Nguyễn Minh Triết đã tự đánh mất tính tự trọng tối thiểu!
DC&PT - Thời Sự 2007
Ngày đầu ở Hoa kì
Nguyễn Minh Triết đã tự đánh mất tính tự trọng tối thiểu!
Âu Dương Thệ
Ngay ngày đầu đặt chân lên đất Mĩ, bị chính giới và báo chí Mĩ chất vấn cũng như kiều bào phản đối, Nguyễn Minh Triết thay vì nhìn nhận việc bắt giam và bỏ tù những người dân chủ đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền theo phương pháp phi bạo lực là hành động vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc, trong đó VN cũng là thành viên. Ông Triết đã lại dở trò cãi chày cãi cối.
Ông ta bảo rằng: „Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người.“. Nhưng ông Triết đã lờ đi một sự thực là, các quyền con người là tự do dân chủ mà hàng bao triệu người Việt phải hi sinh trong các cuộc chiến vừa qua thì hiện nay chỉ có một thiểu số rất nhỏ được hưởng. Đó là những phần tử có quyền lớn và có rất nhiều tiền của ở trong Trung ương ĐCSVN. Họ đang sống phè phỡn trên tiền bạc tham nhũng và sự lộng quyền coi thường sinh mạng người dân và tài sản của đất nước. Thái độ độc tài, đàn áp và cuộc sống đế vương của một số phần tử này không khác bọn thực dân đã từng cai trị VN trước đây. Còn trên 80 triệu dân VN đã bị tước tất cả các quyền căn bản, như quyền tự do tư tưởng, báo chí, tín ngưỡng, lập hội, đi lại…Rất đông đảng viên ĐCSVN cũng phải chịu chung một số phận như vậy!
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 vào 20.5 vừa qua cả nước và thế giới đã thấy tận mắt lối làm ăn tái diễn kiểu 99% trúng cử của các ứng cử viên do ĐCSVN đưa ra. Nhưng Nguyễn Minh Triết đã vẫn ngụy biện khi đặt chân tới Mĩ:
„Kỳ bầu cử Quốc hội, một nhóm người kêu gọi phải tăng người ngoài Đảng vào Quốc hội, tôi nói Đảng, Nhà nước Việt Nam đâu có cấm, thực hiện đăng ký ứng cử công khai.“
Nguyễn Minh Triết còn lớn tiếng bào chữa cho việc họ cố duy trì chế độ độc đảng, bằng cách bảo là mỗi nước có một đặc điểm và rằng, người dân VN đã chấp nhận chế độ tộc tài toàn trị: „đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận“. Ở đây ông Triết đã cố lờ đi một việc quan trọng là, suốt mấy chục năm nắm quyền đã có lần nào nhóm lãnh đạo CSVN trưng cầu ý kiến nhân dân một cách tự do dân chủ xem có ai đồng ý với họ? Người dân muốn Nguyễn Minh Triết trả lời thẳng thắn!
Nguyễn Minh Triết còn khoe là là, một đảng cầm quyền, nhưng có nhiều tổ chức khác thì như vậy cũng là có dân chủ: „Nếu một đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân.“
Ông dẫn chứng, như sự hiện diện của Mật trận Tổ quốc và nhiều đoàn thể nhân dân trong Mặt trận này! Nhưng ông Triết đã không dám nói thực và nói thẳng là, MTTQ do ai đẻ ra và đẻ ra để làm trò gì? Nó có thực quyền hay chỉ là cây kiểng để cho nhóm lãnh đạo bảo thủ độc tài trưng làm chò chơi mà thôi?
Những ngụy biện và lí luận cùn trên đây của Nguyễn Minh Triết không có gì mới và cũng không khác gì với những người lãnh đạo trước đây của ĐCSVN. Vì thế những ai tin tưởng hay chờ đợi một nhận thức cởi mở và thành thực của Nguyễn Minh Triết sẽ vô cùng thất vọng.
Ngoài ra, trong ngày đầu đặt chân lên Mĩ, xứ sở của một trong những nước khai phóng chế độ dân chủ đa nguyên trên thế giới, Nguyễn Minh Triết đã đưa ra nhận xét và so sánh giữa một số nước dân chủ đa nguyên cũng như giữa hai chế độ độc tài nhất nguyên và dân chủ đa nguyên thật là lạ lùng, một người có trình độ kiến thức trung bình cũng không hiểu được. Nguyễn Minh Triết bảo rằng, chế độ chính trị đa nguyên ở Mĩ, Pháp, Anh, Đức…khác nhau, nơi thì có Thủ tướng, nơi thì có Tổng thống hay Nữ hoàng… Để từ đó ông Triết lớn biện hộ cho chế độ độc đảng của CSVN:
„Chính trị thế giới muôn màu muôn vẻ, tại sao lại bắt Việt Nam phải theo một cái khuôn cố định nào đó. Đó là đòi hỏi hết sức vô lý. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp. „
Nguyễn Minh Triết đã viện dẫn những khác biệt về tên gọi một số cơ quan của nhà nước trong các chế độ dân chủ đa nguyên. Nhưng ông Triết đã cố lờ đi một số nguyên tắc quan trọng rất căn bản có chung trong các chế độ dân chủ đa nguyên, nó hoàn toàn đối nghịch với chế độ toàn trị độc đảng của CSVN. Đó là, dù có những tên gọi những người cầm đầu hành pháp hay lập pháp... khác nhau ở từng nước, nhưng các xã hội dân chủ đa nguyên có những nguyên tắc chung cơ bản trong việc vận hành của đất nước là sự phân quyền độc lập và bình đẳng giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đó cũng là những xã hội pháp trị; nếu tổng thống, thủ tướng hay nữ hoàng làm sai thì người dân, các đoàn thể và báo chí có quyền phê bình. Nếu họ vi phạm pháp luật, tham nhũng… hay đàn áp nhân dân thì đều bị trừng trị trước pháp luật. Đó cũng còn là những xã hội mà báo chí được tự do, còn được gọi là Quyền thứ tư trong nước sau ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp!
Trong khi đó, tại những chế độ chính trị nhất nguyên, độc tài toàn trị như ở VN hiện nay thì đảng cầm quyền, tức ĐCSVN hiện nay, nắm độc quyền toàn bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó một số người có quyền lực nhất tự do tung hoành và thao túng mọi hoạt động trong xã hội. Quốc hội làm bù nhìn; Thủ tướng chỉ biết gật, cả cái quyền bổ nhiệm hay cách chức bộ trưởng cũng không có. Còn tư pháp và các toàn án thì chỉ xử theo lệnh của những người có quyền lực. Trên 600 cơ quan báo chí và đài hoàn toàn nằm trong tay sinh sát của Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSVN!
Những sự khác biệt giữa hai chế độ dân chủ đa nguyên và độc tài toàn trị rõ ràng như ngày và đêm, đen và trắng. Nó được ghi trong tất cả các sách giáo khoa sơ đẳng về chính trị học. Ai có kiến thức trung bình cũng đều biết. Nhưng Nguyễn Minh Triết, người đứng đầu của chế độ –được ghi là có trình độ Đại học- lại làm một công việc so sánh và phân tích đến độ lạ lùng và ngớ ngẩn như thế! Hoặc giả ông Triết biết nhưng vẫn cố nói như vậy để đánh lận trắng đen. Trong trường hợp này Nguyễn Minh Triết đã bán lương tâm và bán linh hồn cho quyền lực, cho ngôi báu! Nếu như thế thì Nguyễn Minh Triết đã tự chứng minh, ông ta không còn đặt giá trị tự trọng nữa. Ông đã coi sự dối trá cao hơn sự thực, coi lợi ích vị kỉ và nhất thời của nhóm độc tài cao hơn tất cả!
Những tuyên bố vào ngày đầu của Nguyễn Minh Triết đặt chân tới Mĩ trong tư cách là Chủ tịch nước đã cho thấy thái độ hành xử quyền hành của ông như thế nào: Lí luận cùn, ngụy biện và dối trá! Điều này chứng tỏ Nguyễn Minh Triết thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và thiếu tự trọng!
Những đức tính và khả năng này rất cần thiết ở một người lãnh đạo. Nhưng nó đã vắng bóng trong con người Nguyễn Minh Triết!
Người ta thường đánh giá một chế độ qua thái độ hành xử của người cầm đầu. Thái độ và tư cách của Nguyễn Minh Triết phản ảnh trình độ và tư cách của nhóm lãnh đạo hiện nay của chế độ độc tài toàn trị. Một người đã tự đánh mất lòng tự trọng thì sẽ không còn được ai tôn trọng! Một người lãnh đạo mà tồi tệ đến như thế thì sự tồi tệ và tàn bạo của chế độ là điều không làm ai ngạc nhiên!
* Những đoạn trích là từ trong bài „Chủ tịch nước: Chúng tôi bảo vệ nhân quyền“ lấy từ báo Tiền phong online ngày 20.6.07
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
http://www.doi-thoai.com/baimoi0607_232.html
Saturday, June 23, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment