Tuesday, June 19, 2007

"DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH" :SỰ VAY MƯỢN NGÔN TỪ CHỐNG ĐỠ VÔ NGHĨA, TUYỆT VỌNG

"DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH" :SỰ VAY MƯỢN NGÔN TỪ CHỐNG ĐỠ VÔ NGHĨA, TUYỆT VỌNG

"DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH"
La Thành


"...Chế độ cộng sản ở các nước thuộc khối xô-viết đã tự “nuốt chửng” chính nó. Cả Liên Xô cũ, cả các quốc gia Đông Âu đều đã chia tay với chủ nghĩa cộng sản theo cùng một cách: các đảng cộng sản cầm quyền đã buông rời chính quyền — trong những diễn biến thực sự hoà bình — mà không có bất cứ một can thiệp nào từ bên ngoài hoặc sự nổi dậy nào từ bên trong.

Đó là những cuộc “cách mạng từ bên trên” (“revolution from above”) đúng nghĩa. “Diễn biến hoà bình” về cơ bản là “tự diễn biến hoà bình”, các yếu tố bên ngoài chỉ đóng vai trò cục diện và bối cảnh.

Những điều vừa được mô tả lại hoàn toàn tương đồng với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Và như vậy, một “diễn biến hoà bình” tương tự sẽ đến và dường như đang đến, không phải như một sản phẩm nhập cảng, mà ngay từ trong lòng chế độ..."


"DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH"
- SỰ VAY MƯỢN NGÔN TỪ, TƯ TƯỞNG VÀ SỰ CHỐNG ĐỠ VÔ NGHĨA, TUYỆT VỌNG
Trao đổi với độc giả của "Thông Luận”
La Thành

Lời đầu: Tôi rất vui khi Ban biên tập Thông Luận đã giới thiệu bài viết “Sự nghèo đói tự cưỡng bức của tư tưởng chính trị ở Việt Nam” (Phần IPhần II) của tôi, đăng lần đầu trên diễn đàn liên mạng talawas, cho các độc giả của tạp chí. Việc quảng bá những bài viết có chủ đề phê phán nền chính trị đương cuộc và cổ lệ cho một quá độ về dân chủ - đa nguyên ở Việt Nam trong các nhóm độc giả khác nhau luôn luôn là hữu ích ở chỗ nó xúc tiến sự trao đổi những góc nhìn mới, những khía cạnh mới từ một góc nhìn quen thuộc, những minh hoạ mới hoặc những tiếp cận mới cho một hệ thống vấn đề đã được biết đến.

Xin chân thành cảm ơn một quý độc giả của e-ThongLuan đã quan tâm tới nội dung bài viết, đồng thời đã tận tình trao đổi góp ý. Quý độc giả nhận xét đúng, “diễn biến hoà bình” trong tiếng Việt ứng với «мирная эволюция», chứ không phải «мировая эволюция», trong tiếng Nga. Đây là một nhầm lẫn của tôi trong lúc chế bản bài viết của mình. Tôi đã đính chính sai sót này trên talawas ngay sau khi bài viết được đăng lần đầu và được độc giả của diễn đàn này góp ý.

Những ý kiến tiếp theo của quý độc giả:

(a) sự chuyển dịch (hoặc tiến trình, theo cách định danh của quý độc giả) hoà bình về dân chủ cần phải được dịch sang tiếng Nga theo các phương án «мирная демократическая эволюция» (tôi đã sửa lại chính tả về nguyên-cách giúp anh) hoặc «мирная эволюция демократического развития»,



(b) thực ra, anh “hoàn toàn không hiểu cái từ diễn biến hoà bình là gì”

sẽ là những đề tài mà tôi trao đổi cùng anh, và cùng những độc giả quan tâm khác, trong bài viết này.



1. Ngữ nghĩa của từ và thuật ngữ

Ngôn ngữ là một hiện tượng rất sinh động. Trong lĩnh vực từ nghĩa, nhiều khi ý nghĩa được định nghĩa trong từ điển của một từ không hoàn toàn trùng khớp với ý nghĩa của chính từ đó ở trạng thái nó đang được sử dụng. Hãy lấy từ “đảng” trong tiếng Việt làm thí dụ. Một trong các ý nghĩa từ vựng được định nghĩa trong từ điển của nó là “chính đảng” hay “đảng phái chính trị”. Tại một quốc gia dân chủ đa nguyên, để chỉ một chính đảng cụ thể nào đó, người ta phải thêm danh xưng của chính đảng đó sau từ “đảng”, chẳng hạn “đảng Cộng hoà” hoặc “đảng Dân chủ” khi nói về chính trường Hoa Kỳ. Trong khi đó ở Việt Nam, vào thời điểm hiện nay, khi nói “đảng” người ta chỉ có thể nghĩ đến cái đảng duy nhất đang độc tôn cai trị là đảng Cộng sản, không cần thêm từ “Cộng sản” vào sau từ “đảng” (theo chính tả chính thống, phải viết hoa từ “đảng” như là “Đảng” kia đấy). Chưa hết, khi nói “chủ trương của đảng”, mọi người đều hiểu rằng từ “đảng” trong trường hợp này không bao gồm tất thảy mọi đảng viên cộng sản (chừng ngót nghét 3 triệu về số lượng), mà chỉ là cái tập đoàn đầu lãnh của đảng Cộng sản mà thôi. Tập đoàn này cũng không phải là toàn bộ cái “ban chấp hành trung ương” gồm trăm rưỡi uỷ viên của nó đâu, mà chỉ là “bộ chính trị” (hiện nay gồm 14 nhân vật), thậm chí chỉ là bộ phận có thế lực nhất của cái “bộ chính trị” này mà thôi. Nói cách khác, trong thí dụ cuối cùng về từ “đảng” của tiếng Việt đương đại, từ này trở nên có nội hàm rất hẹp so với định nghĩa từ điển.[1] Hiện tượng thay đổi ý nghĩa của từ ngữ theo tình huống như thế, giới ngôn ngữ học gọi là sự chuyển nghĩa hoặc trượt nghĩa. Sự tồn tại khách quan của hiện tượng này đã đưa đến một nguyên lý khi muốn xác định ý nghĩa chân xác của từ ngữ: nguyên lý xác định ngữ nghĩa theo ngữ cảnh.[2]

Trong từng lĩnh vực mang tính chất chuyên môn, để tránh xảy ra hiểu lầm do hiện tượng trượt nghĩa khi diễn đạt các thông báo, người ta đưa ra và định nghĩa trước một hệ thống thuật ngữ, mỗi thuật ngữ như vậy thường chỉ có duy nhất một nội dung ý nghĩa trong lĩnh vực chuyên môn đang xét, có thể không trùng với cách sử dụng trong đời thường của chính đơn vị từ vựng có cùng vỏ ngữ âm với thuật ngữ đó. Một thí dụ: thuật ngữ “nội lực” trong cơ học chỉ lực tương tác giữa các bộ phận trong nội bộ một hệ thống, trong khi từ “nội lực” (có cùng vỏ ngữ âm) lâu nay được báo chí chính thống trong nước sính dùng để chỉ “năng lực (vốn liếng, tài năng) tự có, không phải do viện trợ từ bên ngoài”.

Một thuật ngữ cũng có thể không được định nghĩa tường minh từ trước, nhưng qua quá trình sử dụng lặp đi lặp lại trong những tình huống xác định, ngữ nghĩa của nó tự động được xác định và rất khó bị hiểu lầm. Đây chính là trường hợp của thuật ngữ “diễn biến hoà bình” (tiếng Việt) / “peaceful evolution” (tiếng Anh) / «мирная эволюция» (tiếng Nga) mà quý độc giả đang quan tâm. Để làm sáng tỏ nội dung của thuật ngữ này, theo nguyên lý xác định ngữ nghĩa theo ngữ cảnh mà tôi đã nêu ở trên, đề nghị quý độc giả tham khảo những cứ liệu ngôn ngữ sau đây (người viết bài chủ ý làm đậm thuật ngữ «мирная эволюция» / “peaceful evolution” / “diễn biến hoà bình” trong các dẫn liệu ngôn ngữ bên dưới):

(1)Tiếng Nga:
По данным из хорошо осведомленных источников, некоторые китайские ученые сегодня склоняются к точке зрения, высказанной двумя американскими исследователями, о том, что крушение СССР стало результатом возникновения внутри правящей элиты различных группировок, объединенных особыми интересами, представители которых утратили веру в социализм. Это противоречит общепринятой официальной версии, согласно которой распад СССР был следствием так называемой политики ‘мирной эволюции’, проводившейся западными державами.

Tạm dịch:
Theo dữ kiện từ những nguồn tin cậy, một số học giả Trung Quốc ngày nay đang ngả theo một quan điểm từng được hai nhà nghiên cứu Hoa Kỳ[3] đề xuất, cho rằng sự đổ vỡ của Liên Xô là kết quả của sự xuất hiện trong nội bộ giới tinh hoa thống trị những phe nhóm khác nhau, liên kết với nhau vì những lợi ích chung, mà các đại diện phe nhóm đều đã mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Điều này đối lập với một tiếp cận chính thống đã được phổ biến, theo đó sự tan rã của Liên Xô là hậu quả của cái gọi là chính sách “diễn biến hoà bình” do các cường quốc Tây phương thi hành.[4]

(2) Tiếng Anh:
Elements in the party and government were apprehensive of the social and political impact of western influence in the wake of the lifting of the U.S. trade embargo. Throughout the year articles appeared warning of schemes by both Vietnamese citizens and foreign governments to use the promotion of political pluralism and human rights, identified as “peaceful evolution” to destabilize the Vietnamese state. Citing “technical reasons,” Vietnam in March canceled a week-long seminar at which a group of prominent foreign journalists was to provide training for Vietnamese reporters. The Far Eastern Economic Review reported that the meeting was canceled by security officials who had launched a campaign against “peaceful evolution” in the press and in meetings around the country at that time.

Tạm dịch:
Nhiều thành viên trong đảng và chính quyền [Việt Nam] tỏ ra lo ngại về những ảnh hưởng xã hội và chính trị của sức cảm hoá phương Tây sẽ đến sau sự dỡ bỏ cấm vận doanh thương của Hoa Kỳ. Trong suốt năm qua (năm 1995 — La Thành) các bài báo [ở Việt Nam] đều lên tiếng cảnh báo về những mưu toan của cả công dân Việt Nam lẫn các chính phủ nước ngoài trong việc cổ động cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị và các quyền con người, được định danh là “diễn biến hoà bình”, nhằm gây mất ổn định cho chính thể ở Việt Nam. Hồi tháng Ba, viện ra “những lý do kỹ thuật”, Việt Nam đã huỷ bỏ một khoá học chuyên đề kéo dài một tuần lễ, trong đó dự kiến một nhóm ký giả nước ngoài danh tiếng sẽ huấn luyện các phóng viên Việt Nam. Tờ Far Eastern Economic Review loan tin rằng cuộc hội ngộ [giữa các ký giả] đã bị huỷ bỏ bởi các viên chức ngành an ninh, những người đã phát động một chiến dịch chống “diễn biến hoà bình” trên phương tiện truyền thông và trong các hội nghị diễn ra ở khắp đất nước vào thời gian đó.[5]

(3) Tiếng Việt:
Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ bản chất của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, có những biểu hiện mơ hồ mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Không ít trường hợp chỉ nặng về chuyên môn đơn thuần, không chú ý đầy đủ vấn đề chính trị. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên thiếu vững vàng về chính trị, phai nhạt lý tưởng, dao động niềm tin. Sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng bị giảm sút.[6]


Quý độc giả thấy đấy, thuật ngữ «мирная эволюция» (tiếng Nga) / “peaceful evolution” (tiếng Anh) / “diễn biến hoà bình” (tiếng Việt) đã được thực sự sử dụng trên hiện trường ngôn ngữ chứ không phải do tôi phịa ra. Trong tất cả ba dẫn chứng trên đây, thuật ngữ «мирная эволюция» / “peaceful evolution” / “diễn biến hoà bình” tự nó đều có nội hàm ngữ nghĩa là “sự chuyển hoá / biến đổi chế độ cộng sản sang một chế độ dân chủ bằng phương thức hoà bình / bất bạo động” mà không cần thêm vào những bổ-nghĩa-từ như anh đề nghị. Anh muốn thay đổi ý nghĩa của nó, muốn hiểu nó khác đi cũng không thể: các thông báo trên đây đi theo nó sẽ lập tức trở nên vô nghĩa. Tôi có thể đưa ra rất nhiều cứ liệu ngôn ngữ khác nữa mà trong đó, thuật ngữ «мирная эволюция» / “peaceful evolution” / “diễn biến hoà bình” mang nội dung ý nghĩa vừa nêu.

Đương nhiên, quý độc giả có thể tự mình đặt ra một câu mới, viết ra hoặc sưu tầm một đoạn văn mới mà trong đó, cụm từ «мирная эволюция» / “peaceful evolution” / “diễn biến hoà bình” có ý nghĩa khác đi ít nhiều, nhưng điều đó nằm ngoài chủ đề của bài viết trước của tôi.


2. Một thuật ngữ và một khái niệm vay mượn trực tiếp từ Trung Quốc

Khi chua trong cặp ngoặc đơn hai thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Nga tương ứng với thuật ngữ “diễn biến hoà bình” của tiếng Việt, tôi không hề ngụ ý hướng dẫn độc giả cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Anh và tiếng Nga, mà chỉ đơn giản cung cấp những thuật ngữ tiếng nước ngoài tương ứng chắc chắn đã là những tiền thân của nó. Nhiều tác giả người Việt khác cũng thường làm tương tự khi đưa ra những thuật ngữ tiếng Việt trong bài viết của mình. Đằng sau tập quán này là cả một thực tế: cho đến nay, hệ thống thuật ngữ của rất nhiều ngành chuyên môn đều không phải do người Việt Nam là tác giả. Hệ thống thuật ngữ chính trị trong tiếng Việt cũng hầu hết là vay mượn, nói riêng là từ tổ “diễn biến hoà bình”. Đây là một sự thật.

Một cách tự nhiên, những người quan tâm có thể đặt câu hỏi: về phương diện từ nguyên, “diễn biến hoà bình” trong tiếng Việt từ đâu mà ra? Nếu xuất phát từ «мирная эволюция» (tiếng Nga) hoặc “peaceful evolution” (tiếng Anh), hẳn là phải có nhiều hơn một cách lựa chọn thuật ngữ Việt tương ứng: nó có thể là “chuyển hoá hoà bình”, “tiến hoá hoà bình”, “quá độ hoà bình”… Vậy tại sao “diễn biến hoà bình” lại được sử dụng nhất loạt và phổ biến đến như vậy trong các văn kiện công tác tư tưởng của đảng cộng sản như hiện nay?[7] Khi thâm nhập các báo chí điện tử chính thống của Trung Quốc, tôi đã tình cờ tìm được câu trả lời cho câu hỏi này. Dưới đây chỉ là một trong muôn một thí dụ:

Nguyên bản tiếng Trung Quốc:
自西方对社会主义国家实行“和平演变”以来,其“和平演变”的手段颇多,包括利用新闻媒介对社会主义国家搞“攻心战”,利用“人员往来”和书报影视向社会主义国家进行思想渗透,以经济援助为名,实施“鼓励改革”的策略,力图将社会主义国家纳入资本主义世界经济 体系,大力扶持亲西方的下一代。

Phiên âm Hán—Việt:
Tự Tây phương đối xã hội chủ nghĩa quốc gia thực hành “hoà bình diễn biến” dĩ lai, kỳ “hoà bình diễn biến” đích thủ đoạn pha đa, bao quát lợi dụng tân văn môi giới đối xã hội chủ nghĩa quốc gia cảo “công tâm chiến”, lợi dụng “nhân viên vãng lai” hoà thư báo ảnh thị hướng xã hội chủ nghĩa quốc gia tiến hành tư tưởng thẩm thấu, dĩ kinh tế viện trợ vi danh, thực thi “cổ lệ cải cách” đích sách lược, lực đồ tương xã hội chủ nghĩa quốc gia nạp nhập tư bản chủ nghĩa thế giới kinh tế thể hệ, đại lực phù trì thân Tây phương đích hạ nhất đại.

Tạm dịch:
Từ khi phương Tây thực hành “diễn biến hoà bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa cho đến nay, những thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của chúng hết sức đa dạng, bao gồm: lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng để làm “công tâm chiến” (= “chiến tranh đánh vào lòng người” — La Thành), lợi dụng việc trao đổi nhân sự và sách báo phim ảnh để tiến hành thẩm thấu tư tưởng, mượn danh nghĩa viện trợ kinh tế để thực thi sách lược khuyến khích cải cách, rắp tâm áp đặt các thể chế kinh tế của thế giới tư bản chủ nghĩa, ra sức phò trợ cho đám đồ đệ thân phương Tây.[8]


Thì ra, “diễn biến hoà bình” là sự Việt hoá trực tiếp “hoà-bình diễn-biến” (“和平演变”) của tiếng Trung Quốc, chỉ đơn thuần bằng cách đảo lại trật tự từ cho phù hợp với văn phạm tiếng Việt. Chúng ta lại có thêm một dẫn chứng nữa về ảnh hưởng liên tục và trực tiếp của Trung Cộng[9] lên toàn bộ nền chính trị đương cuộc ở Việt Nam hiện nay.

F. Engels nói “ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy”. Còn S. Johnson nói “ngôn ngữ là y phục của tư tưởng”. Như vậy, sự vay mượn ngôn từ thực chất là vay mượn tư tưởng. Hiện tượng vay mượn ngôn ngữ, tư tưởng, kiến thức trong lịch sử loài người là một hiện tượng hoàn toàn bình thường và rất phổ biến. Sự vay mượn này, trong một phương thức và ý nghĩa tốt đẹp của nó, sẽ góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ và văn hoá của bên đi vay mượn, giúp tiết kiệm được thời gian và công sức tự trải nghiệm và phát kiến. Bản thân sự vay mượn có thể là một sáng tạo nếu nó kèm theo một sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn của bên đi vay mượn, và/hoặc kèm theo một sự phát triển về trình độ. Tuy nhiên, ở người Việt, trong suốt lịch sử của mình, sự vay mượn các tư tưởng chính trị và các thiết chế chính trị hầu hết chỉ là máy móc dập khuôn chứ không kinh qua tìm hiểu thấu đáo và áp dụng sáng tạo. Bộ máy nhà nước phong kiến xưa kia và tư tưởng trị quốc đặt nền tảng trên Nho giáo (đạo Khổng) là một thí dụ. Chế độ chuyên quyền toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay và ý thức hệ Marx-Lenin là một thí dụ nữa. Những “copy” cơ giới và giáo điều này đã và đang cản trở và/hoặc làm chậm bước tiến của quốc gia / dân tộc Việt chúng ta.

Thời gian gần đây, trong khi ở Liên Xô và Đông Âu chủ nghĩa xã hội hiện thực với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu (còn gọi là mô hình kinh tế xta-lin-nít) đã sụp đổ để nhường đường cho các nền chính trị dân chủ - đa nguyên và nền kinh tế thị trường tự do, thì ở Trung Quốc và Việt Nam, các đảng cộng sản ở đây lại nỗ lực quắp chặt lấy nhà nước chuyên chế toàn trị, đồng thời “chữa cháy” nền kinh tế quan liêu trước kia bằng một khái niệm quái thai mệnh danh là “kinh tế thị trường [định hướng] xã hội chủ nghĩa”, thực chất là một thứ chủ nghĩa tư bản man dại, vô chính phủ. Trong thực tiễn của những cái gọi là “cải cách” ở Trung Quốc và “đổi mới” ở Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn đóng vai một kẻ theo đuôi tận tuỵ, học mót học lỏi nhiệt thành những ý tư và kế sách Trung Quốc, và cả hai giới cầm quyền của hai nước đều đang đẩy quốc gia và dân tộc mình đi trên con đường phiêu lưu về chính trị và kinh tế, tàn phá các cơ cấu xã hội và tài nguyên môi trường.


3. Thói quen đổ lỗi cho nguyên nhân bên ngoài

Ở Trung Quốc, ngay từ thời Mao Trạch Đông, khái niệm “diễn biến hoà bình” đã được sử dụng rất linh hoạt và thuận tiện để phục vụ cho “công tác tư tưởng” của đảng toàn trị. Trong trích đoạn sau đây, lấy từ bộ “sách đỏ” Mao Trạch Đông tuyển tập nổi tiếng, Mao đã cảnh báo đảng cộng sản Trung Quốc về một nguy cơ bị chuyển hoá mà ông ta cho là âm mưu của “chủ nghĩa đế quốc”:

Nhìn vào những chuyển biến đang diễn ra ở Liên Xô[10], các nhà tiên tri của chủ nghĩa đế quốc đang đặt cược hy vọng vào một “diễn biến hoà bình” ở thế hệ thứ ba hoặc thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta cần phải làm tiêu tan những tiên đoán đế quốc chủ nghĩa này. Chúng ta, từ cơ quan cao nhất cho tới quần chúng bình thường, khắp mọi nơi cần phải chú trọng việc giáo dục và rèn luyện lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng.[11]


Khi Mao viết những dòng này, Khrushchev đang cầm quyền ở Liên Xô, với những cải cách mà Mao phê phán là “xét lại”. Mao đã không thể sống đến ngày nay để được nhìn thấy ở trên đất nước ông, các hậu bối của ông đã đưa Trung Quốc đi xa hơn Khrushchev như thế nào.

Trong một tình huống khác, “diễn biến hoà bình” đã được Đặng Tiểu Bình dùng để hù doạ và lôi kéo các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thuộc “thế giới thứ ba”. Bình luận về cuộc đàm phán Mỹ—Xô về giải trừ quân bị trong cuộc hội kiến với Cựu Tổng thống Tanzania J. K. Nyerere ngày 23-11-1989, Đặng đã phát biểu:

Hai bên Xô—Mỹ hội đàm, xu thế giải trừ quân bị tiến triển tốt, chúng tôi bày tỏ vui mừng. Tôi hy vọng chiến tranh lạnh kết thúc, nhưng hiện nay tôi lại cảm thấy thất vọng. Có vẻ như một cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc, trong khi hai cuộc chiến tranh lạnh khác lại đã bắt đầu: một cuộc chiến nhằm vào toàn bộ [các quốc gia] phương Nam — thế giới thứ ba, cuộc chiến kia nhằm vào chủ nghĩa xã hội. Các nước phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba không có khói súng. Cuộc chiến không khói súng tôi đang nói đến chính là ước muốn cho các nước xã hội chủ nghĩa diễn biến hoà bình.[12]


Thông qua lời phát biểu này, người ta còn thấy Đặng Tiểu Bình — người đã từng đội mũ cao-bồi trên truyền hình New York, đã từng là tác giả của châm ngôn đầy thực dụng “mèo không quan trọng trắng hay đen, quý ở chỗ bắt được chuột”, và đã từng quả quyết “mở cửa” để lục địa Trung Hoa phát triển chủ nghĩa tư bản (dưới chiêu bài “chủ nghĩa xã hội thị trường mang đặc trưng Trung Quốc”) — ở đây, trước một đại diện của thế giới thứ ba đã tỏ ra có lập trường đầy cứng rắn và cừu địch với thế giới phương Tây. Mâu thuẫn một cách thản nhiên và hai mặt một cách ngạo ngược là tính cách phổ biến của các lãnh tụ độc tài cộng sản.

Ở trích đoạn nêu trong phần 2 của bài viết này, “diễn biến hoà bình” được sử dụng để răn đe cảnh cáo mọi hoạt động dân sự của xã hội. Còn trong thí dụ sau đây, người ta đã biện minh khéo léo cho một sai lầm tày trời trong quá khứ của “lãnh tụ tối cao” họ Mao, nhân thể tán tụng luôn “tầm nhìn xa” của nhân vật lịch sử này thông qua khái niệm “diễn biến hoà bình”:

Mao Trạch Đông từng lấy “cách mạng văn hoá” làm biện pháp chủ yếu để ngăn chặn diễn biến hoà bình, vô tình đã phạm phải sai lầm. Nhưng sau khi Mao qua đời được hơn mười năm, trước thực tế Liên Xô giải thể và Đông Âu đại biến, người ta càng không thể không thán phục tầm nhìn xa của Mao Trạch Đông.[13]


Ở Việt Nam, sự thuận tiện của khái niệm này dường như mới chỉ được cỗ máy tuyên truyền của đảng cộng sản nhận ra và viện đến trong thời gian mươi năm trở lại đây. Trước kia, để bao biện cho những yếu kém tồi dở của chế độ, người ta gói ghém mọi lỗi lầm rồi ném tuốt vào cái sọt rác mang nhãn “tàn dư chế độ cũ”, “hậu quả của chiến tranh”. Giờ đây, khi mà cả chế độ cũ lẫn chiến tranh đều đã lùi “hơi bị xa” để có thể cào mặt bắt đền, “diễn biến hoà bình” trở thành kẻ thủ ác vạn năng để đổ lỗi / lên án và để răn đe dân chúng “hai trong một”, vừa tiện dụng lại vừa đủ trừu tượng để khó bị kiểm chứng và phản biện.

Cách đây ít ngày, Nguyễn Phú Trọng, người được coi là “nhà lý luận hàng đầu” hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam với chức danh “chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương” của đảng này (ngoài chức danh uỷ viên Bộ chính trị), vừa tung ra một bài viết nhan đề Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay, được đăng tải trên các trang liên mạng chính thống Tạp chí Cộng sản, Đảng cộng sản Việt Nam. Trong bài viết của mình, ông Trọng đã 14—15 lần nhắc tới các thuật ngữ “diễn biến hoà bình”, “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình”, “cách mạng nhung”, “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”, v.v… như là những “nguy cơ” đang đe doạ sự nghiệp “cách mạng” của đảng đương quyền từ phía “các thế lực thù địch”. Dưới đây là một vài trích đoạn từ bài viết này:

Một số người cầm đầu nước Mỹ đã nhiều lần công khai tuyên bố rằng, đối với Việt Nam, Mỹ đã thua trong chiến tranh, bây giờ phải làm mọi cách thắng trong hòa bình; đã thua trên chiến trường bây giờ phải thắng trên thị trường; chừng nào chưa xóa bỏ được chủ nghĩa xã hội thì Mỹ vẫn cho đó là chưa hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh ý thức hệ.

[…] Họ tiến công ta mạnh mẽ về tưởng và văn hóa, ra sức xuyên tạc lịch sử, truyền bá các quan điểm sai trái, làm rối loạn tư tưởng, khủng hoảng niềm tin, coi đây là mũi nhọn thọc sâu, tạo ra sự chống đối từ nội bộ xã hội ta, để phá ta từ bên trong phá ra. Thông qua các tổ chức phi chính phủ, qua các hình thức giao lưu, hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học… để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, làm chuyển hóa tư tưởng, chuyển hoá chính trị, mua chuộc cán bộ, cài cắm nội gián; móc nối với những người bất mãn, cơ hội chính trị, những người nắm được bí mật quốc gia. Tìm cách can thiệp cho một số người ra nước ngoài dự hội thảo, học tập; đưa giáo viên và lưu học sinh nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu, tiếp xúc, giao lưu… với những mục đích đen tối.

Lợi dụng các hoạt động tôn giáo, dân tộc để can thiệp và nội bộ ta; lợi dụng các diễn đàn công khai (hội nghị, hội thảo) để tuyên truyền “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, tuyên truyền quan điểm cá nhân ích kỷ, lối sống thực dụng, suy đồi; vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền để tạo cớ can thiệp vào nước ta.

[…] Kích động, chia rẽ nội bộ, tung ra luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia, nội bộ mất dân chủ, mất đoàn kết. Bịa đặt xuyên tạc lịch sử, đòi “lật án”, vu cáo, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, kể cả cua Hồ […][14]


Như vậy, theo Nguyễn Phú Trọng thì tất cả những hiện tượng đang nhiễu loạn đảng ông, nhiễu loạn xã hội Việt Nam do đảng ông toàn phần cai trị như “rối loạn tư tưởng”, “khủng hoảng niềm tin”, “quan điểm cá nhân ích kỷ”, “lối sống thực dụng, suy đồi”, “nội bộ chia rẽ, mất dân chủ, mất đoàn kết”, v.v… đều là hệ quả của cái mà ông gọi là “chiến lược diễn biến hoà bình” do “các thế lực thù địch” tiến hành, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Ông cũng làm như các lãnh tụ đảng ông xưa nay thảy đều trong sáng, lịch sử đảng ông tự thuỷ chí chung không một mảy may tì vết và đang bị “các thế lực thù địch” “bôi nhọ, vu cáo, xuyên tạc”. Tóm lại, mọi bất cập hiện nay của chế độ đều do các nguyên nhân bên ngoài. Quý độc giả đã nhận ra sự thuận tiện của khái niệm “diễn biến hoà bình” dưới ngòi bút của ông Phú Trọng và các cán bộ tuyên huấn của đảng ông ta hay chưa?

Đương nhiên, sự đổ vấy đổ vá này là bịp bợm và mâu thuẫn, như tôi đã chỉ ra trong một phần bài viết trước của mình.[15]

4. Sự chống đỡ vô nghĩa và tuyệt vọng

Việc hô hào “chống diễn biến hoà bình” của Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo chóp bu đảng cộng sản Việt Nam là vô nghĩa và tuyệt vọng. Nó vô nghĩa bởi bộ phận trung ương của đảng cộng sản đã “tự diễn biến hoà bình” từ rất lâu rồi: tập đoàn cầm quyền hiện nay thực chất là một nhóm tài phiệt - lưu manh chính trị đã thoán quyền lãnh đạo đảng của những người cộng sản, chúng chẳng có mối liên hệ nào về lý tưởng với chủ nghĩa cộng sản hết trừ sự mạo danh người cộng sản. Còn nó tuyệt vọng, bởi một sự quá độ hoà bình, bất bạo động về một nền dân chủ - đa nguyên đang thực sự diễn ra và không thể đảo ngược; đây là sự chuyển dịch nội tại ngay trong lòng chế độ hiện nay và được thúc đẩy bởi chính các lực lượng trong cuộc, chứ không cần đến một sự can thiệp trực tiếp nào từ bên ngoài.

Trong bài viết đã dẫn của Nguyễn Phú Trọng, vị tác giả đương chức “trùm lý luận” của đảng cộng sản than phiền:

Công tác tư tưởng, tuyên truyền giáo dục chưa thường xuyên, chưa kịp thời, tính chiến đấu chưa cao. Báo chí còn thiếu những bài đấu tranh trực diện sắc sảo, có sức thuyết phục. […] Cần nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong hoạt động lý luận, đấu tranh kịp thời với các luận điểm phản tuyên truyền của các thế lực thù địch.[16]


Đọc những dòng trên, người ta hiểu rằng ông Trọng đang chê trách đám chuyên gia công tác tư tưởng của đảng ông đã không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Tuy nhiên, bản thân bài viết của ông lại cho thấy ông cũng chẳng hơn gì thuộc cấp. Phú Trọng chê bai các tuyên truyền viên cộng sản không sắc sảo, trong khi suốt bài viết dài 4 nghìn rưởi chữ của ông người ta không hề thấy bóng dáng một lập luận nào — cho dù là một lập luận “lưỡi gỗ” — mà chỉ thấy rặt những mệnh đề phán đoán đơn lập kiểu nhồi sọ, hô hào suông. Phú Trọng trách cứ báo chí chính thống thiếu sức thuyết phục, trong khi văn phong bài viết của ông được tổ thành bởi hầu hết là những câu vô nhân xưng hoặc mệnh lệnh thức — cả hai loại câu này đều vắng mặt chủ ngữ —, một thứ “văn phong lãnh đạo”; bố cục bài viết thì lộn xộn; mọi lời dẫn trực tiếp (hay có vẻ là lời dẫn trực tiếp, tức các đoạn văn được tác giả cho vào trong cặp ngoặc kép) đều không có tham chiếu đến văn kiện nguồn để người đọc có thể kiểm tra tính xác thực của dẫn liệu.

Thực ra, sự cùn nhụt và vô dụng của guồng máy tuyên truyền cộng sản là một tất yếu khách quan, bất khả chữa trị. Nếu “sắc sảo” là năng lực nhận thức thực tại — bao gồm cả năng lực tự nhận thức — một cách chân xác, thì bộ máy công tác tư tưởng của đảng cộng sản sắc sảo làm sao được khi mà chính các lãnh tụ của đảng này thường xuyên né tránh những sai lầm khuyết điểm của đảng và của chính mình, thường xuyên tìm cách quy trách nhiệm những yếu kém tồi dở của bản thân cho những nguyên nhân giả tưởng bên ngoài được định danh bằng “diễn biến hoà bình”? Và nếu “thuyết phục” là khả năng gây dựng và xác lập niềm tin thì hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản ngày nay còn có thể thuyết phục nổi ai, khi mà thực tiễn “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đã, đang và ngày càng phản bội, ngày càng sỉ nhục lại cái học thuyết luôn luôn được viện dẫn để biện hộ cho nó? Hơn nữa, những người sắc sảo luôn luôn là những người có tự do lý trí; và những người có sức thuyết phục tất phải là những người trong sáng, mẫu mực và có lý tưởng. Guồng máy tuyên huấn của đảng cộng sản, với những nỗ lực toàn trị về tư tưởng của nó, đã giam hãm cưỡng bức không gian tinh thần của mọi đảng viên cộng sản — không loại trừ các lãnh tụ đảng — vào một đường lối tư duy khô cứng, bất di bất dịch, và đã trừng phạt khốc liệt mọi ý kiến phản biện, bất đồng: về bản chất, nó thực sự đã là một cỗ máy tàn sát sự sắc sảo. Đội ngũ những người cộng sản thì lâu nay đã thực sự bị phân hoá và tha hoá; tầng lớp trên của đội ngũ này — những kẻ có địa vị và quyền lực — tuyệt đại đa số là những tham quan ô lại đã hoàn toàn “ngồi xổm” lên mọi lý tưởng, trừ lý tưởng làm giàu bẳng mọi phương tiện có thể: hình ảnh người cộng sản ngày nay chỉ còn đồng nghĩa với chủ nghĩa cơ hội vật chất tầm thường, phản thuyết phục. Từ tất cả những sự thật này, mọi gắng gượng tuyên truyền, “làm công tác tư tưởng” của đảng cộng sản vào lúc này — trong những ngày tháng tàn mạt của chế độ — chỉ có thể là sự nhồi sọ thô thiển.

Sự hô hào “chống diễn biến hoà bình” của Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng liêu và thuộc cấp của ông ta đang là một sự nhồi sọ như thế. Và đây chính là lý do vì sao quý độc giả của e-ThongLuan đã bày tỏ một cách thành thực rằng anh “hoàn toàn không hiểu cái từ diễn biến hoà bình là gì”: với tư cách là đối tượng của một sự tuyên truyền, người ta không thể thấu hiểu cái mà người ta bị nhồi sọ; người ta chỉ có thể giác ngộ những điều người ta được thuyết phục mà thôi.

Cách đây ít ngày, Nguyễn Phú Trọng, người được coi là “nhà lý luận hàng đầu” hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam với chức danh “chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương” của đảng này (ngoài chức danh uỷ viên Bộ chính trị), vừa tung ra một bài viết nhan đề Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay do nguyên tổng bí thư đảng Đỗ Mười đứng tên tác giả. Sự xuất hiện của bài báo này gây chú ý trước hết bởi những yếu tố bên ngoài nội dung của nó. Thứ nhất, chắc chắn rằng Đỗ Mười đã không viết bài báo này: như thường lệ, một (hoặc một nhóm) thư lại nào đó đã viết ra nó nhân danh ông. Nghe nói thời trẻ, người thanh niên Nguyễn Duy Cống (tên thật của Đỗ Mười) đã phải học cầm dao hoạn lợn trước khi học cầm bút. Sau này, trong suốt “cuộc đời cách mạng” của mình, ông có cầm bút thường xuyên hơn song chỉ để ký tên chứ chưa từng để viết văn kiện bao giờ. Thứ hai, dư luận cho rằng “nhóm Đỗ Mười” tung ra bài viết này chẳng qua chỉ để “đập lại” một series bài viết trước đó — với những ý kiến ít nhiều cởi mở và hoá giải chủ nghĩa bảo thủ — của “nhóm Võ Văn Kiệt”. Về nội dung, giống như bài viết của Nguyễn Phú Trọng, bài viết của “Đỗ Mười” cũng hoàn toàn không có gì đặc biệt ngoài những phán đoán và lập luận nhồi sọ theo cùng một motif. Tuy nhiên, liên quan đến chủ đề đang được thảo luận có thể nhặt ra trích đoạn sau đây:

[…] Ngày nay, sau 15 năm kể từ khi Liên Xô tan vỡ, càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc thực thi một đường lối cải tổ sai lầm không tách rời sự tác động vô cùng nham hiểm của các thế lực quốc tế thù địch chủ nghĩa xã hội, thù địch Liên Xô. Những bằng chứng ấy trước hết xuất phát từ cửa miệng một số chính khách và các học giả tư sản, các cơ quan tình báo và các cơ quan quyền lực của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội đã dày công tạo dựng, cổ vũ, kích động cuồng nhiệt cho việc thực thi đường lối cải tổ sai lầm bằng cả thủ đoạn chính trị, tinh thần, tư tưởng, lý luận, tổ chức và sức mạnh tài chính…

Như vậy, thì việc Liên Xô tan vỡ không mảy may xuất phát từ bản chất của chủ nghĩa xã hội, do đó không mảy may biện minh cho việc từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cho việc chuyển hướng, đổi mầu chế độ […][17]


“Đường lối cải tổ sai lầm” mà nhóm Đỗ Mười ám chỉ ở đây chính là cải cách chính trị. Thông điệp mà bài viết của nhóm Đỗ Mười muốn gửi đến các lực lượng dân chủ là bác bỏ dân chủ và đa nguyên chính trị, chỉ cho phép những “đổi mới” kinh tế nửa vời không gắn với cải cách chính trị để tiếp tục duy trì nền chuyên chế đảng-cộng-sản-trị, hiện đang do tập đoàn Đỗ Mười — Lê Đức Anh kiểm soát. Cũng giống như bài viết của Nguyễn Phú Trọng, bài viết của nhóm Đỗ Mười không hề đưa ra được bất cứ dẫn chứng hay nguồn dẫn liệu nào để chứng minh cho luận điểm về sự can thiệp từ bên ngoài trong sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết. Những khẳng định như trong trích đoạn nêu trên là thuần tuý áp đặt và nhồi sọ.

Những ai đã theo dõi và chứng kiến một cách khách quan những ngày tháng lâm chung của Liên Xô đều có chung một nhận định rằng: chính giai cấp thống trị trong đảng cộng sản Liên Xô chứ không ai khác đã tự đặt mìn dưới chân tường của chế độ xô-viết, và sự hình thành giai cấp thống trị này là một kết cuộc tất yếu, có tiền đề nằm ngay trong bản chất của chủ nghĩa toàn trị bolshevik. Được hưởng vô số đặc quyền đặc lợi do địa vị chính trị của bản thân và gia đình mang lại, giới tinh hoa thống trị xô-viết một mặt liên kết với nhau vì lợi ích chung, mặt khác tập hợp lại trong những phe nhóm khác nhau, tranh giành nhau địa vị, ảnh hưởng và những quyền lợi riêng.

Vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hầu hết các đại diện của giai cấp thống trị xô-viết đã trở nên hoàn toàn xa lạ với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Sự bất công và băng hoại đạo đức được khuếch đại, các mâu thuẫn xã hội tích tụ và bùng nổ, nền kinh tế đi từ trì trệ đến sa sút không kiểm soát nổi: cải cách chính trị, với tư cách là giải pháp cấp bách duy nhất để giải quyết các mâu thuẫn trong lòng xã hội xô-viết ở thời điểm đó, đã trở thành điểm cuối tất yếu của lịch sử Liên Xô đồng thời là điểm khởi đầu tốt đẹp cho một nền dân chủ - đa nguyên trong không gian chính trị xô-viết trước đây.

Chế độ cộng sản ở các nước thuộc khối xô-viết đã tự “nuốt chửng” chính nó. Cả Liên Xô cũ, cả các quốc gia Đông Âu đều đã chia tay với chủ nghĩa cộng sản theo cùng một cách: các đảng cộng sản cầm quyền đã buông rời chính quyền — trong những diễn biến thực sự hoà bình — mà không có bất cứ một can thiệp nào từ bên ngoài hoặc sự nổi dậy nào từ bên trong. Đó là những cuộc “cách mạng từ bên trên” (“revolution from above”) đúng nghĩa. “Diễn biến hoà bình” về cơ bản là “tự diễn biến hoà bình”, các yếu tố bên ngoài chỉ đóng vai trò cục diện và bối cảnh.

Những điều vừa được mô tả lại hoàn toàn tương đồng với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam. Và như vậy, một “diễn biến hoà bình” tương tự sẽ đến và dường như đang đến, không phải như một sản phẩm nhập cảng, mà ngay từ trong lòng chế độ.

Hẳn nhiên, bên cạnh nỗi lo sợ phải từ bỏ quyền lực nhà nước trước một “diễn biến hoà bình” đang gần đến, giai cấp thống trị còn có những lý do khác để không ngừng la lối và tru tréo. Hãy thử hình dung, một chế độ được xây dựng bằng bạo lực, bằng sự hy sinh của hàng triệu sinh mạng theo những nguyên lý “vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí” (Karl Marx) và “chính quyền đẻ ra từ họng súng” (Mao Trạch Đông) nhưng lại cáo chung trong hoà bình: đó là một bẽ bàng vĩ đại trước lịch sử của một học thuyết xã hội mang đậm đặc trưng tôn giáo cùng những tín đồ của nó. Thêm vào đó, cũng bởi ra đời từ bạo lực và được duy trì nhờ bạo lực, chế độ toàn trị cộng sản hoàn toàn xa lạ với hoà bình như một lựa chọn ứng xử để giải quyết các xung đột chính trị.

Đối với tuyệt đại đa số nhân dân bị tước đoạt và hạn chế tự do từ bao lâu nay, “diễn biến hoà bình” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. “Diễn biến hoà bình” là một cuộc chuyển dời đến tự do mang tầm vóc lịch sử và chứa đựng hai yếu tố: sự tiến hoá và sự từ chối bạo lực. Tiến hoá từ sự chuyên quyền độc tài lên nền dân chủ - đa nguyên (chừng nào mà phương thức tổ chức xã hội này còn chưa bị loài người vượt qua) là hành trình lịch sử tất yếu của xã hội. Còn hoà bình và bác bỏ bạo lực là một chuẩn mực đạo đức của thời đại: sự sống hoà bình của con người cùng mọi giá trị do sự sống ấy tạo ra cần phải được tôn trọng và bảo vệ, không thể bị đe doạ hoặc loại trừ dù với bất cứ lý do gì, dù trong nhất thời hay trong trường hạn. Chống lại “diễn biến hoà bình” là toan tính đi ngược lại một tất yếu lịch sử của xã hội và đặt lại một chuẩn mực đạo đức của thời đại.

Cuối cùng, “diễn biến hoà bình” còn là sự dịch chuyển từ lạc hậu và tăm tối sang tiến bộ và khai sáng. Chống lại “diễn biến hoà bình” là sự chống lại của Dốt Nát đối với Trí Tuệ.

Mọi chống đỡ này là tuyệt vọng.

Moskva, 10.11.2005
La Thành


[1] Sự trượt nghĩa này của từ “đảng”, cùng với sự hình thành từ nửa thế kỷ nay một lô thuật ngữ chính trị đặc thù khác và cả cách diễn đạt đặc thù trên hiện trường ngôn ngữ tiếng Việt đương đại đã gây nên một hiện tượng văn hoá méo mó tạm gọi là hiện tượng “đảng phiệt hoá ngôn ngữ”. Những cách dùng từ và cách nói như “quần chúng Nguyễn Văn A” (để chỉ một người chưa phải là đảng viên cộng sản, trong khi quần chúng vốn là danh từ chỉ số đông), “nâng cao quan điểm” (để chỉ sự quy kết, “chụp mũ” đối thủ trong đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lợi) quả là những hiện tượng ngôn ngữ quái gở.

[2] Ngoài sự phụ thuộc vào tình huống, hiện tượng dịch chuyển ngữ nghĩa còn diễn ra theo thời gian. Một thí dụ, từ “giáo sư” trong tiếng Việt cho đến nửa cuối thế kỷ trước (trước 1954 ở miền Bắc và trước 1975 ở miền Nam) vẫn dùng để chỉ người làm nghề dạy học nói chung, đặc biệt là dạy học ở bậc trung học và đại học. Ngày nay, nội hàm của từ “giáo sư” đã thu hẹp lại, chỉ còn ứng với những người đã được nhà nước (cộng sản) chính thức phong tặng danh hiệu này như một hàm cấp học thuật (học hàm). Người làm nghề dạy học nói chung được gọi là “giáo viên”, “thầy giáo”, “cô giáo”.

[3] Giáo sư kinh tế David Kotz và ký giả Fred Weir, hai đồng tác giả của cuốn sách Revolution from Above: The Demise of the Soviet System (“Cách mạng từ bên trên: sự cáo chung của hệ thống xô-viết”), Routledge, 1997.

[5] Human Rights Watch, VIETNAM: Human Rights Developments, HRW Report 1995.

[6] Nguyễn Phú Trọng, Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay, Tạp chí Cộng sản, tháng 11-2005

[7] Độc giả có thể “tham quan” các web site Đảng cộng sản Việt Nam hoặc Tạp chí Cộng sản để tạm hình dung được tần suất sử dụng của “diễn biến hoà bình” trong các văn kiện tuyên truyền của đảng này hiện nay.
[8] 美国如何“和平演变”中国 (摘自“中国问题报告”,2002年6月修订版),www.china.org.cn。 (Mỹ quốc như hà “hoà bình diễn biến” Trung quốc [Hoa Kỳ thực hiện “diễn biến hoà bình” đối với Trung Quốc như thế nào], trích từ “Trung quốc vấn đề báo cáo” [“Báo cáo trọng điểm về Trung Quốc”], bản tu đính tháng 6-2002, web site www.china.org.cn)

[9] Ở Việt Nam, có thể nhiều người vẫn cho rằng những từ như “Trung Cộng”, “Việt Cộng” là cách gọi của “phe quốc gia” dành cho những người cộng sản ở Trung Quốc hay Việt Nam, với ngữ sắc không thiện cảm. Thực ra, “Trung Cộng” hoàn toàn là một tổ từ chính thống của Trung Quốc, và là phương án gọi tắt của “Trung-quốc Cộng-sản-đảng”. Từ “Việt Cộng” rất có thể đã được sáng tạo ra (bởi phe quốc gia?) như một tương tự của từ “Trung Cộng”.

[10] Thời gian này, ở Liên Xô Nikita Khrushchev lên cầm quyền, chủ trương “thi đua hoà bình” với các nước tư bản phương Tây. Mao và đảng CS Trung Quốc lên án Khrushchev là “xét lại”, thoả hiệp với chủ nghĩa đế quốc và phản bội phong trào cộng sản.

[11] Mao Zedong, Quotations, Chapter 29: Cadres, Marxists Internet Archive: Reference Writers — branch “Mao Zedong”.

[12] 邓小平,“坚持社会主义,防止和平演变”,www.ccyl.org.cn,1989年11月23日。 (Đặng Tiểu Bình, “Kiên trì xã hội chủ nghĩa, phòng chỉ hoà bình diễn biến” [“Kiên trì chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn diễn biến hoà bình”], phát biểu trong cuộc hội kiến với Cựu Tổng thống Tanzania Julius Kambarage Nyerere ngày 23-11-1989, web site www.ccyl.org.cn.)

[13] “毛泽东预言:美国可能对中国实行和平演变, http://www.chinaelections.org/ ,2005年8月29日。 (Mao Trạch Đông dự ngôn: Mỹ quốc khả năng đối Trung quốc thực hành hoà bình diễn biến [Mao Trạch Đông dự báo: Hoa Kỳ có thể thực hiện diễn biến hoà bình đối với Trung Quốc], web site www.chinaelections.org, 29-8-2005.)

[14] Nguyễn Phú Trọng, tài liệu đã dẫn.

[15] La Thành, Sự nghèo đói tự cưỡng bức của tư tưởng chính trị ở Việt Nam (Phần II), Thông Luận, 23/10/2005 ( talawas, 8.10.2005).

[16] Nguyễn Phú Trọng, tài liệu đã dẫn.

[17] Đỗ Mười, Về định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong xây dựng đất nước ta hiện nay, Nhân Dân, 4-11-2005..

CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ CỦA ĐẤT NƯỚC:
NGUY CƠ VÀ SỰ THỨC TỈNH
Bùi Tín

Thời sự trong nước đang sôi nổi. Rất là lắm chuyện. Các câu lạc bộ Ba đình, Quân nhân, Lao động, Thanh niên ... bàn luận. Vỉa hè kháo nhau và đánh cá. Việt nam ta sắp vào WTO hay chưa ? Tân thủ tướng sẽ là ai ? Khoan hay Dũng ? tổng bí thư sẽ là ai ? Mạnh hay Triết ? Hồ Cẩm Đào nhập Việt mưu chuyện gì ? cúm gia cầm bộc phát, thuốc đủ không ? dự luật đầu tư và dự luật chống tham nhũng ở Quốc hội càng bàn càng thêm nát ! Quốc hội bị ép nuốt viên đắng của Đại hội X...

Tại ai ?

Đến nay có thể khẳng định việc VN vào Tổ chức thương mại thế giới TWO trong năm nay thế là trượt. Năm ngoái các quan chức từng hẹn sẽ vào trong năm 2005, vào những ngày cuối năm, đã lỡ tàu. Năm nay, họ hô khẩu hiệu quyết tâm từ đầu năm, ông Nguyễn văn An còn hứa Quốc hội sẽ họp ngày họp đêm để thông qua đủ số luật cần thiết. Ông Khải vái đủ các hướng để cầu xin sự ủng hộ của các quốc gia và ai cũng gật đầu. Mọi sự đang thuận lợi, mọi người đang lạc quan thì đùng một cái : tin từ Gieneve, từ Washington, từ New York đều báo : chưa ! khó lắm ! vì phía VN vẫn thiếu luật phù hợp, vì vấn đề thuế vẫn ngang và ngược, vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn mù mờ, vì các ngân hàng VN vẫn không giống ai, vấn đề sở hữu đất và nhà vẫn rắc rối, giải thích tuỳ tiện. Chỉ còn vài tuần lễ đến cuộc họp lớn ở Hồng Kông rồi, có vắt chân lên cổ cũng không kịp, vì đọng lại toàn xương xẩu hóc búa.

Thế là từ phó thủ tướng Vũ Khoan đến thứ trưởng thương mại Lương văn Tự và đại diện ở Gieneve Ngô Quang Xuân đổ vấy lỗi cho phía Mỹ : Mỹ thiếu thiện chí, Mỹ kiếm chuyện, bắt bí, Mỹ hết gây trở ngại này đến trở ngại khác, buộc đại sứ Marine phải nói rõ rằng sự chậm trễ hoàn toàn là do phía VN chưa hiểu thật rõ và chưa chuẩn bị đầy đủ theo các luật lệ trong buôn bán quốc tế. Các quan chức VN trong trường hợp này đã khôn ngoan – hay gian ngoan - ứng dụng câu châm ngôn:

Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài đảng ta

Thật là : chí lý ... đến... hết xảy ! Mọi thất bại cứ việc đổ vấy cho Trời và cho Mỹ..., còn mọi thành tích đều vơ vào cho mình.

Đâm đầu vào bụi rậm

VN trượt vào WTO năm nay, ông Vũ Khoan cay cú đến độ ‘’dỗi ‘’, thôi không đặt mức dự kiến khi nào thì vào nữa, như đến khoảng giữa năm hay cuối năm 2006. Cả quốc hội ỉu xìu. Nhưng vẫn có kẻ mừng. Những kẻ này như mở cờ trong bụng. Cờ gì vậy ? Xin thưa : cờ đỏ 5 ngôi sao vàng. Họ là những kẻ như Nguyễn Phú Trọng ( nhớ lại câu vè vỉa hè thủ đô : giàu như Phú, lú như Trọng, lật lọng như Nghiên - là bộ 3 của Hànội, như Trần Đình Hoan, như Nguyễn Khoa Điềm... từng phê phán chuyến đi ‘’nhục nhã, mất lập trường’’ của thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ, quyết ngăn chặn mọi sự xích gần lại với các nước tư bản phương Tây, và luôn chủ trương keo sơn gắn chặt với Bắc kinh. Mừng rơn hơn ai hết là cặp bài trùng Anh + Mười, nỗi mừng được nhân lên khi Hồ Cẩm Đào Nam hạ nhập Việt, mang lại sự ủng hộ quý cho cánh quan lại giáo điều, bảo thủ cổ hủ nhất trong bộ chính trị đang có nguy cơ bị cô lập trong đảng, bị vạch mặt trong xã hội, đúng vào lúc Đại hội X toàn quốc tới gần.

Họ Hồ vớ bở, đến Hànội đúng vào lúc quan hệ Việt - Mỹ bị trục trặc : ‘’cái mũ lừa‘’ nhân quyền CPC chưa được gỡ bỏ, cánh cổng vào WTO vẫn bị khoá chặt. Họ Hồ nắm thời cơ, cao giọng ‘’huấn thị’’ cho quốc hội VN giữa hội trường Ba Đình rằng chủ nghĩa xã hội là chất keo gắn chặt 2 nước Việt-Trung, rao bán thuốc ê ‘’nền dân chủ pháp quyền độc đảng mang màu sắc Trung Quốc’’; 7 văn kiện hợp tác Việt – Trung được ký kết mau lẹ, trong đó có hợp tác khai thác dầu cùng khí đốt và TQ cung cấp điện quy mô lớn cho VN. Đó là xiềng xích tinh thần và vật chất ngáng trở đất nước hoà nhập thật sự với thế giới văn minh. Đòn hiểm rất cao tay: kềm giữ VN trong cảnh cô lập và lạc hậu để buộc chặt như vệ tinh.

Thế là chuyện ngược chiều đã xảy ra. Lẽ ra các vị lãnh đạo đất nước phải thấy rõ hơn ai hết nguy cơ của đất nước là quá ư lạc hậu về chính trị, cần cải tiến gấp luật pháp theo hướng dân chủ, minh bạch, cởi mở để mau hoà nhập và rút ngắn khoảng cách với thế giới tiến bộ; họ lại để cho nhóm độc đoán, giáo điều, bảo thủ nhất trong bộ chính trị, theo lệnh của 2 ‘’thái thượng hoàng‘’ Mười+Anh – tuy không còn chút quyền lực nào - dùng quyền uy của công cụ tình báo gian manh ‘’Tổng cục 2‘’ do Bắc kinh đỡ đầu, ép buộc bộ chính trị nhu nhược quay ngoặt lại 180° về phía sau, nghĩa là đâm đầu vào bụi rậm! Triển vọng tiến bộ và hoà nhập ít ỏi mở ra qua chuyến Mỹ du của ông Khải và ông Khoan có cơ tan thành mây khói, cuộc đổi mới rụt rè chậm chạp có nguy cơ trở về nơi xuất phát gần 20 năm trước, trong sự ngao ngán chưng hửng của đông đảo nhân dân.

Tột cùng!

Đã vậy, Quốc hội một tuần nay phơi bày trước xã hội một tình hình bê bết đến tột cùng. Dự luật đầu tư sửa đi sửa lại vẫn bất cập! Thư của 3 phòng thương mại Úc, EU và Mỹ ở Hànội cùng phê phán sự kém cỏi của dự thảo là gáo nước lạnh rùng mình. Dự luật chống tham nhũng chỉ làm trò cười. Ai cầm trịch thi hành luật này? Thủ tướng, hay cả chính phủ, hay quốc hội, hay Ủy ban quốc gia đặc trách chống tham nhũng, hay hệ thống kiểm tra, kiểm sát và tư pháp, hay toàn dân? Niềm tin ở luật của xã hội, của cả các ông nghị là con số không. Chỉ riêng 4 lần ra nghị quyết về khai báo tài sản riêng mà không một ai động đậy đủ thấy Luật chỉ là trò đùa! Dưới chờ trên làm gương, trên ‘’nhã nhặn’’ nhường dưới đi trước; tổng bí thư ‘’khiêm tốn’’, bộ chính trị ‘’khiêm tốn’’, cả trung ương ‘’khiêm tốn’’... nhường bước thì toàn đảng bất động, và tham nhũng... muôn năm!

Xin mời cựu tổng bí thư Đỗ Mười đi trước khai về một triệu đôla Mỹ do các nhà tư bản Đại Hàn biếu tặng - như chính báo Nhân Dân trót tiết lộ (chưa kể các lần khác), và thực hiện đúng quy định của đảng là mọi quà biếu của nước ngoài có giá trị trên 200 đô đều phải quy công và cho vào ngân sách chung. Nhưng cụ Đỗ Mười vẫn thản nhiên, giả ngễnh ngãng, ngậm miệng ăn tiền. Gương ‘’sáng’’ của cụ được đàn em theo sát.

Quốc hội dự định tăng tiền học phí trong khi các nhà giáo dục Hoàng Tuỵ, Hồ Ngọc Nhuận ...(trừ bộ trưởng giáo dục) đều vạch rõ rằng chế độ đã thể chế hoá nền giáo dục tiểu học là phổ cập và hoàn toàn miễn phí, do đó quyết định tăng học phí là vi hiến, phạm pháp; đa số dân nông thôn, thành thị không gánh nổi học phí cho con; chỉ cần bớt tham nhũng đi đôi chút là có thể thực hiện giáo dục miễn phí cả tiểu học và trung học trong toàn quốc ! Quốc hội coi thường hiến pháp thì ...hết cỡ !

Cả quốc hội sững sờ khi đại biểu tỉnh Bắc Giang báo cáo tỷ mỷ rằng chi phí làm đường ở VN bị ăn hớt, chia chác, nguyên liệu bị móc ruột, đền bù bị ăn chặn đến độ kinh hoàng : có nơi 1 kilômét đường tốn đến 750 tỷ đồng VN hay 40 triệu đôla Mỹ, trong khi chi phí trung bình của thế giới chỉ là 5 đến 8 triệu đôla là cao nhất. Một đại biểu trong cơ quan thanh tra tài chính cũng làm cả quốc hội ngẩn ngơ và các nhà báo lè lưỡi khi báo rằng nền kinh tế VN từ sản xuất, kinh doanh đến làm dịch vụ, phải chi ra 5 đồng mới thu được 1 đồng lãi ! Sự phi lý đã đến tột cùng !

Quốc hội lặng hẳn đi khi bộ tài nguyên và môi trường báo cáo có đến 70 ngàn đơn khiếu kiện về vấn đề nhà và đất ! Khối vị giật mình, vì hiếm có vị quyền cao chức trọng nào không chấm mút chút ít ‘’vàng nâu ‘’, chiếm hữu vài villa, nhà cửa, vài chục, vài trăm mét vuông đất với giá bèo bọt qua ‘’hóa giá‘’ nhập nhèm, phi pháp.

Ở bất cứ một nước dân chủ nào, với những thành tích bất hảo đến vậy thì hàng loạt bộ trưởng như giáo dục, giao thông, xây dựng, kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên đã bị thải hồi và truy tố từ rất lâu. Ở VN, mọi sự phi lý nhất đều bình thường !

Cho nên phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, người chịu trách nhiệm chính về công nghiệp, dầu khí, giao thông, xây dựng - toàn là những ngành bê bối nhất, chuyên ném tỷ tỷ tiền quốc gia qua cửa sổ, chui vào túi lũ lĩ tham quan ô lại, sắp lên thay ông Khải làm thủ tướng; không phải vì có tài, chẳng phải vì có đức, chỉ vì ông lọt được vào đôi mắt nâu của ‘’hoàng đế đỏ’’ Hồ Cẩm Đào. Đây là lời bàn ở vỉa hè Hànội mấy ngày qua. Nghe mà đau và nhục tột cùng cho đất nước.

Ai phản bội ai ?

Trong bức tranh toàn cảnh ảm đạm như trên, le lói một nét son. Đó là thành tich ‘’xóa đói giảm nghèo‘’ được ‘’cả thế giới ca ngợi‘’, được ‘’Liên Hợp Quốc tặng cờ, bằng khen và nêu gương sáng !’’. Oách chưa ! Tôi hỏi một nhà văn từ Hànội sang châu Âu: đúng chăng? Anh nhún vai: ‘’un grand bluff !‘’ – trò đại bịp ! Anh giải thích: 30 năm hoà bình, 20 năm đổi mới, sản xuất bật dậy sau chiến tranh. Dầu mỏ, khí đốt, gạo, càphê, hạt tiêu, hát điều, tôm cá, xuất khẩu...tăng đều đặn đáng kể. Nếu của cải ăn nên làm ra ấy [nhờ chiến tranh kết thúc, nhân dân được xây dựng hoà bình ] lại được phân phối công bằng, những người trực tiếp đổ mồ hôi, công sức được thu nhập tương xứng như ở mọi nước dân chủ có luật nghiêm, quản lý xã hội tốt, thì đông đảo dân lao động ta đâu có nghèo khổ như hiện nay! Các quan chức dựa vào đặc quyền và độc quyền của đảng để ngang nhiên vơ vét tài sản xã hội. Họ dùng chữ ‘’múc‘’ , tài sản chung như một cái thùng vô tận dành riêng cho mọi tầng lớp quan chức đảng hè nhau múc vào chậu riêng, hối hả múc theo quyền hành và chức vụ. Họ chỉ chừa lại chút cặn bã để thí cho dân lao động và viên chức thấp ngoài đảng đủ sống nheo nhóc. Cho nên mức sống dân nông thôn được cải thiện theo tốc độ xe bò, dân thành thị theo tốc độ xe đạp, còn các quan chức đảng theo tốc độ xe ô tô, và các đại gia tư bản đỏ, đại địa chủ đỏ liên minh với mafia đỏ thì phất lên theo tốc độ máy bay phản lực. Thực chất xoá đói giảm nghèo là thế.

Chưa bao giờ hố chia cách giàu nghèo mở rộng toang hoác như thời chủ nghĩa xã hội quái gở này. Thực dân, địa chủ, đại tư sản xưa chỉ là chim chích so với họ. Cái trò các quan chức cầm phong bì góp cho kẻ nghèo, nạn nhân bão lụt, chất độc da cam là hoàn toàn ‘’giả đạo đức ‘’, kiểu bọn đầu trộm đuôi cướp sau khi trúng quả khoác áo nhà từ thiện thí cho người ăn mày vài ba đồng xu còm.

Quốc hội đang họp còn được ‘’lệnh‘’ góp ý cho các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội X. Để xem các vị dân biểu vẫn sẽ ra sức bốc thơm đảng để ăn tiền hay có ai thật là ‘’do dân, của dân và vì dân ‘’ không. Đến nay bộ chính trị tỏ ra rất thiếu văn hoá và thiếu giáo dục (tôi xin lỗi nếu có ai phật lòng, nhưng tôi đã cân nhắc hơn một tháng để dùng các từ này) vì họ từng gửi các dự thảo xin được góp ý, vậy mà mọi sự góp ý của cụ Hai Xô, cụ Bảy Cống, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng Lê Văn Hiền, nhà nghiên cứu Đặng Quốc Bảo, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tiến sỹ Phan Đình Diệu, giáo sư Trần Văn Hà, cựu chiến binh Trần Đại Sơn, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà lão thành Nguyễn Đoàn, nhà ngoại giao Nguyễn Trung ...và hàng mấy ngàn nhân vật khác đều bị bỏ ngoài tai, đều bị ém nhẹm, và cái dự thảo cuối cùng các đại hội đảng cấp tỉnh/thành bị ép buộc phải nuốt chửng còn giáo điều, bảo thủ hơn cả dự thảo ban đầu công bố hồi tháng giêng 2005. Yêu cầu đóng góp ý kiến vẫn chỉ là trò hề, một khiêu khích nhảm nhí, trò ‘’xin đểu’’ buộc ai cũng phải ‘’gật ‘’.

Nếu thật lòng nghe ý dân, xin quý vị chịu khó nghe đây: đảng CS đã sa sút, biến chất, xuống dốc, đổ đốn, đã thành đảng ‘’cộng đớp ‘’, ‘’cộng mút ‘’, đã thoái hoá, mất tính chất tiền phong, mất tư cách lãnh đạo, trở thành vật cản nguy hiểm cho lịch sử dân tộc. Xin hỏi 14 vị trong bộ chính trị: các vị thực hiện phương châm ‘’lo trước cái lo và hưởng sau cái hưởng của thiên hạ, của đồng bào’’,’’ nguyện một lòng một dạ làm người đầy tớ trung thành của nhân dân‘’ ra sao ?. Xin hỏi có ai trong 14 vị không là siêu tỷ phú tiền đồng, không là triệu phú đôla? Và tiền trong tủ két riêng của quý vị, bao nhiêu là tiền lương hợp pháp, còn lại bao nhiêu là của nả - vàng, kim cương, đôla - bất minh? nếu còn lương tâm cách mạng trong và sạch, ắt phải hòan trả lại cho nhân dân cho xã hội. Tham nhũng cực lớn, cướp đất, cướp nhà của dân đều là đảng viên CS cả; tiền của dân do đảng viên CS ‘’múc ‘’, cướp đoạt có thể làm hàng chục nghìn cây số đường cao tốc chất lượng cao, hàng trăm trường đại học hiện đại, hàng nghìn bệnh viện lớn... Hàng chục triệu người dân nghĩ như vậy đó. Cứ trưng cầu ý dân mà xem.

Nếu nhân dân thật sự là chủ - ông chủ chân chính nghiêm minh, và có quyền lực, thì ông chủ đã thải hồi, đã tống cổ bọn đầy tớ phản trắc ra khỏi cửa, hoặc điệu chúng ra trước vành móng ngựa của toà án để hỏi tội từ lâu rồi ! Ai phản bội ai ? Ai ‘’tột cùng phản bội ‘’, xin được hỏi Duy Hoàng và báo Nhân Dân một lần nữa.

Rồi sao?

Tôi tin tuyệt đối ở nhân dân, ở đồng bào của tôi, ở tuổi trẻ nước ta. Mỗi khi tổ quốc lâm nguy, cả dân tộc vươn dậy. Cuối tháng 9-1945, quân thực dân Anh - Ấn mở cuộc tấn công ở Nam Bộ, bà con ta vùng dậy với súng ống, dao mác, gậy tầm vông. Cuối năm 1946, quân viễn chinh Pháp nổ súng giữa thủ đô, người Hànội hào hoa lập chiến luỹ ngăn chặn xe tăng địch, bắn tỉa rồi lập trung đoàn Thủ đô, sau là Sư đoàn Thủ đô, chiến đấu bền bỉ. Đầu năm 1979, bọn bành trướng bá quyền cộng sản Trung quốc tràn vào 6 tỉnh phía bắc, giáng trả quân thù phương Bắc phần lớn là do dân quân và bộ đội địa phương, 15 sư đoàn chính quy mới có 3 sư đoàn vào trận, còn lại thì nấp yên ở phòng tuyến sông Cầu, vậy mà bọn xâm lược đã phải rút quân.

Tất cả vấn đề hiện nay là thông tin, là truyền thông chính xác, là thức tỉnh mọi tấm lòng yêu nước thương dân, là rung chuông báo động về nguy cơ nghiêm trọng của đất nước. Đảng cộng sản hiện đang sa vào khủng hoảng nội bộ, vốn liếng chính trị của đảng cs trước đây là niềm tin của nhân dân vào đảng được gây dựng do tuyên truyền mỵ dân, do cưỡng đoạt hào quang của cái gọi là ‘’chiến tranh giải phóng’’; đến nay cái vốn chính trị - tinh thần ấy đã tiêu tan rồi. Chỉ còn nỗi sợ, nỗi sợ cường quyền áp chế bằng các công cụ : công an, nhà tù, bộ máy tư tưởng và văn hoá kiểu cường hào phát xít, truyền thông mỵ dân và lừa dối thành cố tật. Trong thời mở cửa và hội nhập quốc tế, nỗi sợ dai dẳng đã giảm đi trông thấy, được thay thế dần bởi can trường của cả một lớp người dám dựa vào luật pháp, vào công luận trong nước và quốc tế để công khai thách thức quyền lực bất công và phi nhân tính. Một lớp thanh niên thông minh tuấn tú đầy công tâm và nghị lực đang trỗi dậy, gắn mình với thời đại, bật lên ngang tầm với nguy cơ của thách thức. Họ đã nhận ra những người bạn quý Phương Nam - Đỗ Nam Hải, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn... là những gương sáng cần cổ võ, bảo vệ và tiếp bước theo.

Đảng Cộng sản đang có phân liệt lớn. Nhiều đảng viên cộng sản bỏ đảng, hay nhạt đảng, hay chẳng buồn sinh hoạt đảng nữa. Họ là những con người biết suy nghĩ, có lương tâm và tự trọng. Họ biết xấu hổ, biết sỉ nhục khi nước mất độc lập, khi bị ngoại bang khống chế, chiếm dù chỉ chút ít lãnh thổ, lãnh hải, huống hồ khi chúng ngoặm một miếng đến chục nghìn cây số vuông. Thời mở cửa, họ hiểu rõ thế giới tiến đến đâu về văn hoá, luật pháp, tự do, dân chủ, nhân quyền và quyền công dân cũng như mức phát triển và sự công khai minh bạch trong cuộc sống văn minh.

Do thái độ không còn mê tín đảng nên mới có hiện tượng 2 nhà văn tên tuổi khá vang trong nước là Đỗ Mạnh Tuấn và Trần Mạnh Hảo tranh luận với nhau công khai trên mạng, khoe với thiên hạ rằng ‘’tôi dám quay lưng lại với đảng trước ông nhiều’’, ‘’tôi phê phán và chê đảng mạnh mẽ hơn ông nhiều’’ và chính ông mới từng đóng vai bẩn thỉu của ‘’cái capốt rách ‘’ của đảng ! Thế chính trị của đảng nhẹ tênh đến độ trong cuộc họp bàn tròn do đảng uỷ triệu tập, nhà phê bình Lại Nguyên Ân dám nói toạc ra rằng về mặt tổ chức cái gì một cũng dở, từ một nhà xuất bản văn học, một tạp chí văn học, một hội nhà văn, một kiểu phê bình chính thống, quan phương, một bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, cho đến độc quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất thì cũng chỉ tự dẫn đến lạc hậu, thoái hóa, biến chất. Cũng không phải ngẫu nhiên mà đi đến Đại hội X, yêu cầu, kiến nghị, đòi hỏi thực hiện dân chủ đa nguyên, đa đảng là một chính kiến được đưa ra nhiều nhất, mạnh nhất, từ trí thức, nhà chính trị, văn hoá, quân sự, kinh tế đến tôn giáo, ngoại giao và người dân thường.

Việc nhúm lãnh đạo ‘’phản chủ’’, để cho quyền uy MA (Mười + Anh) xỏ mũi, kéo cả cỗ xe bộ chính trị nhu nhược đâm đầu vào bụi rậm, vâng lời thiên triều thực hiện nền dân chủ pháp quyền độc đảng mang màu sắc Trung Quốc là quốc nạn cấp bách nhất, nghiêm trọng nhất hiện nay. Việc Nguyễn Khoa Điềm hối hả trưng gấp cuốn sách Đại tướng Lê Đức Anh và bài báo của Đỗ Mười ‘’ Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đất nước ta hiện nay ‘’ - có 52 lần nhắc đến chủ nghĩa xã hội và hơn 10 lần nêu tên ông Marx, - in trang trọng trên báo Nhân Dân đúng lúc Hồ Cẩm Đào ở Hànội là sự khiêu khích thô bạo mọi người Việt nam yêu nước, phản bội các liệt sỹ từng hy sinh bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải Tổ quốc; họ tự tách nhúm quan lại u mê lú lẫn vì đặc quyền đặc lợi khỏi số đông đảng viên cộng sản ở cơ sở bị họ khinh thị, bỏ rơi và đè đầu chà đạp không chút tình nghĩa. Dân và cả các đảng viên bình thường hết chịu nổi sự khiêu khích ngang ngược đến vậy !

Cuộc họp Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 13 và Đại hội đảng cấp tỉnh/thành và của các ngành sắp tới là thước đo ‘’sức khoẻ ‘’ chính trị - tinh thần của đảng CS giữa nguy cơ nghiêm trọng của đất nước.

Đảng Cộng sản bị phá hoại rã rời từ bên trong, lại từ trên chóp bu xuống,- thế mới đau hơn là bị hoạn, nay toàn thân tê liệt, chỉ chờ ngày bị phân huỷ chăng ?

Hay là nó vẫn còn có sức đề kháng; những cán bộ đảng viên lành mạnh thức thời có ý thức dân tộc và thời đại, nhận rõ tầm vóc của nguy cơ và nguy cơ đến từ đâu, khẩn trương tụ họp lại, liên kết với các chiến sỹ dân chủ trong sáng và gan góc, dựa vào lòng dân luôn hướng thiện để xoay chuyển tình thế, cùng toàn dân trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh đổi mới toàn diện, mở ra kỷ nguyên dân chủ đa nguyên đa đảng lành mạnh, hoà nhập hẳn vào trào lưu hoà bình, dân chủ, pháp quyền và phát triển của thời đại văn minh.

Nhóm phản dân hại nước bảo thù và giáo điều lũng đoạn nền chính trị nước ta 20 năm ròng là quá đáng rồi; đảng cộng sản ôm mối nhục để cho 2 kẻ bất lương lý lịch mờ ám lộng hành đến 3 khoá Đại hội toàn quốc là quá sức tưởng tượng rồi ! Tấm lòng Việt nam trong mỗi con người Việt nam chân chính hãy bật dậy và hành động. Hơn bao giờ hết câu hát vang lên đầy ý nghĩa lúc này :

Dậy mà đi ! Dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi! (Nguyễn Xuân Tân, Dậy mà đi)

Paris-11/2005

Bùi Tín Võ Xuân Minh

"...Đợt cải cách ruộng đất đẫm máu trong các năm 1955-1956 do chính quyền cộng sản phát động đã có bao nhiêu nạn nhân ? Câu hỏi nhức nhối này đã được đặt ra từ hơn nửa thế kỷ nay và chỉ có những giả thuyết rất khác nhau từ những chức sắc cộng sản. Có người đưa con số 20.000, có người 50.000, có người nói chỉ có vài ngàn và cũng có người nói số nạn nhân có thể lên đến hơn nửa triệu. Gần đây người ta vừa có được câu trả lời chính xác nhất : 172.008 người, trong đó sau này có 123.266 người (nghĩa là 71,66%) được chính thức xác nhận là oan...."

172008 NẠN NHÂN TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Võ Xuân Minh


Đợt cải cách ruộng đất đẫm máu trong các năm 1955-1956 do chính quyền cộng sản phát động đã có bao nhiêu nạn nhân ? Câu hỏi nhức nhối này đã được đặt ra từ hơn nửa thế kỷ nay và chỉ có những giả thuyết rất khác nhau từ những chức sắc cộng sản. Có người đưa con số 20.000, có người 50.000, có người nói chỉ có vài ngàn và cũng có người nói số nạn nhân có thể lên đến hơn nửa triệu. Gần đây người ta vừa có được câu trả lời chính xác nhất : 172.008 người, trong đó sau này có 123.266 người (nghĩa là 71,66%) được chính thức xác nhận là oan.

Con số này được ghi trong một tài liệu được biên soạn rất công phu, in ấn rất thẫm mỹ nhưng có lẽ ít ai đọc : Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản. Có lẽ vì rất ít người đọc nên con số rất quan trọng này chưa được ai nhắc lại.

Trước hết là một câu hỏi : con số 172.008 này là những người bị giết hay là những người bị đem xét xử ? Tài liệu không nói rõ, nhưng giả thuyết đúng nhất vẫn là những người bị giết vì ít nhất ba lý do :

1. Tài liệu nói rằng đợt cải cách được thực hiện tại 3.563 xã với mười triệu dân và tỷ lệ được qui định trước là 5,68% (trang 85, tập II), một con số tùy tiện nhưng lại có dáng dấp như kết quả của một tính toán rất chính xác. Tỷ lệ này được các cai đội cải cách ruộng đất thi hành một cách máy móc, vì tài liệu nói các xã cố "truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một qui định bắt buộc" (trang 86, Tập II). Nếu như vậy, tổng số người bị xét xử phải trên 500.000 người chứ không phải 172.008 người.

2. Không có, hay chỉ có rất ít, người bị xử án tù, vì ngay sau năm 1956 đợt cải cách ruộng đất đã bị coi là một sai lầm. Cũng không thấy tài liệu nào nói đến trường hợp những người bị đem xét xử được trắng án hay bị xử tử cả. Như vậy, phải hiểu rằng đã có khoảng 586.000 người bị xét xử, trong đó 172.008 người bị giết, những người khác đã bị hành hạ và sau đó được tha trong chính sách sửa sai.

3. Có một mâu thuẫn lớn giữa bản thống kê và báo cáo của bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam tháng 10-1956 về số đảng viên bị xét xử. Theo bảng thống kê thì tổng số nạn nhân "thuộc thành phần kháng chiến" là 586 người (trong đó có 290 người sau đó được coi là oan), trong khi theo báo cáo của bộ chính trị thì tổng số đảng viên bị "xử trí" lên tới 84.000 người. Đây là một sai biệt quá lớn. Như vậy phải hiểu rằng nạn nhân của bảng thống kê là những người đã bị giết. Bản báo cáo cũng ghi nhận : "hàng vạn đảng viên có nhiều công lao bị xử oan, phải chịu những nhục hình rất tàn khốc dã man". Như vậy rõ ràng con số 586 người "thuộc thành phần kháng chiến" bị giết chứ không phải bị "xử trí" hay bắt giam, con số 172.008 nạn nhân ghi trong bảng thống kê là những người bị giết.

Về thành phần của con số 172.008 nạn nhân này, bảng thống kê ghi như sau : Địa chủ cường hào gian ác : 26.453 người, trong đó 20.493 người bị oan (77,4%). Địa chủ thường : 82.777 người, trong đó 51.480 người bị oan (62%). Địa chủ kháng chiến : 586 người, trong đó 290 bị oan (49%). Phú nông : 62.192 người, trong đó 51.003 người bị oan (82%). Tổng cộng : 172.008 nạn nhân, trong đó 123.266 người bị oan : 71,66%.

Cũng cần lưu ý rằng đây chỉ là những nạn nhân thuộc thành phần nông dân. Ngoài ra còn có một đợt cải tạo "tư sản mại bản" cũng đẫm máu không kém nhưng số nạn nhân ít hơn vì giới buôn bán chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Đợt cải cách ruộng đất này là một cuộc thảm sát hàng loạt và một tội ác đối với loài người theo công ước quốc tế, vì một trong những tội ác đối với loài người được qui định rõ ràng là hành hạ, ngược đãi hoặc giết một số người vì thành phần xã hội, tín ngưỡng hoặc quan điểm của họ.

Sau tội ác kinh khủng và được chính đảng cộng sản nhìn nhận này, các thủ phạm đã bị xử lý ra sao ?

Trường Chinh từ chức tổng bí thư đảng nhưng vẫn ở lại bộ chính trị, làm chủ tịch quốc hội, sau đó làm chủ tịch nước và tổng bí thư đảng, lúc chết được quốc táng. Lê Văn Lương, mất chức trong bộ chính trị và ban bí thư đảng, nhưng sau đó được vào trở lại bộ chính trị kiêm bí thư thành ủy Hà Nội. Hồ Viết Thắng từ chức khỏi ban chấp hành trung ương đảng. Hoàng Quốc Việt, một cấp lãnh đạo chủ chốt của đợt cải cách ruộng đất, được chuyển qua làm chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc. Tố Hữu, trưởng ban tuyên truyền trung ương và là một cổ động viên điên cuồng cho tội ác này, từng viết những câu thơ ghê rợn như : "Giết, giết nữa bàn tay không chút nghỉ ; Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong", tiếp tục được lên chức. Sau này, khi đã về già, Tố Hữu viết trong hồi ký (xuất bản năm 2000) như sau : "Không thể kể hết những cảnh tượng bi thảm mà những người bị qui oan là địa chủ, ác bá phải chịu đựng ở những nơi được phát động", nhưng không nói gì đến những người "không bị qui oan". Các cán bộ lau nhau của các đội cải cách ruộng đất dĩ nhiên không hề gì.

Tập Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 này dự trù gồm ba tập. Tập I (662 trang) viết về giai đoạn 1945-1954, tập II (1.177 trang) nói về giai đoạn 1955-1975 và tập III, chưa hoàn tất về giai đoạn 1975-2000. Tất cả mọi người Việt Nam muốn thực sự hiểu biết về sự chuyển động của xã hội Việt Nam trong một nửa thế kỷ vừa qua bắt buộc phải đọc tài liệu này. Người ta có thể tìm thấy hầu như tất cả những gì mình muốn tìm hiểu về cả các diễn biến chính trị lẫn những nhân vật lãnh đạo cộng sản Việt Nam trong giai đoạn cải cách ruộng đất. Đúng là một kho tài liệu vô giá.

Các tác giả là những trí thức có tầm cỡ lớn tại Việt Nam hiện nay. Có những nhận định mà một số đông người không thể chia sẻ (thí dụ như cho rằng những người trách nhiệm trong đợït cải cách ruộng đất đã bị chế tài đích đáng) nhưng trong các sự kiện họ đã tỏ ra rất trung thực. Một lý do nữa để cần phải mua, và mua ngay, tập tài liệu này vì nó đã chỉ được phép in ấn và phát hành nhờ sự lơ đãng của các cấp lãnh đạo cộng sản. Tài liệu này rất có thể sẽ bị tịch thu, nhất là sau bài viết này.


Võ Xuân Minh

Chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền và chân lý lịch sửTiêu Dao Bảo Cự

Thời gian gần đây có hai sự việc được nhà cầm quyền phát động và tuyên truyền rầm rộ cả trong và ngoài nước là vụ kiện chất độc màu da cam và việc công bố nhật ký thời chiến tranh của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm.

Điều đặc biệt là các vụ việc này lại do những người nước ngoài khởi phát (trừ nhật nhật ký Nguyễn Văn Thạc) và nhà cầm quyền đã nắm lấy cơ hội đó, một cơ hội bằng vàng, để tiến hành một đợt tuyên truyền rầm rộ quy mô chưa từng thấy, tác động lớn đến dư luận. Mục đích sâu xa của việc tuyên truyền này, xét kỹ, chính là để một lần nữa, giành lấy chính nghĩa về phần mình trong cuộc chiến đã qua và củng cố vai trò thống trị hiện nay. Qua đây ta cũng thấy được trình độ bậc thầy của những người cộng sản trong nghệ thuật tuyên truyền.

Bản thân các sự việc không đơn thuần một chiều, một ý nghĩa như việc tuyên truyền áp đặt nhưng những người không suy nghĩ sâu sa dễ dàng tin tưởng, tán thành, ngược lại nếu có ai đó nói khác đi, lập tức bị chụp mũ là đứng về phía tội ác, phản bội lại tổ quốc, nhân dân.

Không ai chối cãi việc sử dụng chất độc màu da cam để tàn phá môi trường, hủy hoại con người là tội ác. Không những là tội ác mà còn là tội ác lớn, làm chấn động lương tri nhân loại, nhất là khi di hại của nó còn kéo dài qua nhiều thế hệ với những hình hài dị tật, những đau khổ triền miên làm cho bất cứ ai có lòng nhân ái khi chứng kiến cũng phải căm hận và rơi nước mắt. Và người ta tự hỏi: Vì sao tội ác?

Theo luật lệ nào đó, người ta đang đi kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc màu da cam để đòi bồi thường. Nhưng bình tâm xét kỹ, các công ty này không trực tiếp gây ra tội ác. Dĩ nhiên khi tội ác xảy ra thì các công ty này nằm trong dây chuyền tạo ra tội ác. Nếu cho rằng các tập đoàn tư bản đứng đằng sau các chính quyền Mỹ mới thực sự chi phối chính sách của chính quyền thì họ chính là nguồn cội của tội ác, tuy nhiên vẫn không phải là trực tiếp.

Rõ ràng trực tiếp gây ra tội ác là quân đội Mỹ, trực tiếp hơn nữa là các phi công đã lái máy bay đi rải chất độc này (dù có khi họ không biết rõ nơi họ đã hành động, cũng như nhiều phi công thả bom B52 đã nói họ không thấy gì bên dưới, họ chỉ tính tọa độ trên bản đồ và bấm nút. Dĩ nhiên không phải vì thế mà trách nhiệm và tội ác của họ được miễn trừ).

Quân đội Mỹ không tự ý hành động mà thực hiện chính sách của chính quyền Mỹ. Tại sao chính quyền Mỹ lâm chiến ở Việt Nam sau khi hiệp định Genève được ký kết,chia đôi đất nước? Nếu không có cuộc chiến tranh giải phóng của miền Bắc, được chuẩn bị ngay từ năm 1954 khi cài cấy cán bộ ở lại và sau đó từng bước đưa vũ khí và quân đội vào miền Nam và cuộc chiến lan rộng thì Mỹ có trực tiếp đưa quân vào miền Nam không? Miền Nam có cần được giải phóng không khi lúc đó hai miền đều có chính quyền và do hoàn cảnh lịch sử đều có mức độ lệ thuộc nước ngoài không khác nhau là mấy và không thể nói là bị xâm lược? Nếu không có xâm lược thì không thể có chiến tranh giải phóng mà đó đích thực là nội chiến. Nội chiến kết với chiến tranh ủy nhiệm đã tạo ra chiến tranh xâm lược khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. (Thực ra vai trò của Liên Xô và Trung Quốc lúc đó đối với Miền Bắc không khác gì vai trò của Mỹ ở Miền Nam, nhưng vì Mỹ sai lầm trong việc đưa quân vào Việt Nam nên bị mang tiếng là xâm lược và đây cũng là nguyên chính đưa đến sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến tuyên truyền của những người cộng sản.)

Thống nhất đất nước là nguyện vọng sâu xa của mọi người dân nhưng thống nhất có nhất thiết phải bằng chiến tranh, một cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử đã làm cả dân tộc kiệt quệ và chia rẽ sâu sắc?

Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra và động chạm đến vấn đề cốt lõi: Vì sao cuộc chiến? Vì sao tội ác? Nếu không có cuộc chiến thì làm gì có tội ác, trong đó có tội ác chất độc màu da cam. Chất độc màu da cam chỉ là một yếu tố trong toàn bộ tội ác của cuộc chiến. Như vậy vụ kiện chất độc màu da cam, nếu đi đến cùng, không phải chỉ để đòi các công ty Mỹ bồi thường mà phải lên án tội ác chiến tranh của chính quyền Mỹ cũng như của tất cả các bên tham chiến.

Trong cuộc chiến tàn khốc vừa qua, dân tộc Việt Nam đã chịu bao nhiêu hi sinh máu xương, đau thương mất mát và cũng đã xuất hiện bao nhiêu người anh hùng, nhất là những người trẻ tuổi, trong đó có Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm. Họ là những người trẻ tuổi vô cùng trong sáng, yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của tổ quốc.

Đặc biệt hai cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm gây xúc động sâu xa vì được viết với một giọng văn tài hoa, trữ tình, hoặc giản dị, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, mô tả hiện thực cuộc chiến diễn ra ngay trước mắt từng ngày, đi vào những xúc động nội tâm chân thật, tinh tế đầy chất nhân văn chứ không hề lên gân, cường điệu. Người ta vô cùng khâm phục những con người như thế, không cần gì phải đợi ai tuyên truyền, tung hô. Họ viết nhật ký là viết cho chính họ, trong tâm tình riêng tư và chính vì thế sự chân thật càng tăng thêm giá trị.

Tuy nhiên đọc kỹ ta sẽ thấy sự chân thật, trong sáng của họ cũng đã bị nhiễm sắc tuyên truyền mà họ không tự biết. Khi họ tự hào về con người xã hội chủ nghĩa, về giác ngộ giai cấp, căm thù đế quốc Mỹ xâm lược, hăng hái đi vào chiến trường để giải phóng miền Nam… có lẽ họ không hề tự hỏi "Vì sao cuộc chiến?". Câu hỏi đó đã có sẵn câu trả lời qua công tác tuyên truyền cưỡng bức toàn thể xã hội của bộ máy toàn trị độc quyền chân lý. Dĩ nhiên ta không thể trách những người trẻ tuổi bị nhiễm độc tuyên truyền, vì trong hoàn cảnh đó họ không thể ý thức được và cũng không vì thế mà lòng yêu nước, sự trong sáng và xả thân hi sinh của họ kém đi giá trị.

Cũng không phải chỉ ở miền Bắc mới có những con người như thế. Ở miền Nam, dù không được “giác ngộ xã hội chủ nghĩa”, dù là thanh niên trí thức ở thành thị hay thanh niên nông thôn, biết bao người cũng đã lao vào cuộc chiến, có thể ở bên này hay bên kia chiến tuyến, ở chiến trận hay trên đường phố với lòng yêu nước nồng nàn và sự trong sáng phơi phới khi xả thân hi sinh không kém gì Nguyễn Văn Thạc hay Đặng Thùy Trâm, cụ thể là những thanh niên du kích ở Quảng Ngãi được mô tả rất nhiều trong nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chỉ có khác là thanh niên miền Nam có quyền lựa chọn, nhập ngũ hay trốn lính, tham chiến hay phản chiến, đứng bên này hay bên kia trận tuyến, tùy theo nhận thức của mình. Đó là sự khác biệt giữa “xã hội xã hội chủ nghĩa” của miền Bắc và “ xã hội tự do dân chủ tư sản” của miền Nam.

Cuộc chiến tàn khốc kết thúc với sự chiến thắng của miền Bắc, “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc” đã mang lại gì cho đất nước? Câu trả lời đã được nhiều người nói đến sau 30 năm: Một đất nước “tụt hậu” và xếp vào hạng gần chót trong cộng đồng nhân loại về ba mặt: nghèo đói, tham nhũng, thiếu tự do dân chủ và nhân quyền (đặc biệt về tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo).

Với kết quả như thế, tất yếu phải đặt lại vấn đề mục đích và ý nghĩa cuộc chiến. Sự hy sinh cao cả của hàng triệu thanh niên như Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm có xứng đáng không và đã bị phản bội như thế nào? Một câu hỏi rất đau lòng và sẽ gây rất nhiều sóng gió khi đi tìm câu trả lời thích đáng. Vậy nhưng người ta vẫn hô hào thanh niên phải cống hiến như ngày trước thế hệ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm đã cống hiến theo lời kêu gọi của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng thanh niên phải cống hiến cho đất nước nhưng cống hiến vì cái gì, như thế nào, đòi hỏi phải hết sức tỉnh táo để tránh không tự rơi vào bi kịch.

Những người bạn Mỹ Fred và Rob (xin được gọi tên tắt như gần đây báo chí vẫn viết) đã giữ gìn nhật ký Đặng Thùy Trâm suốt 30 năm, đã dằn vặt đau xót, phản tỉnh khi tham gia cuộc chiến và đã làm mọi việc hết sức mình để trả nhật ký về cố chủ. Chúng ta cám ơn và đánh giá cao tấm lòng, nhận thức của họ (cũng như người thông dịch Nguyễn Trung Hiếu của quân đội VNCH đã yêu cầu đừng đốt nhật ký Đặng Thùy Trâm). Chúng ta cũng ghi nhận chỉ có một đất nước như nước Mỹ mới cho phép công dân làm chuyện đó: tuyên truyền cho kẻ thù và lên án chính phủ mình. Nhưng chúng ta cũng tự hỏi và muốn hỏi hai người bạn Mỹ đã nhận thức được hết vấn đề chưa, vấn đề cốt lõi "Vì sao cuộc chiến? Vì sao tội ác?" để có thể công bình với lịch sử và công minh khi phán xét tội ác.

Chúng ta cũng ghi nhận sự thành tâm của những cựu binh Mỹ, Hàn Quốc… những kẻ đã giết người Việt Nam, trở lại Việt Nam để sám hối, nói lời xin lỗi và cố gắng làm việc gì đó mong đền bù dù muộn màng. Tuy nhiên trong cuộc chiến vừa qua, chính người Việt Nam đã giết người Việt Nam, giết đồng bào của mình nhiều nhất, nhưng không thấy ai nói lời xin lỗi, không thấy ai sám hối mà lại chỉ tiếp tục những lời lăng nhục hay hận thù. Buồn thay cho một dân tộc vẫn tự hào là bao dung và giàu lòng nhân ái! Điều gì đã dẫn tới bi kịch đó? Một phần chính là do nhiễm độc tuyên truyền. Nhiễm độc tuyên truyền gây hậu quả tệ hại không kém nhiễm độc màu da cam, cũng di hại qua nhiều thế hệ với bao nhiêu dị tật nguy hiểm trong tâm hồn con người.

Lịch sử đã đi qua, là quá khứ không thể thay đổi nhưng sự phán xét lại lịch sử không bao giờ muộn và vô ích khi muốn rút ra bài học cho tương lai. Người chiến thắng không phải bao giờ cũng là người có chân lý. Ông cha ta vẫn nói “Được là vua, thua là giặc”, không phải điều gì mới lạ.

Công bằng mà nói, với sự nỗ lực của toàn dân tộc trong thời bình, nhà cầm quyền cũng đã có nhiều cố gắng trong xây dựng đất nước, nhất là sau thời kỳ đổi mới, nhưng vì những chính sách sai lầm và quá nặng việc duy trì địa vị thống trị, dẫn đến những khuyết nhược điểm không thể khắc phục nên đã không huy động được tiềm lực của dân tộc, do đó kết quả sau 30 năm, dù với một số thành tựu, vẫn chỉ đạt tới kết quả xếp hàng gần chót như đã nêu trên.

Hơn lúc nào hết lúc này nhà cầm quyền phải thành tâm nhìn nhận lại vấn đề để sửa sai những gì cần phải sửa sai chứ không phải cứ tiếp tục luận điệu tuyên truyền cũ rích. Dù với một nghệ thuật tuyên truyền bậc thầy có thể đổi trắng thay đen, che đậy sự thật, nhưng rồi chân lý vẫn lộ ra khi chân lý không còn là độc quyền của thế lực thống trị và không chế độ nào có thể “thiên thu trường trị” như những lời hô "vạn tuế, muôn năm" trong lịch sử nghe đã chán ngấy.

Cuối cùng, người quyết định vận mệnh của đất nước vẫn là nhân dân. Khi nhân dân đã nhận thức được chân lý, nhân dân sẽ tự lựa chọn bước đi của mình trong lịch sử. Khi đó, không lực lượng thống trị nào, không nghệ thuật tuyên truyền nào có thể ngăn cản hay lèo lái bước đi của dân tộc.

Tiêu Dao Bảo Cự
Tháng 8-2005

Ghi chú: Quan điểm của người viết về vấn đề có lẽ đã được trình bày rất rõ ràng. Mong rằng sẽ không có ai ngộ nhận hay cố tình vu cáo, quy kết người viết là bênh vực cho tội ác màu da cam hay xúc phạm đến sự hi sinh của những Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, những liệt sĩ của cả hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến vừa qua.

No comments: