Wednesday, June 27, 2007

Chỉ có tự do ngôn luận mới thắng được độc tài!

Chỉ có tự do ngôn luận mới thắng được độc tài!
DỐC THƯỢNG


Người thanh niên thực thi
đúng tinh thần tự do ngôn luận
ở Little Saigon


°Nếu báo chí không được tự do, quyền ngôn luận không được độc lập và bị giới hạn, nếu đầu óc con người bị gông xiềng, hoặc bị bại liệt vì sự hãi, dù cho thể chế chính quyền nào mà anh đang sống, cũng vô ích, bởi vì anh là một đồ vật chớ không phải là một công dân.
William E. Borah

°Khi không có tự do ngôn luận, không một cuộc tìm kiếm sự thật nào có thể xảy ra; khi không có tự do ngôn luận, không có một phát hiện nào là hữu ích.
Charles Bradlaugh

Tại buổi tưởng niệm ngày 30 tháng 4, trong khuôn viên tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, một thanh niên tự mang biểu ngữ “Hãy vạch mặt bọn Việt gian Việt Weekly làm tay sai cho nhà nước cộng sản”. Đây là một thể hiện của tự do ngôn luận. Ở xã hội này sẽ không có ai bắt bớ làm khó dễ gì những người muốn tự lên tiếng như thế cả. Nhưng điểm đáng nói ở đây là nội dung của biểu ngữ này gán ghép tội danh “Việt gian, làm tay sai” một cách không có chứng cớ, mà thực chất chỉ vì phản đối việc Việt Weekly về Việt Nam làm phóng sự và trong đó có phỏng vấn một số quan chức trong chính quyền. Tức là anh ta đã dùng quyền tự do ngôn luận của mình để kêu gọi sự giới hạn quyền tự do ngôn luận của một cơ quan báo chí. Thậm chí, trong ngôn từ của tấm biểu ngữ ngầm có một sự xúi giục và đe dọa nữa.
Phóng viên của Việt Weekly có mặt tại hiện trường tôn trọng tiếng nói đó, đến phỏng vấn anh ta và đăng tải trên báo. Anh ta đã từ chối lên tiếng trên Việt Weekly. Hỗ trợ phụ họa cho anh ta, là một vài người, trong đó có người hăm dọa đòi đánh cả phóng viên của Việt Weekly. Đám đông cũng bàng quan, không bênh, không cản, có vẻ muốn xem hai bên phản ứng ra sao.
Thực ra, nếu việc có ẩu đả xảy ra, cũng chắc cho vui thôi chứ sẽ không có thương tích nặng nề, bởi vì nhân viên giữ gìn an ninh trật tự hiện diện khá nhiều. Nhưng, chuyện mang tầm ý nghĩa quan trọng về sự kiện này là vấn đề “tự do ngôn luận” đã vô tình xảy ra trong một tình huống chồng chéo hội tụ quá oái ăm.
Quần chúng tập họp, dùng quyền tự do ngôn luận được hiến pháp công nhận của xã hội này để lên tiếng đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngôn luận cho người dân Việt Nam. Việt Weekly cho rằng mình cũng có quyền tự do ngôn luận để về Việt Nam phỏng vấn các nhân vật trong chính quyền về các vấn đề mà cộng đồng quan tâm. Một số người trong đám đông cũng dùng quyền tự do ngôn luận của mình để cáo buộc rằng, Việt Weekly là tay sai cho nhà nước cộng sản, và ngầm đòi hỏi Việt Weekly phải giới hạn quyền tự do ngôn luận của mình bằng cách đừng làm như thế nữa.
Dĩ nhiên, tất cả, cũng chưa có ai làm điều gì vượt ra ngoài phạm vi “tự do ngôn luận” cả, trừ vụ đòi ẩu đả, nhưng đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, không đáng kể, và có thể coi như là không có. Nhưng quả tình là ý niệm “tự do ngôn luận” đang bị làm rối lên một cách không gỡ được. Nếu không hiểu một cách tường tận và có một thái độ rốt ráo với ý niệm “tự do ngôn luận”, làm sao chúng ta có thể đấu tranh để đòi tự do ngôn luận cho ai được?
Vậy hãy thử từ từ gỡ rối xem sao...
Trước hết hãy bắt đầu bằng nhận định rằng, hiện nay tình hình Việt Nam đang phát triển nhanh về nhiều mặt từ văn hóa, kinh tế cho đến chính trị, mà ai cũng muốn biết. Nếu không cho báo chí về Việt Nam để giúp lấy thông tin mang lại cho người đọc, ai sẽ làm công việc này?
Đồng ý cho báo chí về, nhưng làm sao biết được báo chí không nhận tiền của nhà nước Việt Nam để giúp tuyên truyền cho những mục tiêu của họ? Câu hỏi này thực ra, dẫn tới vấn đề ai sẽ là người sẽ giám sát báo chí?
Tập thể giám sát báo chí đầu tiên hết là người đọc, tuy nhiên, người đọc rải rác và không có tổ chức, làm sao sự đánh động của của một vài cá nhân người đọc có thể được nhiều người biết đến?
Vì thế cho nên, báo chí phải có mục “diễn đàn bạn đọc.” Và phải thật sự tôn trọng nguyên tắc phản ánh tất cả những luồng ý kiến khác nhau. Bạn đọc nếu không đăng được ý kiến của mình trong một tờ báo này, vẫn có thể đăng được ở những tờ báo khác.
Tập thể thứ hai, có tổ chức hơn, có kiến thức hơn và có phương tiện hơn, là tập thể báo chí và truyền thông. Họ có thể tự giám sát lẫn nhau một cách có hiệu quả. Để làm được điều đó, họ nên can đảm truy hô, phê bình nhau khi cần thiết.
Những suy luận trên dẫn tới những tập quán báo chí mới đối với cộng đồng Việt Nam , đó là độc giả nên mạnh dạn lên tiếng, báo chí phải có bổn phận đăng tải, và báo chí nên mạnh dạn giám sát lẫn nhau. Một khi đã có một nền tảng sinh hoạt báo chí như thế, việc vào “đất địch” để làm thông tin, không có gì là đáng sợ nữa, bởi vì sẽ không có việc “nhận tiền” mà không bị “nhận diện.”
Chính vì vậy cho nên Việt Weekly đã đi tiên phong trong việc tạo diễn đàn, và cam kết đăng tải ý kiến từ mọi phía, kể cả phía chống đối Việt Weekly. Chỉ có một cam kết rốt ráo như vậy mới bảo đảm được sự khả tín và sự tồn tại của diễn đàn đó.
Trở lại với một số vấn đề cụ thể, Việt Weekly vào Việt Nam và chấp nhận sự giới hạn của nhà nước Việt Nam để vẫn có thể thu thập được một số thông tin mới mẻ. Khi có dịp quan sát hoặc phỏng vấn, luôn luôn chủ động đặt câu hỏi, và đặt câu hỏi từ quan tâm của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Những thông tin khai thác được trong những hoàn cảnh giới hạn như thế, dĩ nhiên là chưa phản ánh được mọi khía cạnh của vấn đề, nhưng ít nhất là mang lại cho người đọc gần với sự thật hơn.
Một số người có ý kiến rằng Việt Weekly đăng hình có tượng Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm là có tính cách tuyên truyền cho cộng sản. Cụ thể đó là tấm hình chụp khuôn viên phòng tiếp khách, nơi phóng viên Việt Weekly phỏng vấn ông Nguyễn Lam Hồng của Ban Tôn Giáo địa phận Thừa Thiên Huế, khi hỏi về vấn đề Cha Lý hoặc hòa thượng Thích Quảng Độ. Nếu nhìn một cách khác, bức hình đó có thể nói lên nhiều điều, trong đó có việc Ban Tôn Giáo được nằm dưới sự dẫn đạo của chủ nghĩa cộng sản mà biểu tượng là cờ búa liềm.
Còn việc đăng bức hình cột cờ bên bờ sông Bến Hải có cần thiết hay không? Cần thiết ở chỗ, nó ghi lại được hiện thực cảnh quan của địa danh lịch sử cầu Hiền Lương và sông Bến Hải. Bài báo cốt trình bày một sự thật, dù là một sự thật làm khó chịu người đọc. Nhưng đừng gán ghép và nhầm lẫn trình bày sự thật của Việt Weekly với tuyên truyền. Tuyên truyền là khi cố ý nhồi nhét một thông điệp chính trị rõ rệt nào cho phía Việt Nam. Bài báo nếu nhìn kỹ, hoàn toàn không có không khí đó.
Một vấn đề được đặt ra nữa là tại sao trong khi các báo khác đăng tải hình cha Lý bị bịt miệng, mà không thấy Việt Weekly đăng tấm hình đó? Bộ Việt Weekly sợ Việt Nam hay sao? Không, hoàn toàn không đúng. Việt Weekly không sợ đăng tải những điều gì có tính cách phê bình chỉ trích nhà nước Việt Nam. Từ trước cho tới nay vẫn thế, thậm chí còn có nhiều bài chỉ trích một cách nặng nề nữa là khác. Thế nhưng, Việt Weekly đã chọn không đăng tấm hình đó, bởi vì, khi họp báo tại Hà nội, và phải trả lời câu hỏi về đề tài này, ông đại sứ Michael Marine đã khẳng định rằng những hành động gây náo động của cha Lý như thế nếu xảy ra tại một tòa án Mỹ, cũng sẽ phải chịu những đàn áp vũ lực để tái lập trật tự. Mặc dầu ông mong muốn nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng tiếng nói trong tinh thần dân chủ và tự do ngôn luận của cha Lý, nhưng ông cũng không ủng hộ hành động của cha Lý tại tòa án. Việt Weekly đã có mặt tại cuộc họp báo đó, và đã nghe ông Marine nói những điều đó, Việt Weekly không thể đăng tải bức hình đó của cha Lý như biểu tượng của sự bức hại tự do ngôn luận được, bởi vì nó bất cân xứng. Đăng tấm hình đó trong ý nghĩa đó là đi ngược lại với lương tri của nhà báo. Biết một điều không thực mà vẫn đăng để kích động quần chúng là một việc không nên làm đối với vai trò của một nhà báo.
Tóm lại, chủ trương báo chí của Việt Weekly bắt nguồn từ những suy nghĩ về những nhu cầu của cộng đồng, và được thực hành nhằm để phục vụ tập thể người đọc và đồng thời nâng cao nền báo chí tại hải ngoại. Chỉ có khi nào cộng đồng hải ngoại dám theo đuổi nguyên tắc tự do ngôn luận và báo chí một cách triệt để, mới có hy vọng đòi hỏi được quyền tự do báo chí và ngôn luận cho đồng bào bên trong Việt Nam.ª

http://65.45.193.26:8026/cms/acct/vietweekly/issues/vw5n19/tuDoNgonLuan.html

----

"Chỉ có tự do ngôn luận mới thắng được độc tài!"
- Tai sao VW, tác giả bài viết KHÔNG lập một tờ báo với tôn chỉ trên ở VN mà lại làm ở hải ngoại, viết một cách lắt léo "trắng trắng đen đen, trộn lẫn nhiều thứ, gom góp vài mãnh phát biểu đó đây ... đánh đồng những mâu thuẫn về bản chất công/tội của người/sự việc", thiếu trung thực, để đưa độc giả đi hướng có lợi cho cs, cho tác giả, cho VW ???

- Đọc nhiều bài viết trên VW, nhìn hành động, độc giả có thể "nghi ngờ" "lập trường và phương pháp" của VW, của tác giả !!?? Lợi dụng tự do ngôn luận, tự do dân chủ ??? Đội mũ quốc gia, dân tộc (giống HCM) ??? Ngụy luận ???

- Hãy nhớ lại thời gian miền Nam trước 1975, có nhiều nhà báo, dân biểu làm nội gián, làm lợi, thân cộng, làm rối loạn chính quyền, xã hội miền Nam.

No comments: