thì úm trên; trò thì dối thầy, thầy thì dối lãnh đạo để học sinh “ngồi nhầm lớp ” đến mức sắp tú tài nhưng chưa đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ … ? ! Khoảng cách giầu nghèo thì chênh lệch tàn bạo hơn rất nhiều nước tư bản.

Sao không để mọi người cùng nói rõ sự thật để nhìn thẳng được vào sự thật mà biết xót xa ân hận đặng phấn đấu vươn lên, cứ khăng khăng tự khẳng định mình là tót vời, là “ ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao ”, là chẳng những không ai có thể thay thế được (như quy định trong điều 4 của Hiến pháp ) mà cũng không ai đáng cùng chung vai gánh vác giang sơn ? Thế rồi cứ thế phè phỡn, tự phong thánh phong thần. Ai “ đụng đến cái lông chân ” thì cuồng nộ lên gán tội nói xấu Đảng, nói xấu lãnh đạo, chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam …!

Đa đảng hay không cần đa đảng ? Khi chưa ai chĩa súng, vung gươm, chưa ai đặt bom, nổ mìn mà chỉ bàn luận thôi thì cứ để người ta nói, khuyến khích cho người ta nói. Ba cái anh mạo xưng dân chủ, lại bất mãn, cơ hội thì đáng gì. Vì không được Đảng trọng dụng sinh bất mãn tức là bất tài rồi, lại cơ hội nữa tức là vô dạo đức. Thế thì nói ai nghe. Đảng đã vô cùng anh minh, sáng suốt, lại có trùng trùng điệp điệp sáu bẩy trăm tờ báo giấy, báo nói, báo hình … xa xả rót vào tai, ấn vào mắt, nhồi nhét vào đầu thì còn mấy kẽ hở để lọt cho bọn phản động diến biến hòa bình. Cho nên Đảng không việc gì mà hơi tý đã sợ run lên. Đừng chỉ thị cho các cơ quan tư pháp dựng tội tống người ta vào tù. Cũng đừng dùng những thủ đoạn tiểu nhân như đã kể trên. Bởi như vậy nó dã man, tàn bạo lắm, nó ty tiện, hèn hạ lắm !

Các ông hẳn đã nghiên cứu lý lịch của tôi kỹ nên có nhận định khá đúng đắn: “ có thể thông cảm là ông Nguyễn Thanh Giang là dân kỹ thuật (chuyên ngành địa chất), việc viết chắc chỉ là sở thích, tay trái mà thôi “. Thật vậy, việc viết lách như thế này đối với tôi chỉ như một nhu cầu sinh lý. Hít vào thì phải thở ra, nghe thì phải nói, đọc thì phải viết. Và, cứ như nghiệp chướng: đã mọt sách thì phải sản xuất sách. Thế thôi mà.

Khi được các ông đánh giá là “ chưa đủ tầm để trở thành một nhà phân tích chính trị, xã hội. Nếu xét công bằng thì ngang tầm với những bài viết bình luận chính trị của một số tờ báo không chuyên ngành” tôi không những không tủi mà còn thấy các ông vô tình hay hữu ý đề cao hơi quá. Làm sao tôi có thể tưởng tượng mình là người “ chưa đủ tầm để trở thành một nhà phân tích chính trị, xã hội ” được. Bởi vì chưa đủ tầm có nghĩa là sắp đủ tầm hoặc đã có một chút tầm phải không ông ? Chính các ông nói thế mà.

Đồng ý với các ông “ phân tích, bình luận chính trị, xã hội là một vấn đề rất quan trọng, rất khó”. Chẳng có thể mà Đảng bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng chi phí, nuôi nấng, nâng niu hàng chục ngàn nhà báo, nhà lý luận, trao tặng đủ mọi loại huân chương, huy chương, bằng khen, giải thưởng …; nhưng rồi, vẫn cứ phải cậy đến công an, tòa án để “ thuyết phục ” quần chúng. Tuy nhiên, khi các ông bảo chỉ những người được đào tạo bài bản mới nên làm, mới được làm cái công việc phân tích, bình luận chính trị, xã hội thì e khó ai đồng ý quá. Ông Lê Duẩn, ông Lê Đức Thọ còn có nổi cái bằng Primaire ( tôi cũng có bằng này từ năm 1947 ) chứ ông Đỗ Mười thì học lớp mấy ? Và, nói chung, các ông ấy được đào tạo bài bản ở đâu ? Ông Lê Duẩn, ông Đỗ Mười đã thực mục sở thị một nước tư bản nào chưa ? Thế mà mỗi bài viết của các ông ấy đều được các ông xem như thánh phán, cúi mọp đầu xuống mà khấn vái, tung hô, tụng niệm. Ôi ! Cái khẩu lệnh “ tuyệt đối tin tưởng, tuyệt đối trung thành ” làm cho người ta, không biết tự lúc nào, tình nguyện trở thành nô lệ quyền thế mà không biết nhục, không thấy xấu hổ.

Còn điều này nữa. Hôm ông Đỗ Mười gọi ông Nguyễn Trung Thành lên căn vặn về chuyện phản tỉnh vụ án Xét lại Chống Đảng. Chẳng phân tích đúng sai được gì, ông Đỗ Mười chỉ khuyên ông Nguyễn Trung Thành nghỉ dưỡng tuổi già đi, đừng bận tâm đến việc Đảng, việc nước nữa nên đã bị ông Nguyễn Trung Thành vặc lại. Ông Đỗ Mười khuyên ông Nguyễn Trung Thành nghe đã chướng tai. Đằng này các ông nhỏ tuổi hơn tôi ( Các ông đang còn công tác tức là ít nhất kém tôi trên chục tuổi, dù Nguyễn Biên Cương có hàm đại tá. Tôi đã từng gặp mấy thiếu tướng là người trong họ hoặc là con cái mấy ông bạn vong niên, thấy nhiều thiếu tướng chỉ hơn tuổi con trai tôi chút ít. Vả chăng, đọc thấy cái giọng ti toe, bắng nhắng của các ông tôi khẳng định các ông còn khá trẻ người non dạ ), vậy mà các ông dùng chữ khuyên đối với tôi thì quả là xấc xược, là vô lễ lắm lắm.

Tôi nhờ các ông nói với lãnh đạo các cấp, và nhân danh người lớn tuổi, khuyên các ông từ rầy muốn bình phẩm ai, phê phán ai, chửi rủa ai thì cứ xưng tên tuổi địa chỉ rõ ràng để nếu cần còn tiện trao đổi. Như thế mới ra cái giống người. Đừng lén lút ẩn dấu làm gì.

Như tôi, mặc dù có nguy cơ bị ám hại, tôi vẫn cứ tên tuổi địa chỉ rõ ràng. Chẳng những thế tôi còn giúp ông đăng báo rộng rãi cái bài ông cảnh cáo nhẹ tôi.

Về phận mình, mặc dù biết phận “ thân lươn bao quản lấm đầu ”, nhưng “ tấm lòng trinh bạch chẳng bao giờ chừa ” đâu các ông ạ.

Hà Nội ngày 6 tháng 6 năm 2007

Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội Điện thoại : ( 04 ) 5 53437

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2007/20070615_01.htm

No comments: