Nhân cuộc tranh luận giữa nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và Chủ Nhiệm Việt Weekly Lê Vũ
Thursday, June 21, 2007
Quyền tự do ngôn luận có tuyệt đối không?
Lâm Văn Tốt
Vào buổi trưa ngày Thứ Tư trên đài VNCR, đã có một cuộc tranh luận giữa nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và chủ nhiệm tuần báo Việt Weekly, ông Lê Vũ. Nội dung cuộc tranh luận xoay quanh bài báo “Bài học khó thuộc” của ông Hà Văn Thùy đăng tải trên tuần báo này hiện gây ra nhiều phẫn nộ và phản đối của đồng hương Việt Nam tại quận Cam. Cuộc tranh luận kéo dài 30 phút, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã đưa ra những lý lẽ và bằng chứng để cáo buộc tuần báo Việt Weekly là thân cộng, điều mà ông Lê Vũ luôn luôn phủ nhận. Cho nên, cuộc tranh luận chẳng đi đến đâu, ngoại trừ đây là cơ hội để ông Lê Vũ biện minh bằng cách lập luận là quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối.
Quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ được qui định bởi Ðệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp Hoa Kỳ và về nguyên tắc pháp lý, đây là quyền hiến pháp chứ chưa hẳn là quyền tuyệt đối. Và cũng không ai cản một người nào đó coi quyền này là tuyệt đối mà không kể gì đến lương tâm và trách nhiệm của một công dân. Quyền tự do ngôn luận chỉ là nguyên tắc căn bản được Hiến Pháp công nhận, nhưng khi thi hành nó phải có luật để thực hiện những quyền căn bản. Chẳng hạn như một nhà báo, một nhà truyền thông được quyền loan tin chiến sự, nhưng sẽ không được quyền loan báo những vụ chuyển quân trước khi sự kiện này bắt đầu. Chẳng hạn như một nhà báo có quyền loan tin về một vụ sờ mó trẻ vị thành niên, nhưng nếu không muốn bị kiện thì đừng có đăng hình và tên tuổi nạn nhân. Quyền tự do ngôn luận của người làm báo trong những trường hợp này, rõ ràng không thể tuyệt đối được. Tự do ngôn luận, nhưng vi phạm vào luật pháp của quốc gia mình đang sinh sống hay đang mang quốc tịch là không được. Vậy thì làm gì có quyền tuyệt đối cho tự do ngôn luận?
Ngay đối với trường hợp tờ Việt Weekly cũng vậy. Nếu ông Lê Vũ bão rằng, quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối, cho nên nó cho phép ông đăng tải bài báo của ông Hà Văn Thùy, trong đó ông ta ca tụng Hồ Chí Minh như một thánh nhân. Ngoài việc ca tụng Hồ Chí Minh, ông Hà Văn Thùy vốn là một cựu cán bộ văn hóa cấp tỉnh của cộng sản, còn ca tụng điều mà ông gọi là chiến thắng của cuộc tổng tấn công và nổi dậy hồi Tết Mậu Thân 1968, và cho rằng, số người chết trong vụ khủng bố 911 tại New York là cái giá xứng đáng mà người Mỹ phải trả để bù đắp lại những điều mà Hoa Kỳ đã gây ra trên thế giới. Với những lời lẽ này, rõ ràng, ông Hà Văn Thùy đã sỉ nhục tất cả 4 triệu người Việt Nam chết trong cuộc chiến tranh do ông Hồ gây ra chỉ để phục vụ cho một chủ nghĩa của bọn Ðệ Tam Quốc Tế và rồi cuối cùng các học trò của ông cũng lại đành phải ôm chân Mỹ mà thôi. Rõ ràng ông Hà Văn Thùy đã sỉ nhục vong linh của trên 300,000 người chết oan uổng trong cuộc đấu tố ruộng đất thập niên 50 theo lệnh ông Hồ. Và rất rõ ràng, ông Hà Văn Thùy đã ca ngợi hành động giết người man rợ như thời Trung cổ của nhóm người cộng sản đã đập đầu bằng cuốc, xẻng và chôn sống 6,000 thường dân trong đó có cả tu sĩ trong Tết Mậu Thân ở Huế. Càng rõ ràng hơn, ông Hà Văn Thùy cũng đã ca tụng nhóm khủng bố chủ trương vụ khủng bố ở New York khiến cho trên 3,000 thường dân Mỹ chết trên tòa Tháp Ðôi.
Theo cách nhìn và quan điểm của ông Lê Vũ thì chắc ông phải cho rằng, quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối nên ông mới đăng tải bài của ông Hà Văn Thùy. Nhưng quyền tự do ngôn luận tuyệt đối này lại bị chính tuần báo Việt Weekly vi phạm khi các ông ấy từ chối không đăng tải bức hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị công an Việt cộng bịt miệng trước tòa án. Như vậy có nghĩa là vẫn có những cái kéo trong tờ Việt Weekly phải không? Chủ Nhiệm Lê Vũ cho rằng, quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối mà hình ảnh vẫn còn bị kiểm duyệt hay bị từ chối đăng tải có nghĩa là quyền tự do ngôn luận đâu có tuyệt đối như lời ông Lê Vũ phải không? Trong vụ này ông Lê Vũ còn có quyền năng hơn cả tự do ngôn luận tuyệt đối?
Ông Chủ nhiệm Lê Vũ cho rằng, ông muốn tạo ra một diễn dàn có tiếng nói của nhiều khuynh hướng khác nhau trên tờ Việt Weekly. Có lẽ cũng vì thế mà ông cho phổ biến hình ảnh nhóm chủ trương của Việt Weekly ngồi họp với cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Sản Võ Văn Kiệt ở Việt Nam. Nếu là người làm báo có lương tâm, chính trực và công bằng, lẽ ra ông cần phải đăng bức hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng cho cân bằng, chứ sao lại để cho ông Kiệt một mình một chợ không có người chống ông ta ở Việt Nam như vậy. Nguyên tắc cân bằng tin tức để đánh giá mức độ trung thực của một tờ báo đã không được thực hiện một cách đàng hoàng trong bối cảnh này. Nếu quyền tự do ngôn luận ở đây là tuyệt đối, ông Lê Vũ đã chấp nhận đăng hình ảnh ông Võ Văn Kiệt thì ông có ngại gì mà bỏ bức hình Linh Mục Lý bị bịt miệng đi? Ở Mỹ đâu có công an và có ai bắt tù một nhà báo khi cho phổ biến bức hình này? Hay là ông sợ làm như thế sẽ bị Hà Nội quở trách và họ sẽ không cho về Việt Nam làm mưa làm gió nữa? Và nếu như vậy thì làm sao có thể gọi tờ Việt Weekly là một diễn đàn đúng nghĩa của nó được?
Có một điều mà dư luận đồng hương ở quận Cam rất quan tâm. Một tuần báo chủ trương quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối như tờ Việt Weekly, lẽ ra ông Lê Vũ và nhóm chủ trương phải thuyết phục nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Sản để cho ông xuất bản và phổ biến tờ báo này ở trong nước mới phải, vì các ông cho rằng, tờ báo của mình là một diễn đàn nhiều chiều, trong đó có cả những bài không những bênh mà còn ca tụng Hà Nội nữa. Chỉ nội điều này, tuần báo Việt Weekly cũng đã có điểm với chính quyền Việt Nam rồi, huống chi việc tờ Việt Weekly có mặt ở trong nước còn giúp Việt Nam bài học thế nào là quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, cái quyền mà nhân dân Việt Nam trong nước khao khát chứ không phải là người Việt hải ngoại vì người Việt hải ngoại đã có cái quyền đó rồi nếu căn cứ vào lời tuyên bố của ông Lê Vũ.
Ðó là những lời tôi đề nghị với ông Lê Vũ chủ nhiệm tờ tuần báo Việt Weekly. Nhưng trong thâm tâm, tôi không nghĩ là ông Lê Vũ và báo Việt Weekly có khả năng làm những điều ấy. Cái cách các ông tạo diễn đàn trên tờ Việt Weekly, theo một vài nhà báo có kinh nghiệm ở đây thì chẳng có gì mới mẻ. Nó chỉ là những vết xe cũ bởi một điều dễ hiểu: tuổi còn trẻ nhưng đầu thì đã già cội, lại ít ngay thẳng cho nên nghĩ rằng, cứ phủ nhận tất cả là tạo ra được luồng gió mới mà không nhìn thấy rằng, ngày nay cộng đồng này đã trưởng thành. Họ có thể chỉ trích, phản đối những thủ lãnh cộng đồng hay một thiểu số phần tử chống cộng cực đoan, hành động kỳ quái, thiếu chín chắn. Nhưng khi thấy tuần báo Việt Weekly khơi khơi để cho ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa hợp hòa giải trong khi đảng của ông ta không hòa giải được với chính những cán bộ trong đảng cộng sản nay trở thành các nhà bất đồng chính kiến, và để cho ông Hà Văn Thùy mặc sức lăng mạ những nạn nhân cộng sản trong cộng đồng Việt Nam, đồng hương phẫn nộ và đánh dấu hỏi ngay.
Cho nên, khi ông Lê Vũ nhất định dùng quyền tự do ngôn luận như một quyền tuyệt đối để bênh vực cho một việc làm gây nhiều hoài nghi và tranh cãi tức là ông đã phiêu lưu vào một lãnh vực mà chính bản thân ông cũng không rõ những giới hạn của nó. Cho tới nay, dù nền dân chủ và tự do ở Mỹ đã lên tới cao độ, nhưng không nhà báo Mỹ nào dám coi quyền tự do ngôn luận của họ là tuyệt đối. Sau vụ 9/11 xảy ra, có nhà báo Mỹ nào đặt vấn đề như ông Hà Văn Thùy đặt đâu. Lý do dễ hiểu thôi: các nhà báo Mỹ nhận thấy rằng có một thứ quyền năng cao hơn cả quyền tự do ngôn luận: đó là lương tâm và trách nhiệm. Trong bối cảnh của nước Mỹ vào năm 2001 sau biến cố 9/11, nếu có một nhà báo nào đặt vấn đề như ông Thùy và nếu có tờ báo nào viện ra quyền tuyệt đối của tự do ngôn luận để đăng bài này, chắc chắn ông nhà báo ấy phải khăn gói quả mướp trốn ra nước ngoài sinh sống thôi.
Quyền tự do ngôn luận ở Mỹ được Hiến Pháp qui định, đó là quyền Hiến Pháp, nhưng không phải là tuyệt đối vì nó vẫn có những giới hạn cho một nhà báo khi muốn hành sử vì lương tâm và trách nhiệm. Ðã gọi là con người thì lúc nào cũng cần có trái tim biết rung động và lòng trắc ẩn. Không ai dùng quyền tự do ngôn luận để ca tụng độc tài. Cũng không ai dùng tự do ngôn luận như một món quà tặng cường quyền áp bức nếu họ không muốn bị cáo buộc là tay sai.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=61574&z=12
Friday, June 22, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment