Làm gì có cái gọi là lập trường! Đó là nhân cách!
Vũ Xảo Trường Gian
Sau khi hàng trăm cá nhân trong cộng đồng người Việt ở Nam California cùng công bố sự bất bình của họ trong một buổi họp báo về việc Việt Weekly liên tục đăng tải những bài viết, trong đó ca tụng Hồ Chí Minh là một “thánh nhân”, phỉ nhổ chính thể Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, xuyên tạc ý kiến của ông Michael Marineđại sứ Hoa Kỳ để hạ thấp giá trị hành động phản kháng của Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa do Cộng Sản Việt Nam tổ chức để xử ngài tại Huế hôm 30 Tháng Ba, 2007,... Việt Weekly đã biện luận khá dông dài để bào chữa cho mình.
Theo Việt Weekly, việc ca tụng Hồ Chí Minh, phỉ nhổ chính thể Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam,... là ý kiến của ông Hà Văn Thùy. Việt Weekly đăng bài viết của ông Hà Văn Thùy vì nhóm chủ trương muốn biến Việt Weekly thành một “diễn đàn đa chiều”, sẵn sàng đăng tải phát biểu của những người có khuynh hướng khác nhau. Việt Weekly tự nhận là một tờ báo hiếm hoi trong làng báo tại hải ngoại đi theo khuynh hướng này và đã trung thành với chủ trương này từ khi ra đời cho đến giờ. Còn về việc xuyên tạc ý kiến của ông Michael Marine - đại sứ Hoa Kỳ nhằm hạ thấp giá trị hành động phản kháng của Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa do Cộng Sản Việt Nam tổ chức để xử ngài tại Huế hôm 30 Tháng Ba, 2007,... thì Việt Weekly khẳng định họ có mặt trong buổi họp báo tổ chức vào ngày 6 Tháng Tư, 2007, có ghi âm cẩn thận và đã ghi lại để mọi người cùng tham khảo.
Lối lập luận của Việt Weekly có nhiều điểm bất ổn.
1.- Tuy báo chí có thể và nên là “diễn đàn đa chiều” nhưng điều đầu tiên mà mỗi cơ quan truyền thông cần làm khi muốn tổ chức diễn đàn, đó là minh định yếu tố “diễn đàn”. Khi sử dụng bài của Hà Văn Thùy, Việt Weekly đã không làm điều này. Vì không làm điều này, người ta có thể xem đó là quan điểm của Việt Weekly.
Bên cạnh đó, cần nhớ rằng, “diễn đàn” của các cơ quan truyền thông luôn luôn có giới hạn nhất định. Ở đây, trong trường hợp Việt Weekly, “diễn đàn đa chiều” chỉ là một cách nói, không phải là lý do đủ vững để có thể chấp nhận việc bỗng nhiên chọn sử dụng bài viết của Hà Văn Thùy. Điều đó vô lý như đề cao, tranh đấu, bảo vệ cho tự do ngôn luận theo hướng giới thiệu các ý kiến cổ xúy thiên hạ “cướp, hiếp, giết”.
2.- Nghe thật kỹ phần ghi âm cuộc họp giữa đại sứ Michael Marine với báo giới tại Hà Nội mà Việt Weekly trưng ra như bằng chứng để bảo vệ mình, người ta không thấy đại sứ Michael Marine có bất kỳ lời nào, ý nào phê phán hành vi của Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong phiên xử ngài. Do vậy, rõ ràng Việt weekly đã bịa đặt khi khẳng định đại sứ Michel Marine “không ủng hộ hành động của Cha Lý tại Tòa án”. Sau khi bịa đặt điều vừa kể, Việt Weekly đã tự phỉ nhổ chính mình khi giải thích “có mặt tại cuộc họp báo đó và đã nghe ông Marine nói những điều đó, Việt Weekly không thể đăng tải bức hình đó của Cha Lý như biểu tượng của sự bức hại tự do ngôn luận được, bởi vì nó bất cân xứng”. Giả sử thật sự đại sứ Michael Marine không tán thành hành động của Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại tòa án Cộng sản thì ông ta cũng chỉ là một cá nhân, Michael Marine không phải chân lý, không thể chỉ vì ông ta “không ủng hộ hành động của Cha Lý tại tòa án” mà Việt Weekly “không thể đăng tải”. Kiểu tư duy và kiểu hành xử (ăn theo, nói leo) đó là của bồi bút, không phải của kẻ cầm bút có lương tri.
Khi phê phán “đăng tấm hình đó trong ý nghĩa đó là đi ngược lại với lương tri của nhà báo. Biết một điều không thực mà vẫn đăng để kích động quần chúng là một việc không nên làm đối với vai trò của một nhà báo”, Việt Weekly tự nhận mình hàm hồ và thiển cận. Chính thực tế là bằng chứng rõ ràng nhất về giá trị của tấm hình. Quần chúng - đối tượng mà Việt Weekly cho là ngu độn, dễ bị kích động - đã nổi giận và Việt Weekly cuống cuồng phân bua “không phải là Cộng Sản”.
3.- Việt Weekly thường xuyên vỗ ngực ti toe về khát vọng trở thành “tiên phong” trong làng báo Việt ngữ ở hải ngoại. Tuy nhiên theo tiết lộ của ông Từ Vấn - tác giả bài “Sự việc Bài học khó thuộc của Hà Văn Thùy trên tuần báo Việt Weekly và vấn đề sử dụng bài trên các trang mạng điện tử” (đã đăng trên Diễn đàn điện tử Talawas: http://www.talawas.org, độc giả có thể xem lại trên Nhật Báo Người Việt ra ngày 20 Tháng Sáu, 2007) - bài viết “Bài học khó thuộc” không phải do Hà Văn Thùy viết cho Việt Weekly. Bài này được tác giả gửi cho Talawas để tham dự một cuộc tranh luận có chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” và Talawas đã đưa lên Internet hôm 19 Tháng Năm, 2005 rồi Việt Weekly “chôm” để đăng lại trong số ra ngày 24 Tháng Năm, 2007.
Để trở thành “tiên phong”, Việt Weekly thường xuyên “chôm chỉa” bài vở của người khác, biến nó thành của mình theo kiểu như vậy (chỉ riêng trong số ra ngày 10 Tháng Năm, 2007, Việt Weekly chôm từ Talawas năm bài: “Việt Nam, con người từ những bóng ma - kỳ 2” của Nam Dao, “Quá khứ một thế hệ” của T. Vấn, “Báo chí, đạo đức và tự do cá nhân” của Đoàn Tiểu Long, “Những người đi tìm tổ quốc” của Trần Trung Đạo, “Phát triển và dân chủ” của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs - bản chuyển ngữ tiếng Việt của Nguyên Trường. Khi sử dụng các bài này, Việt Weekly không ghi xuất xứ, không có lời tòa soạn, mặc nhiên xem nó là của mình).
Phải chăng Việt Weekly muốn định nghĩa lại cụm từ “diễn đàn đa chiều” theo hướng: Về bản chất, “diễn đàn đa chiều” là nơi để bày những sản phẩm “chôm chỉa”. Điều không ai làm nhưng chúng tôi thì dám (?)cho đến khi bị... lộ.
Nếu đúng, hậu sinh không còn khả úy. Đó là những kẻ khả ố hành xử theo kiểu: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau ở chỗ... ai dùng mà thôi”!
Thứ tư: Nhiều người cho rằng Việt Weekly là Cộng Sản nhưng kẻ viết bài này không tin điều đó. Cộng sản không non nớt như vậy!
Việt Weekly rất tự hào về việc đã phỏng vấn Võ Văn Kiệt. Đây là điều trước nay không cơ quan truyền thông nào của cộng đồng người Việt ở hải ngoại thực hiện được. Vì sao? Vì họ không thể “tiếp cận” lãnh đạo Đảng và chính quyền Cộng Sản. Giới này không thể “định hướng” được nội dung cuộc trao đổi với họ nên không chịu ngồi trả lời phỏng vấn. Võ Văn Kiệt nói riêng và lãnh đạo Đảng cũng như chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam nói chung chấp nhận trả lời phỏng vấn của Việt Weekly vì hai bên có thể thỏa hiệp được với nhau.
Hãy lấy bài Việt Weekly phỏng vấn Võ Văn Kiệt đặt bên cạnh những bài mà báo chí Việt Nam phỏng vấn nhân vật này hoặc những bài mà nhân vật này đã viết, sẽ thấy không có gì mới. Cái đúng thì không mới còn cái mới thì không đúng. Công việc mà Việt Weekly đã làm với Võ Văn Kiệt không phải là “vấn”. Đó là sự phối hợp để tung hứng những nội dung mà giới lãnh đạo Đảng và chính quyền Cộng Sản muốn phổ biến đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Không phải Cộng Sản và cũng không thể làm Cộng Sản, Việt Weekly chỉ muốn chứng tỏ thiện chí của mình với Cộng Sản, bởi Việt Weekly hy vọng sự hậu thuẫn của Cộng Sản về tài chính thông qua chuyện độc quyền quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trên Việt weekly sẽ giúp Việt Weekly đủ tài lực trở thành “tiên phong” trong làng báo Việt ngữ ở hải ngoại. Đâu phải ngẫu nhiên mà Việt Weekly công khai tuyên bố với công chúng trước khi đi tham dự APEC tổ chức tại Hà Nội: “Sau chuyến đi Việt Nam về, Việt Weekly sẽ chuyển thành nhật báo!”
Nói báo Việt Weekly có “lập trường thân Cộng” là oan cho Việt Weekly. Việt Weekly chỉ là một cơ quan truyền thông duy lợi.
Trước đây, theo Việt Weekly, Nguyễn Quốc Lân vừa là một luật sư thuộc loại mạt hạng, vừa là tay sai thân tín của Trần Thái Văn. Thế nhưng mới đây, trên Việt Weekly số ra ngày 21 Tháng Sáu, Nguyễn Quốc Lân được Việt Weekly tâng bốc như một đại diện dân cử sáng suốt, hiểu thời cuộc (xin xem “Luật Sư Nguyễn Quốc Lân trả lời với đài BBC”). Vì sao vậy? Vì vào lúc này, Việt Weekly đang cần “phao”. Ý kiến mà Nguyễn Quốc Lân trả lời BBC (Theo tôi, muốn phát triển đất nước hay muốn sử dụng nguồn nhân lực là người Việt nước ngoài thì cả hai bên cần bỏ qua mọi chuyện quá khứ, dị biệt để nhìn đến quyền lợi chung của đất nước) được Việt Weekly “vồ” lấy để tán: “...Tiếng nói của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, đại diện cho những cử tri đã bỏ phiếu cho anh...” rồi lồng vụ chống Việt Weekly vào để bảo rằng “những thành phần thiểu số chống Cộng cực đoan hay hận thù đã bị chính người họ bỏ phiếu tín nhiệm phản bác lại”. Phải chăng khi nhân danh “tiên phong, hiện đại”, người ta có quyền ứng xử vô liêm sỉ và đó là bản sắc của cái gọi là “tự do ngôn luận tuyệt đối”?
Trước nay, trừ những bài “chôm chỉa có định hướng”, nội dung do nhóm chủ trương Việt Weekly thực hiện chỉ xoáy vào mạ lỵ cá nhân, “xui nguyên, giục bị”. Việt Weekly sẵn sàng bán tất cả miễn là có lợi. Hiểu điều đó nên Đảng và chính quyền Cộng Sản Việt Nam cũng chỉ cần dùng Việt Weekly như một công cụ để bôi bẩn, khiến từng thành viên trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại hoang mang vì tất cả mọi thứ có liên quan đến họ đều lố bịch, thảm hại.
http://www.vnfa.com/anews/0706_239.html
Wednesday, June 27, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment