Lương Tâm
Đỗ Trân Duy
Chúng ta dễ dàng đồng ý rằng, dù sống ở đâu, dù trong một nền văn hóa kỳ dị nào, con người cũng đều tự nhiên biết điều thiện điều ác. Chẳng hạn xã hội nào cũng ca tụng vị anh hùng vì nghĩa quên mình. Ngược lại ai cũng coi khinh kẻ gian ác ích kỷ hại người. Xuống đến cấp cá nhân, mỗi người cũng đối diện với ý thức thiện ác để phản tỉnh về chính mình. Khi cá nhân làm điều gì mà hắn cho là sai quấy, hắn buồn rầu và có mặc cảm tội lỗi. Khi làm điều gì mà hắn cho là phải đạo, hắn thấy an vui hài lòng. Chiếu theo phép lý luận, nếu chúng ta có tiền đề: “Bản tính con người là tự biết giá trị về thiện ác”, chúng ta sẽ có kết đề: “Trong đáy sâu của tâm có chứa sẵn một số tiêu chuẩn đạo đức mẫu giúp con người đánh giá sự việc.” Nguồn đạo đức ẩn tàng này được nhận diện là lương tâm.
Con người sống trong sự kiểm soát của lương tâm là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi. Nhưng, lương tâm từ đâu mà có là vấn đề nghiêm trọng cần phải được trả lời dứt khoát. Cho đến nay chúng ta có hai lối giải đáp trái nghịch nhau. Một lối của những người theo các trường phái Darwin, duy lý và vô thần. Một lối khác của những người hữu thần. Để làm nổi bật vấn đề này, chúng ta có thể lấy tư tưởng duy lý của Sigmund Freud, ông tổ phân tâm học (psychoanalysis) và tư tưởng hữu thần của C.S. Lewis, một học giả Thiên Chúa giáo, làm cuộc đối chiếu. Cả hai ông đều có lập trường rõ rệt về lương tâm. Mỗi người đều có thể là đại diện cho khuynh hướng của mình.
Lương Tâm Là Sản Phẩm Của Văn Hóa Hay Của Thiên Chúa
Hơn ai hết Freud đã xây dựng cả một hệ thống tâm lý học để phân tích chủ đề lương tâm. Freud lập chủ thuyết cho rằng những qui tắc đạo lý là sản phẩm văn hóa do kiến thức con người đặt ra. Nó cũng giống như khi chúng ta đặt ra luật lệ giao thông. Đạo lý bắt nguồn từ kinh nghiệm khôn ngoan của những đời trước. Chúng được cha mẹ hấp thụ rồi truyền dậy cho con cháu từ thuở ấu thơ. Theo thời gian, những ý niệm đạo lý thuộc truyền thống giáo dục này thấm nhập vào vô thức con người và trở thành lương tâm. Con người nhờ đó mà sống có nhân cách và trật tự. Vì lương tâm là những giá trị do con người đặt ra, nên lương tâm thay đổi theo không gian và thời gian. Có những cái xứ này cho là đúng xứ khác cho là sai hoặc ngày xưa cho là đúng ngày nay cho là sai. Khi cả cộng đồng có chung một nền tảng đạo đức, ý thức đạo đức trở nên một động lực mãnh liệt gọi là siêu ngã (super-ego). Siêu ngã đóng vai trò của một vị chánh án nghiêm khắc, ở trên tòa cao theo dõi, phán xét và khống chế lối sống của con người.
Trái ngược với Freud, Lewis cho rằng lương tâm không do con người đặt ra. Con người chỉ khám phá ra nó mà thôi. Nó cũng giống như con người không đặt ra sức hút của trái đất. Con người chỉ khám phá ra sức hút này, nhờ đó mà biết sống phù hợp với luật trọng lượng. Nếu lương tâm không do con người đặt ra, vậy tác giả của nó nó phải là Thiên Chúa, Đấng đã cấy những nguyên lý đạo đức vào tâm trí con người. Cái đạo đức thay đổi theo không gian và thời gian chỉ là hệ thống luân lý xã hội. Đạo đức khách quan, tức lương tâm, không biến đổi. Điều đáng lưu ý ở đây vì vị thế của Lewis. Không phải ông là tín đồ Thiên Chúa giáo nên có nhận định như vậy. Trái lại ông hoàn toàn là một người vô thần. Chỉ sau khi nhìn ra nguồn gốc lương tâm, bấy giờ ông mới nhập đạo Kitô.
Lewis giải thích thêm về luân lý xã hội. Kể từ khi con người có mặt trên điạ cầu, con người đã biết việc gì nên làm việc gì nên tránh. Con người không bao giờ loại bỏ được ám ảnh này nhưng cùng lúc con người lại không tuân giữ được điều đó. Vì vậy xã hội đặt ra luật pháp để củng cố sự tuân phục lương tâm. Hệ thống luật pháp tự nó không phải là lương tâm. Chẳng hạn sau Thế Chiến II mọi quốc gia, mọi cá nhân, khắp nơi đều biết Đức Quốc Xã sai lầm. Nhưng tại sao chúng ta biết họ sai lầm? Hẳn phải có một cái gọi là “đúng” làm mấu chốt. “Đúng” phải có thật, không đổi, vượt trên văn hóa và thời gian, vì nó là tiêu chuẩn để xét xử điều trái. Một sự kiện đáng suy nghĩ về tập đoàn Đức Quốc Xã, họ gồm những người có trình độ học vấn cao. Điều đó chứng tỏ lương tâm không phải là kết quả của kiến thức như Freud lập luận.
Điểm quan trọng trong học thuyết của Freud là sự thành hình của siêu ngã. Ông cho rằng cái mà những người hữu thần gọi là lương tâm, hay sức mạnh tâm linh, chỉ là dạng siêu ngã của tâm lý. Khi con người làm điều gì sai, hắn đi ngược lại những tiêu chuẩn của siêu ngã. Giữa ngã (cái tôi) và siêu ngã có sự xung đột. Nếu ngã mạnh, siêu ngã bị lu mờ, con người vẫn bình thản. Nếu ngã yếu, kẻ phạm lỗi sẽ có mặc cảm tội lỗi. Cơn khủng hoảng có thể nặng tới mức bị bệnh tâm thần.
Về điểm này Freud đã quá chủ quan trong phép định bệnh tâm thần, vì vậy kết luận của ông thiếu nền tảng nâng đỡ. Đã có nhiều ý kiến khác về vấn đề này. Bởi vì trên thực tế đã có rất nhiều người vô thần hay vô lương tâm mắc bệnh tâm thần. Nhà phân tâm học Jung nhận xét: đúng ra con người vì mất định hướng trong cuộc sống mà bị bệnh tâm thần, hơn là bị khủng hoảng trong dồn nét giữa ý thức thiện và ác. Lewis đưa ra trường hợp một người anh có đứa em bị chết yểu. Người anh thường có mặc cảm tội lỗi. Hắn tự trách mình đã không thương em cho đủ, khiến em phải chịu cảnh bất hạnh. Mặc cảm tội lỗi này xuất phát từ sự việc “không làm gì” chứ không phải “đã làm gì xấu”. Lòng ân hận do sự thôi thúc muốn ban phát yêu thương, muốn che chở người khác. Một tình yêu đại lượng, vô kỷ, thuần khiết từ lương tâm phát ra. Nó không đến từ sức ép của những định chế xã hội bên ngoài. Armand M. Nicholl, Jr. cho Freud bị khúc mắc không tìm ra giải đáp trong liên hệ thiện ác và lương tâm. Thuyết siêu ngã không cung cấp đầy đủ câu trả lời cho vấn đề này.
Với hai luận đề khác nhau về lương tâm nêu trên, con người đã hướng đến hai nguồn học hỏi khác nhau. Nhóm duy lý đề cao kiến thức khoa học. Họ khảng định khảo cứu cuộc sống vũ trụ theo đường lối khoa học là thành quả trí thức duy nhất của con người. Trái lại nhóm hữu thần cho rằng khoa học không bao giờ là căn gốc trọn vẹn của sự hiểu biết. Khoa học không thể trả lời cho mọi vấn đề. Bên cạnh kiến thức khoa học còn có một một nguồn kiến thức quan trọng khác là sự mặc khải của Thiên Chúa. Chúng là những tri giác do Thiên Chúa linh ứng cho con người. Khoa học có thể quan sát rồi cho biết hiện tượng xảy ra như thế nào, nhưng không thể trả lời hiện tượng ấy từ đâu mà có. Ngay những câu hỏi siêu hình về nhân sinh của triết học do con người đặt ra, khoa học đã bị bí rồi. Nói chi đến việc trả lời cho lãnh vực tâm linh không do con người đặt ra. Chỉ có mặc khải từ Thiên Chúa mới trả lời được cho những vấn nạn về tâm linh.
Lương Tâm Dẫn Đến Ý Thức Về Tôn Giáo
Lối nhận diện lương tâm của những người hữu thần đã dẫn họ đến với tôn giáo. Triết gia Immanuel Kant nhận định luật đạo đức ẩn trong nội tâm là bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng tác giả của lương tâm. Lewis khai triển rằng từ ý thức về đạo nghĩa, chúng ta nhận ra sự hiện hữu của lương tâm. Từ lương tâm chúng ta nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ Thiên Chúa chúng ta đón nhận tôn giáo do Người lập ra. Trong Kitô giáo, người ta thấy sự kiện càng rõ ràng hơn. Chẳng hạn lời phán của Giavê được ghi trong sách Cựu Ước: “Ta sẽ đặt luật Ta trong trí chúng và sẽ viết luật Ta trong tim chúng” (Yêr 31:33). Lời phán của Đức Giêsu được ghi trong sách Tân Ước: “Nước Trời ở trong lòng các ông” (Luc 17:21).
Freud không cho lập luận của triết học và của Thánh Kinh là hữu lý. Chúng chỉ là những lời phát biểu vô bằng cớ và không thể chứng minh. Theo ông, chúng không có giá trị khoa học. Trong khi đó nếu lấy hệ thống luật pháp xã hội đem đối chiếu với văn hóa và lương tâm, người ta sẽ tìm ra mối liên hệ rõ nét. Từ đó quá trình quan niệm đạo đức của con người có thể chứng minh.
Lewis cho rằng lương tâm chứa đựng bằng chứng trong chính nó (self-evident) nên không thể và không cần chứng minh. Chẳng hạn chúng ta không thấy có lý do gì mà người láng giềng phải hy sinh hạnh phúc của họ cho chúng ta. Chúng ta “nhìn ra” sự đương nhiên là thế mà không cần chứng minh. Chúng ta “nhìn ra” mọi người đều bình đẳng. Nếu một điều không thể chứng minh, không có nghĩa là nó vô lý, nhưng chỉ vì nó sẵn mang bằng chứng sự thật bởi chính nó.
Trước sau, Freud một mực phủ nhận có một Đấng siêu việt gọi là Thiên Chúa. Ông dùng phân tâm học đi sâu vào vùng bóng tối của vô thức để giải thích về sự liên hệ giữa lương tâm và tôn giáo. Cụ thể là ông đánh thẳng vào đức tin của Kitô giáo. Trong cuốn Vật Tổ và Điều Cấm Kỵ (Totem and Taboo) Freud cho rằng Chúa Cha là phóng ảnh của người cha. Câu nói nổi tiếng của Freud là: “Con người không được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa được con người tạo ra theo hình ảnh của người cha.” Freud dựa vào thuyết Darwin lập luận rằng con người từ thủa ban đầu sống trong chế độ bè nhóm. Trong đó người cha dùng sức mạnh để bảo vệ nhóm. Nhưng cũng với sức mạnh ấy, người cha trở thành vị thủ lãnh chiếm trọn tài sản của nhóm kể cả đàn bà và con trẻ. Để bảo vệ vị thế chúa tể, người cha đè bẹp những đứa con trai bằng cách hành hạ chúng, hoặc giết chúng, hoặc đuổi chúng ra khỏi nhóm để tránh sự cạnh tranh. Vì vậy những con trai sống trong cô đơn với tâm trạng vừa yêu cha, vữa ngưỡng phục, vừa sợ hãi, vừa hận ghét cha. Để sống còn, những đứa con trai quay trở lại nổi loạn giết cha của mình và đoạt quyền lãnh đạo. Từ đó những đứa con mang mặc cảm tội lỗi. Theo thời gian con người giải tỏa mặc cảm tội lỗi bằng cách thờ cúng vật tổ. Vật tổ thường là những con vật siêu đẳng như gấu, sói, chim ưng… chúng là biểu tượng quyền lực của người cha. Người trong nhóm bị cấm không được giết vật tổ để tỏ lòng tôn kính cha. Ngoài ra chúng còn tổ chức những buổi lễ thờ cúng vật tổ để thỏa lòng hối hận. Từ đó phát sinh ra tôn giáo và người cha biến dạng thành thần linh.
Freud cho biết tâm trạng vừa yêu vừa sợ vừa hận ghi dấu rõ rệt trong tâm trạng của mọi tín đồ dành cho Thiên Chúa của họ. Tôn giáo không hơn không kém chỉ là một cơ chế ngụy trang để giải quyết ám ảnh xung đột của thời thơ ấu. Ám ảnh muốn được yêu thương, che chở, chiếm đoạt và hối hận. Ngôi vị người cha nguyên thủy được dùng làm khuôn mẫu (prototype) để tạo ra Thiên Chúa. Freud kết luận, một kẻ không giết người hàng xóm vì Thiên Chúa cấm kị điều đó và Người dọa sẽ phạt hắn ở đời sau. Vì sợ Thiên Chúa nên hắn không dám giết người. Nhưng nếu hắn biết không hề có Thiên Chúa, dù có giết người hàng xóm hắn cũng không bị phạt ở đời sau. Tuy nhiên hắn không thể giết người hàng xóm vì hắn là người có học thức. Vì vậy chính học thức đã giải phóng con người. Ngược lại tôn giáo chỉ là một ảo ảnh tâm lý. Tôn giáo mang lại những cấm đoán, dọa nạt và nỗi sợ hãi làm mất tự do của con người.
Lúc đầu học thuyết của Freud đã gây nên cơn chấn động lớn trên thế giới. Người ta nghĩ rằng đã đến lúc phải viết lại lịch sử nhân loại. Nhưng ít lâu sau, thuyết của Freud không được các nhà nhân chủng học chấp nhận. Họ phê bình học thuyết của Freud là loại truyện dã sử gán cho thời tiền sử. Theo họ, Freud là bậc đại tài về khoa phân tâm học, nhưng ấu trĩ về nhân chủng học. Lewis nhận xét Freud cố gắng phủ nhận thần tính của lương tâm bằng lối giải thích theo bệnh lý. Thiên Chúa vượt xa giới hạn hình ảnh một người phàm. Không thể dùng kinh nghiệm loài người để giải thích Thiên Chúa. Lewis thêm, giả dụ Freud có lý. Nói cho cùng nếu những đứa con ân hận vì đã giết cha, vậy nếu không giết cha chúng sẽ không có lòng ân hận. Cái phán xét đưa đến lòng ân hận hay bình an ấy từ đâu mà đến? Rõ ràng nó (lương tâm) vẫn phải có sẵn trước khi sự việc giết cha xảy ra.
Đối Với Những Người Gần Gũi Với Lương Tâm
Freud dùng phân tâm học đi sâu vào thế giới bệnh lý để khảo sát những người sống mật thiết với lương tâm Kitô giáo. Ông phúc trình rằng những ai càng có ý thức về lương tâm sâu đậm bao nhiêu, như những người được gọi là “thánh”, lại càng là những người bị bệnh tâm thần nặng bấy nhiêu. Những người này luôn sống trong tâm trạng sầu khổ vì có mặc cảm mình là kẻ tồi tệ đáng bị phạt. Vì vậy họ thường trực sống trong lo âu ảm đạm. Họ thiếu bản tính an vui và thiếu sự hài lòng tự tin về chính mình. Thêm nữa những người này thường có một trình độ rất thấp về khoa học.
Mặc cảm tội lỗi nơi các vị “thánh” là một sự kiện có thật, nhưng Lewis nhìn ra nút mở trong ánh sáng tâm linh. Ông cho biết con người có những trình độ phát triển về lương tâm khác nhau. Với một người có lương tâm cao, người ấy thấy rõ tội lỗi ở trong mình, nên đau khổ vì sự ô uế ấy. Người nào càng tranh đấu với sự xấu bao nhiêu càng biết rõ nó bấy nhiêu. Vì vậy người ấy luôn luôn đề cao cảnh giác và sống trong tâm trạng sám hối. Nếu một người toàn thân sạch sẽ, lại mặc một bộ quần áo toàn trắng, họ sẽ rất khó chịu khi có một vết dơ dính ở vạt áo. Với một kẻ xấu xa, hầu như không có ý thức về lương tâm, nên hắn cũng không có ý thức về tội lỗi. Hắn cũng không có sự dằn vặt đau khổ khi phạm tội. Ai càng sống theo sự xấu bao nhiêu càng ít hiểu biết về nó bấy nhiêu. Do đó người xấu luôn luôn nghĩ là mình phải. Họ sống an vui và hài lòng về mình. Nếu một người toàn thân đã phủ đầy bùn đất, họ đâu thèm để ý tới vết đen dính ở gót chân. Đạo hạnh mang lại sự sáng. U mê mang lại sự tối. Ngoài ra, theo nhà phân tâm học Jung, nhiều bằng chứng cho thấy sức mạnh của đức tin tôn giáo chữa lành tâm bệnh chứ không tạo ra tâm bệnh. Sức mạnh tâm linh này không liên quan gì đến trình độ hiểu biết về khoa học của con bệnh. Gần đây Jean Milet dựa vào những hiện tượng không thể tiên đoán trong thế giới vi vật lý (microphysic) và quantum phát biểu rằng, người càng ít hiểu biết về khoa học càng xa Thiên Chúa, càng hiểu sâu khoa học càng gần Thiên Chúa.
Lương Tâm Là Khởi Điểm Cho Chúng Ta Tiếp Xúc Với Thiên Chúa
Một câu hỏi làm nhức óc mọi thời đại là “lý do hiện diện của vũ trụ”. Vũ trụ ngẫu nhiên mà có và tự tồn tại hay do một Đấng thông minh siêu việt nào tạo nên. Nói cách khác “có Thiên Chúa hay không?” Câu trả lời không ai ngờ đã có sẵn bên trong mỗi người, đó là tiếng nói của lương tâm. Chúng ta đàm thoại với ông kiến trúc sư thì dễ hiểu hơn là nhìn vào căn nhà do ông ta xây rồi phỏng đoán về ông. Cũng vậy, rất khó tìm Thiên Chúa qua cấu trúc vũ trụ, hay những hình thức bề ngoài. Tốt hơn hãy nghe tiếng nói của Người trong lương tâm của mình. Lương tâm là ý thức để con người suy ngẫm về Thiên Chúa. Người không biết đến lương tâm làm sao có thể nhìn ra Đấng Tác Giả của lương tâm. Kẻ biết lương tâm nhưng không thấy căn gốc của nó cũng không thấy Thiên Chúa.
Chúng ta có thể có nhận định gì về Freud và Lewis. Khởi đầu cả hai ông đều là những nhà trí thức (giáo sư đại học) và vô thần. Cả hai cùng nghe thấy tiếng nói của lương tâm. Một đàng, Freud không nhận ra đó là tiếng nói của Thiên Chúa nên tiếp tục là kẻ vô thần. Đàng khác, Lewis nhận ra đó là tiếng nói của Thiên Chúa nên trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Hai thái độ lựa chọn này trở thành biểu tượng chung cho nhân loại trong ý chí tự do hướng về siêu việt.
Đối với Kitô hữu, câu hát của thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm” là cách nói mặc khải về liên hệ giữa Thiên Chúa và con người qua lương tâm. Đức Giêsu hứa tha tội và cứu vớt những ai tin vào Người, nhưng kẻ vô thần không biết sự nối kết ấy làm sao họ nhận được ơn phúc. Thiên Chúa đau khổ “vì lòng chúng chai đá” (Mac 3:5). “Chúng sai lạc từ đáy lòng. Chúng chẳng biết đường lối Ta. Vì vậy chúng sẽ không bao giờ được an nghỉ trong Ta” (TV 95:10-11; Hip 3:10-11).
http://www.nuocviet.org/xahoi/may07/luongtam.htm
---
Người Cộng Sản trên cả tuyệt vời
Sunday, June 24, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment