Hòa hợp hòa giải?
Monday, June 25, 2007
Ðoàn Hợp
Khi ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Sản, đặt vấn đề hòa hợp hòa giải trên tuần báo Việt Weekly là ông đã đụng chạm đến một nguyện vọng sâu xa của người Việt Nam không những ở hải ngoại mà còn ở trong nước. Người xưa thường nói làm việc gì thì cũng cần “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Những yếu tố quyết định sự thành công của một công việc như cổ nhân đã chiêm nghiệm cho đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Chuyện này làm tôi nhớ lại thời gian xảy ra cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Khi Việt Cộng tấn công vào Sài Gòn và một số tỉnh khác ở miền Nam Việt Nam và sau khi cuộc tấn công thất bại và xảy ra chuyện Việt Cộng giết và chôn sống 6,000 người tại Huế thì hàng ngày trên các đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải Phóng, nhà cầm quyền Cộng Sản ra rả kêu gọi thi hành “chính sách 12 điểm hòa hợp hòa giải dân tộc”. Sự nghịch lý đó là điều rất dễ nhận ra, vì người miền Nam Việt Nam qua cuộc tổng tấn công nhưng không có nổi dậy này đã thấy rõ cái mồi hòa hợp hòa giải dân tộc mà Cộng Sản đưa ra chỉ nhằm khích động những phần tử thân Cộng nổi dậy ngay trong lòng thủ đô Sài Gòn lúc đó. Nhưng cuộc nổi dậy đã không hề xảy ra. Ngược lại, đường dây nằm vùng và kinh tài Cộng Sản ở khắp nơi bị phá nát.
Cho nên, khi ông Võ Văn Kiệt đặt vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc trên một tuần báo ở Little Saigon vào lúc nhà cầm quyền Hà Nội thẳng tay đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, giữa lúc nạn tham nhũng hoành hành, giữa lúc Hà Nội đã kiểm soát toàn bộ Việt Nam trong 32 năm, nhưng bất cứ lúc nào cũng ngửa tay xin tiền nước ngoài, ông Kiệt đã viết một câu chuyện khôi hài đen trong một cộng đồng mà hầu hết là những nạn nhân của chế độ Cộng Sản. Không những thế, ông còn đòi cho những người Cộng Sản hiện nay một vị trí yêu nước. Thật ra thì không ai cấm được ông đòi như thế. Nhưng ông cũng thừa biết rằng khi có những người Cộng Sản yêu nước, chẳng hạn như các ông Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần... và những người trẻ thuộc thế hệ sau này như Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phương Nam Ðỗ Nam Hải, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân và rất nhiều người khác nữa lên tiếng đòi làm sạch chế độ, làm sạch chính quyền hoặc lên tiếng phản đối những hành động đàn áp, chà đạp nhân quyền thì họ vẫn bị coi như là kẻ thù của chính quyền.
Nếu ngay từ thời ông Võ Văn Kiệt còn ngồi ở ghế thủ tướng Việt Nam Cộng Sản mà ông đưa ra vấn đề hòa hợp hòa giải kèm theo những biện pháp triệt để diệt trừ tham nhũng, triệt để loại bỏ những viên chức lãnh đạo lạm quyền, ăn hối lộ, đục khoét ngân sách quốc gia, những kẻ làm giàu phi pháp, làm giàu bằng mồ hôi của công nhân, nông dân Việt Nam, cho dân tự do ngôn luận, tự do báo chí, thiết lập được hệ thống tư pháp sạch sẽ và độc lập, thì vấn đề ông ta đưa ra bây giờ lại được nhìn một cách khác. Ðàng này, dưới thời ông Kiệt làm thủ tướng, vẫn không có sự kiện nào hay ho hơn tình hình hiện nay tại Việt Nam. Lúc có quyền trong tay, ông không có những món quà thích đáng bước trước để nói về hòa hợp hòa giải, thì nay ông không cầm quyền nữa, liệu ông có thể hòa hợp hòa giải với những kẻ thù ông tại Việt Nam được không? Ông có thể hòa giải với chính nhân dân Việt Nam trong nước được không? Trong số những ý kiến về lời kêu gọi hòa hợp hòa giải của ông Võ Văn Kiệt trên tờ Việt Weekly, được gởi ra từ Việt Nam có nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên là ông Kiệt chỉ thích nói chuyện hòa hợp hòa giải với người Việt Nam ở hải ngoại, còn lại thì ông chẳng cần hòa hợp hòa giải ngay với người dân trong nước.
Người kế nhiệm ông Võ Văn Kiệt có khá hơn không? Báo chí nước ngoài và tại Việt Nam mô tả Thủ Tướng Việt Nam Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng là người trẻ tuổi nhất trong hàng thủ tướng từ trước đến nay. Ông biểu diễn màn nhượng bộ Tòa Thánh Vatican, rồi ông vui vẻ đón tiếp phái đoàn Vatican thăm Việt Nam, ông chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết để cho thuận buồm xuôi gió. Nhưng rồi đột nhiên, Tòa Tổng Giám Mục Huế bị tấn công, Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bắt và bị đưa ra tòa. Vị tu sĩ này lên tiếng phản đối việc bắt giữ ông trái phép và bị bịt miệng. Bức hình chụp cảnh này trở thành một tượng của các hành động phi nhân của nhà cầm quyền Cộng Sản, trong đó có hệ thống tòa án thiếu độc lập, thậm chí trở thành một công cụ tồi của chính quyền Cộng Sản. Một chế độ tập trung quyền hành trong đó chính phủ có đủ các phương tiện bạo lực, chuyên chính như Việt Nam hiện nay mà sao một tòa án phải sợ những lời phản đối của một tu sĩ như thế?
Các nhà phân tích, các nhà chính trị, những nhà hoạt động cho quyền con người đã phải thực sự lúng túng trước hành động bất ngờ này của một cường quyền như cường quyền tại Việt Nam. Cuối cùng, người ta đành phải nhìn vào chi tiết của bức hình để nhận ra hành động của nhân viên an ninh chìm: hành động của hắn giống như hành động sẵn sàng bẻ cổ Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Bức hình bộc lộ sự ác độc của một chế độ đã ngự trị trên đất nước Việt Nam từ năm 1947 tới nay, một chế độ đã gây ra bao nhiêu cái chết của lương dân và những người yêu nước qua cuộc giết hại các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng cũng như các đảng phái quốc gia khác, qua cuộc thanh trừng chính những người đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà điển hình là cuộc đấu tố ruộng đất, qua việc bức tử và đưa vào tù những người yêu nước đã sát cánh với Hồ Chí Minh điển hình là vụ Nhân Văn và Giai Phẩm, qua sự dối trá và lừa bịp điển hình là nguyên tắc “Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ”. Ngày nay, sự dối trá ấy vẫn còn được đảng Cộng Sản nguy trang bằng “đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy”.
Trước đây, nhiều người Việt Nam đã tin rằng, một vài thay đổi từ những năm cuối của thập niên 80 sẽ là một luồng gió mới thổi vào Việt Nam. Thực tế, đã có một số thay đổi tại Việt Nam, nhưng đã 2 thập niên rồi, sự thay đổi ấy không tạo nổi một luồng gió mát mà chỉ tạo ra những cơn cuồng phong của gió Lào, thứ gió mang những khối lửa phà vào mặt mọi người mà người Quảng Trị từng biết. Tôi không phải là người thủ cựu, chống Cộng một cách cực đoan, thấy cái gì mà Cộng Sản làm đều xấu cả. Tôi cũng chẳng phải là người thích hay ủng hộ những nhà chính trị, những nhà hoạt động cộng đồng có đầu óc thiển cận... nhưng tôi nghĩ rằng, một người như ông Võ Văn Kiệt không đủ uy tín và tư thế nói đến chuyện lớn lao này. Ông chẳng có được miếng trầu nào để làm đầu câu chuyện, cũng chẳng có địa lợi, nhân hòa và thời thì cũng đã hết ở tuổi của ông.
Chúng tôi ở phía những người bại trận, phải rời bỏ đất nước để làm những người Việt Nam lưu vong. Nhưng ngày nay, hàng năm chúng tôi đã có thể gởi về quê hương gần 4 tỷ Mỹ Kim, con cái chúng tôi đã trở thành công dân của một đất nước tự do và dân chủ so vào bậc nhất thế giới, đã có một quan niệm rất rõ rệt về tự do, dân chủ và nhân quyền, những hội đoàn bác ái và thiện nguyện ở đây đã đóng góp phần khá lớn vào việc làm giảm những đau khổ của một xã hội mà chênh lệch giàu nghèo quá lớn do chính quyền Cộng Sản tạo ra... chẳng ai dại gì chấp nhận kiểu hòa giải mà những người Cộng Sản đưa ra hồi Tết Mậu Thân. Những đảng viên Cộng Sản như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Nguyễn Minh Triết thực hiện những hành động ve vãn cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nói ra những lời hoa mỹ, tâng bốc họ, nhưng đồng thời các ông vẫn tiếp tục nhốt nhân dân Việt Nam, những đồng hương của chúng tôi trong những nhà tù vĩ đại ở Việt Nam.
Việc công an nửa khuya đến nhà bắt người đem đi thủ tiêu hay đẩy vào hàng ngàn nhà tù không được xét xử như thập niên 80 được thay thế bằng việc bắt bớ có chuẩn bị dư luận và bị đưa ra tòa với tội danh ngụy tạo, có luật sư biện hộ, nhưng bản án thì đã được định trước như hiện nay, không có gì khác nhau cả. Vẫn chỉ là vu cáo, ngược ngạo, sử dụng bạo lực một cách trí trá nhằm dập tắt những chính kiến ngược lại với nhà cầm quyền mà thôi. Bằng chứng hùng hồn nhất là việc Hà Nội bắt giữ Nguyễn Vũ Bình và kết tội gián điệp. Trong một xứ mà đảng cầm quyền là đảng Cộng Sản, một người bị kết tội gián điệp tất khó có ngày ra tù. Nhưng chỉ vài năm sau, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Hà Nội phải thả Nguyễn Vũ Bình. Một nền tư pháp như thế tất không thể tạo niềm tin được cho ai, ngoài việc làm công cụ cho chính quyền để đàn áp người dân thấp cổ, bé miệng. Một đất nước mà nền tư pháp và lập pháp chỉ là công cụ cho hành pháp, thì chính quyền ấy là một tai họa cho người dân. Cho nên, khi được hỏi ý kiến, nhiều người Việt tị nạn tại Little Saigon cho rằng chẳng qua, vì đã không còn quyền lực, ông Võ Văn Kiệt đã viết chuyện khôi hài đen, chọc mà không cười được trên tuần báo Việt Weekly.
Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng ông Võ Văn Kiệt đã không có thiên thời, địa lợi và nhân hòa để đưa ra lời kêu gọi hòa hợp hòa giải mà ông còn phạm phải một lầm lỗi là đã dùng một tuần báo ít quan tâm đến những vấn đề như vấn đề mà ông đưa ra để làm phương tiện. Chủ trương của tờ tuần báo này là tin đường phố, “xui nguyên, giục bị” cốt tạo dư luận trong cộng đồng để bán báo. Ðột nhiên, cô tổng thư ký hay gì gì đó về Việt Nam, khi trở lại Mỹ viết vài bài báo để chứng tỏ rằng cô ấy không sợ những dư luận bảo thủ trong cộng đồng Việt Nam ở quận Cam. Vâng, chả có gì đáng sợ đối với quan điểm chống Cộng bảo thủ và cực đoan, vì tự nó đã không gây được ảnh hưởng gì trong thời đại tin học ngày nay nữa. Chứ có gì ghê gớm đâu? Nhưng đến khi hình ảnh ông Võ Văn Kiệt xuất hiện trong buổi phỏng vấn với nhóm chủ trương tuần báo Việt Weekly thì dư luận bắt đầu chú ý, không phải vì hình ảnh mà là chú ý đến nội dung, trong đó những câu hỏi cho thấy cuộc phỏng vấn không được cân bằng. Nếu tôi nói ra thì sợ là các tác giả cuộc phỏng vấn cho là bắt bẻ, bới lông tìm vết, nhưng quí vị cứ thử đọc lại những bài in trên tuần báo này về chuyện hòa hợp hòa giải của ông Võ Văn Kiệt để đánh giá. Cho đến khi tờ tuần báo này không đăng tải bức hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý chỉ vì một lời nhận định về Linh Mục Lý của Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Marine tại Việt Nam thì mọi việc trở thành sắc nét. Việc kiểm duyệt, không cho đăng tải bức hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý chỉ vì nhận định của một đại sứ Hoa Kỳ không liên can gì đến chủ trương tờ báo của mình, khiến cho cộng đồng đánh dấu hỏi liệu điều ấy có có phù hợp với một người làm báo chuyên nghiệp, độc lập hay không. Riêng bài báo nhan đề “Bài học khó thuộc” của ông Hà Văn Thùy trong chuyên mục “Chiến Tranh Việt Nam Nhìn Từ Nhiều Phía” là diễn đàn của Talawas năm 2005, không phải là diễn đàn của Việt Weekly năm 2007. Rút một bài trong toàn bộ một diễn đàn chuyên mục của một website đã được đưa ra từ lâu để đặt sang tờ báo của mình, lại không được phép, không nằm trong mục diễn đàn là một việc làm nguy hiểm, nhất là bài báo đó lại là một bài mà cộng đồng coi là một điều lăng mạ và thách thức họ.
Cho nên, muốn nói gì thì nói, muốn tranh luận cách nào đi nữa, những diễn tiến trên tuần báo Việt Weekly trước khi bài “Bài học khó thuộc” xuất hiện là những dữ kiện khiến nhiều người Việt Nam trong cộng đồng này phải suy nghĩ và phải đối phó.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=61704&z=12
Wednesday, June 27, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment