Chia rẽ, bịa đặt, ngón bài muôn thưở của cộng sản
Lê Diễn Đức
Thật giả ra sao?
Trong tiến trình hình thành phong trào tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền của người Việt, những năm gần đây xảy ra nhiều hiện tượng bất hoà giữa một số cá nhân, tổ chức, đặc biệt là giữa những người bất đồng chính kiến trong nước, làm tổn hại không ít tới sức mạnh đoàn kết.
Dương Thu Hương đã từng không tiếc lời công kích gắt gao Nguyễn Thanh Giang và ngược lại. Có tin cho rằng, nhóm Đà Lạt gồm Mai Thế Lĩnh, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu không có dấu hiệu chống đối nhưng không ghi danh và hình như không ủng hộ tuyên ngôn của khối 8046. Trần Khải Thanh Thuỷ và một số người khác bị nghi ngờ làm việc cho đảng Việt Tân hoặc bị Việt Tân dùng tiền bạc thao túng. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị quy chụp háo danh, cướp công của Trần Khuê và Đỗ Nam Hải vì vội vã ra tuyên ngôn 8046 trước. Đỗ Nam Hải sau vụ tuyên bố vì chữ hiếu với cha già nên tạm ngưng tham gia phong trào dân chủ, để rồi không lâu sau đó lại quay trở lại, dẫn đến những hoài nghi với mức độ khác nhau trong dư luận. Không ít người viết rất nhiều bài tung lên mạng, “cục ta cục tác” khắp thế giới, thao thao bất tuyệt trên Paltalk nhưng chẳng biết con người thật giả của họ ra sao ngoài đời. Lại có một số người viết thư cho cá nhân và các tổ chức nước ngoài (trong đó có Đàn Chim Việt) xin giúp đỡ, tài trợ tài chính - mà nhiều người gọi là những “nhà dân chủ hành khất”, vân vân…
Ở đâu là sự phán quyết chính xác và nhất quán?
Câu trả lời: Không thể có sự phân tích, kết luận nào khách quan và đúng mức, cả mặt tích cực cũng như tiêu cực vào lúc này, trước những vấn đề nêu trên.
Tất cả chỉ có thể là phán đoán, giả thiết, suy diễn. Làm sao mọi thứ có thể bạch hoá được khi các nhà tranh đấu dân chủ hiện nay đang nằm trong thế “cá nằm trên thớt” trước bộ máy đàn áp khổng lồ và dày đặc của an ninh cộng sản. Mọi sự biện minh, giải toả không đúng lúc có thể bị trả giá bằng sinh mạng, hoặc ít nhất thì bị tù tội. Họ phải thiên biến vạn hoá theo hoàn cảnh để đối phó với thực tế, phải đóng nhiều vai diễn để tồn tại và tiếp tục đi tới, có lúc tốt nhưng chắc chắn không ít khi vào vai vụng về và vô tình mang hoạ.
Không ai cấm chúng ta trao đổi, phân tích thời cuộc trong môi trường dân chủ và xã hội được minh bạch hoá qua tự do thông tin và tự do tư tưởng. Góp ý xây dựng để những người làm chính trị giảm bớt thói háo danh, thích nổi tiếng, tránh những sơ suất về tổ chức là điều cần làm. Nhưng đứng ngoài, “cơm no bò cưỡi” ở xứ sở văn minh, nếu thiếu cẩn trọng và cho mình quyền tự do phán xét chắc nịch như thật, mà thực tế thì mang đầy tính chủ quan và có thể còn thiếu trách nhiệm nữa, sẽ gây tổn thất lớn cho phong trào dân chủ.
Chúng ta đừng quên rằng, trong tất cả những vụ việc đã, đang và sẽ xảy ra tương tự như trên đây, không thể không chú ý tới bàn tay của an ninh cộng sản. Nơi nào có cộng sản, nơi nào có chế độ độc tài, nơi đó an ninh, mật vụ không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn tinh vi và nham hiểm nào để luồn sâu, thọc kỹ nhằm chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết và lòng tin ở nhau giữa những người yêu dân chủ và tự do đang đứng chung một chiến hào.
Chính vì thế, tôi muốn sự kiện thời sự của hôm nay được chuyển tải tới mọi người. Không có gì quá nhiều khi nói về kinh nghiệm quá khứ và tiến trình dân chủ hoá của một đất nước đã làm sụp đổ đầu tiên nền móng của chủ nghĩa cộng sản. Đó là Ba Lan.
Nhà văn, nhà tư tưởng và dân chủ Pháp Hugues-Félicité Robert de Lamennais (1782-1854) đã từng viết: “Quá khứ không khác nào cây đèn để nơi ngưỡng cửa tương lai làm tan bớt một ít bóng tối bao phủ nó”.
Và người viết, theo phương châm của Miguel de Unamuno y Jugo (1864-1936), nhà văn, nhà thơ, triết gia và là nhà tư tưởng lớn của người Tây Ban Nha: “Cố gắng mà viết ra những tư tưởng của mình là phương pháp hay nhất để suy tưởng”.
Lech Walesa là gián điệp của cộng sản?
Trên DCVOnline, tôi đã cố gắng viết và dịch nhiều bài phản ảnh hình ảnh của Ba Lan thời hậu cộng sản.
Điểm thứ nhất, bằng sự phát triển nhãn tiền của Ba Lan, tôi muốn bác bỏ luận điệu bảo vệ “ổn định chính trị” của thể chế độc đảng, độc quyền cai trị hiện nay của Hà Nội bằng cách tận dụng những khó khăn mà các nước dân chủ non trẻ gặp phải trong những bước đi ban đầu để bao biện trơ trẽn và dối trá. Lech Walesa đã một lần so sánh nền dân chủ của Ba Lan đang như một đứa trẻ tập đi. Những ai cười khi đứa trẻ đó ngã là những kẻ thiếu thiện chí nếu không nói là bất lương và thấp hèn. Dân tộc nào sợ ngã, dân tộc đó sẽ chẳng bao giờ biết đi.
Điểm thứ hai, tôi thường nói về những khó khăn của Ba Lan trong việc thanh toán với quá khứ cộng sản, với mục đích để chúng ta cùng nhìn nhận, rút ra bài học cho sự ứng xử thực tế của người Việt. Bởi vì, cộng đồng dân tộc Việt chúng ta chia rẽ nghiêm trọng do đất nước bị chia cắt lâu dài, chiến tranh đối kháng Quốc-Cộng gần ba chục năm, rồi sau đó là địa phương chủ nghĩa cùng các yếu tố văn hoá khác… Từ 30/04/1975, chính sách sai lầm của Hà Nội trong việc bỏ tù, cải tạo quân nhân và viên chức của chính quyền Sài Gòn càng đẩy người Việt hải ngoại ra xa và đào sâu thêm mối hận thù.
Trong bài "Thanh toán với quá khứ cộng sản không phải là trả thù" của tác giả Đinh Minh Đạo trên DCVOnline, nói về sự việc Toà Án Bảo Hiến Ba Lan bác bỏ luật thanh lọc cộng sản, cho thấy tính ưu việt và trong sáng của một thể chế dân chủ. Nghịch lý trớ trêu: nguyên đơn, tức bên thưa kiện, là đảng đối lập của những người xã hội-dân chủ, thực tế là hậu thân của đảng cộng sản Ba Lan mà đảng cầm quyền đang muốn dùng luật thanh lọc để gạt bỏ càng nhiều càng tốt ra khỏi sân khấu chính trị. Thế nhưng, không một ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả quốc hội của đa số cầm quyền, nếu như bộ luật ra đời thiếu công bằng và không đảm bảo được các giá trị nhân quyền do hiến pháp quy định, nhất là tự do báo chí.
Sau phán quyết của Toà Bảo Hiến ngày 11/05/2007, các cuộc tranh luận xã hội (public debate) được thực hiện rộng rãi, các đảng phái chính trị Ba Lan và dư luận đang nghiêng về khuynh hướng bạch hoá toàn bộ hồ sơ của an ninh và cộng sản, để một lần và mãi mãi, không còn ai dùng nó như một con bài chính trị.
Đoạn tuyệt cộng sản chuyển sang chế độ dân chủ, người Ba Lan đã không đủ bản lĩnh để sòng phẳng ngay với quá khứ trong thời điểm ban đầu. Thật khó tin, một chiến sĩ dân chủ có tầm vóc lịch sử của thế giới hiện đại, giải thưởng hoà bình Nobel, người thợ điện đã từng “làm chập mạch toàn bộ hệ thống cộng sản”, Lech Walesa, lại bị quy kết cộng tác với an ninh cộng sản! Bàn tay ma quỷ của an ninh cộng sản không chỉ làm nhức nhối Lech Walesa, chia rẽ nghiêm trọng phong trào tranh đấu giành tự do, mà còn đặt dư luận xã hội trước những bất an về niềm tin và di hoạ vẫn day dứt cho đến hôm nay…
Trang bìa tập hồ sơ được LechWalesa công bố ngày 10/6/2007 - Nguồn: www.lwarchiwum.pl
--------------------------------------------------------------------------------
Vào sáng ngày 10/06/2007, khi cựu thủ lĩnh Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarność) Lech Walesa, quyết định cho công bố 500 trang tài liệu của an ninh cộng sản Ba Lan về cá nhân mình trên các mạng Internet, ngay lập tức được báo giới Ba Lan và quốc tế quan tâm. Đây là tài liệu mà theo yêu cầu của ông, Viện Tưởng Nhớ Dân Tộc – Hội Đồng Truy Xét Tội Ác Chống Nhân Dân Ba Lan (IPN) cung cấp.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (Radio France International) buổi chiều cùng ngày cho tôi biết báo "Le Monde" của Pháp đã có bài bình luận và họ hỏi tôi về sự kiện này. Điều này chứng tỏ, việc làm của Lech Walesa mở ra những bí mật thú vị mà dư luận trong nước và nước ngoài đều thích thú tìm tòi. Đây là lần đầu tiên, một tài liệu như vậy được công bố phổ cập.
Thực ra vấn đề về quá khứ của Lech Walesa không phải mới mẻ với người Ba Lan. Từ lâu Lech Walesa bị một số chiến hữu cũ, đặc biệt là bà Anna Walentynowicz (một huyền thoại khác trong phong trào đối lập của Ba Lan thời cộng sản) và vợ chồng ông Andrzej Gwiazda, tuyên bố trên nhiều phương tiện truyền thông rằng, Lech Walesa là “tên phản bội”, “tên ăn cắp” và “gián điệp” của an ninh cộng sản Ba lan.
Trong năm 2000, Toà Án Thanh Lọc của IPN đã ra phán quyết rằng, Lech Walesa trung thực với bản khai của mình. Lech Walesa không phải là “gián điệp” của an ninh cộng sản, dựa trên các tài liệu hồ sơ được công bố. Thế nhưng, những người vẫn chưa tin ông cho rằng, còn rất nhiều bí ẩn khác trong những hồ sơ chưa công bố cần được thẩm định và họ vẫn gán ghép, thêu dệt cho ông đủ chuyện.
- “Tôi không sợ trữ lượng hồ sơ. Sẽ có cái gì trong đó để giải toả nghi ngờ. Tôi vẫn tiếp tục bị sức ép, nên tôi quyết định nhắm mắt lại và bung ra” – Walesa nói với nhật báo "Gazeta Wyborcza" ngày 10/06/2007 – “Trong đống hồ sơ này là sự thật và nhìn thấy rõ ràng âm mưu đầu cơ của an ninh cộng sản. Tôi đã nói với các chiến hữu: “Các bạn đã bị an ninh cộng sản lợi dụng nên các bạn nói toàn những điều vô lý” - Ông nói thêm. Lech Walesa cũng đề nghị bà Anna Walentynowicz và vợ chồng ông Gniazda xin lỗi và cho rằng, họ không xứng đáng và nên trả lại huy chương cao nhất của nhà nước Ba Lan thưởng cho họ cách đây không lâu. Cũng nên biết rằng, an ninh đã luôn luôn bám sát, theo dõi từng cử động của họ và họ có mặc cảm bị tổn thương khi bị đưa ra khỏi lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết trong năm 1981. An ninh đã khai thác tối đa chi tiết này.
Cái gì tìm thấy trong tài liệu được công bố trên mạng của Lech Walesa?
Theo nhật báo "Dziennik" ngày 11/06/2007, thì đây là toàn bộ âm mưu đánh tráo sự thật và tạo thông tin giả để chia rẽ những người lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết của an ninh cộng sản.
An ninh cộng sản đã lập bộ hồ sơ với biệt danh “Emerytka” (Bà Hưu Trí) – “đối tượng” là bà Anna Wylentynowicz, với “kế hoạch khoét sâu sự đối kháng (antogonism) giữa bà Walentynowicz và Walesa”.
An ninh tung tin bằng nhiều phương pháp, đánh tiếng đến bà Walentynowicz, cho thấy Lech Walesa nhận 60 ngàn đô la tiền thưởng của nước ngoài không lương thiện và có nhiều hứa hẹn sử dụng tiền vào việc công ích nhưng không giữ lời. Sự việc đã gây ra tác động mạnh mẽ trong nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết. Sau đó, an ninh cộng sản tiến một bước xa hơn, họ lập nhiều “đối tượng” khác rất khôn khéo, tạo nhiều nhân chứng giả và cuối cùng bà Walentynowicz tin chắc rằng Walesa hợp tác với họ. Họ cũng giả vờ bỏ nhầm những thư từ, tài liệu có liên hệ tới Lech Walesa vào hộp thư nhà bà… Lech Walesa nói rằng, cả hai người bị an ninh cộng sản “xỏ mũi” dắt đi mà không biết gì!
- “Cần phải nhấn mạnh rằng, những điều nói ra của “đối tượng” ở mức độ lớn đã là những đòn tấn công vào Lech Walesa và tạo nên sự đối kháng” - Bút tích của một sĩ quan an ninh cộng sản ghi trong hồ sơ…
Hãy cảnh giác!
Như tôi đã trình bày ở phần đầu bài viết. Bộ máy an ninh của cộng sản Việt Nam bằng mọi thủ đoạn tìm cách đánh phá phong trào dân chủ. Cơ chế, cấu trúc và bản chất của chế độ cộng sản nào cũng độc ác, nham hiểm và ma mãnh như nhau.
Từ câu chuyện của Lech Walesa, chúng ta có thể liên tưởng ngay có cái gì na ná như câu chuyện nhà văn Dương Thu Hương tố cáo người ta cho nhét thư vào nhà bà. Chúng ta cũng đã thấy những bài viết trên mạng, vô số ý kiến trên diễn đàn tự do DCVOnline nói ông Trần Khuê bất minh trong việc sử dụng tiền nhận giúp giải thưởng nhân quyền của ông Hà Sĩ Phu, vân vân…
Mới đây, một người quen của tôi (xin được giấu tên) thường xuyên đi về Việt Nam và có nhiều tiếp xúc với các xếp an ninh cỡ bự. Anh ta nói rằng, công an Việt Nam xài tiền tấn. Dùng tiền cho mục đích đánh phá phong trào dân chủ thì không có giới hạn và tuyệt nhất là các khoản chi không cần phải có biên nhận minh bạch. Vì vậy, cả một đội ngũ đông đảo công an, mật vụ chìm, nổi bị tiền cuốn hút nên rất xông xáo, làm việc cật lực để “chăm sóc” các nhà dân chủ. Với những con người như thế, dã man, tàn ác, lừa bịp, đánh mất nhân tính thì không có gì đáng ngạc nhiên!
Từ kinh nghiệm của Ba Lan, chúng ta đừng bao giờ vội vã tin vào những thông tin chẳng có nguồn để kiểm chứng, nhất là của các "tác giả ảo" trên mạng. Đừng bao giờ thiếu cân nhắc khi đánh giá một con người hay hiện tượng liên quan đến phong trào dân chủ còn non nớt, phôi thai hiện nay. Bởi vì chúng ta đang ở trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, mọi liên hệ, đối thoại với anh em trong nước bị phong toả, trong khi đó an ninh cộng sản có đủ mọi phương tiện, tiền bạc tạo lập ra những trận đồ thông tin bát quái.
Hãy sáng suốt, điềm tĩnh và luôn luôn cảnh giác!
Warsaw, 11-12/06/2007.
© DCVOnline
Thursday, June 14, 2007
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment